Doanh nghiệp tích cực chuẩn bị hàng hóa dịp Tết Giáp Thìn 2024
Theo dự báo của Sở Công Thương TP.HCM, sức mua mùa Tết Giáp Thìn năm 2024 tăng khoảng hơn 11% so với Tết Quý Mão 2023. Nhiều doanh nghiệp, hệ thống siêu thị đã triển khai sớm các chương trình khuyến mãi dịp Tết 2024 nhằm kích cầu mua sắm của người tiêu dùng…
Theo Sở Công Thương TP.HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa 10 tháng năm 2023 đạt khoảng 578.000 tỉ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Dù vậy, Sở Công Thương thành phố cho rằng mức tăng này vẫn chưa đạt so với giai đoạn trước dịch, cho thấy sự tăng trưởng chưa bền vững và chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
ĐẢM BẢO NGUỒN CUNG ỨNG HÀNG HOÁ DỊP TẾT
Tiêu dùng nội địa và thương mại nội địa đang đóng vai trò quan trọng, là một trong 3 trụ cột thúc đẩy tăng trưởng năm 2023 của TP.HCM.
Do đó, nhằm thúc đẩy tiêu dùng, thương mại nội địa và chuẩn bị hàng hoá cho Tết, ngay từ đầu năm, TP.HCM đã xây dựng kế hoạch và giao Sở Công Thương chủ trì tích cực triển khai thực hiện.
Theo đó, nhằm đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, nhất là Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Công Thương TP.HCM đã làm việc với các đơn vị để bình ổn thị trường; tập trung tổ chức các chương trình khuyến mại, thực hiện các chương trình, kết nối cung cầu, trong đó đặc biệt chú ý liên kết vùng.
Đồng thời, phối hợp với các tỉnh thành tạo nguồn hàng hóa dịp cuối năm, bảo đảm chất lượng hàng hóa, làm sao đem chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng.
Cụ thể, các tháng Tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25 - 43% nhu cầu thị trường, bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 5.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thuỷ hải sản...
Sở Công Thương TP.HCM cho biết các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bình ổn thị trường sẵn sàng tăng sản lượng trong tình huống khẩn cấp, sẵn sàng bán hàng lưu động đến nơi thiếu hàng cục bộ...; kiên quyết ko để xảy ra khan thiếu hàng hoá, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống.
Tuy nhiên, một vấn đề rất quan trọng đối với doanh nghiệp sản xuất dịp cuối năm đó là nguồn vốn. Tại hội thảo “Tháo van tín dụng - Khơi thông tăng trưởng” mới đây, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết trong 2 tháng cuối năm 2023, ngành ngân hàng thành phố sẽ tập trung khai thác tính chất vụ mùa vì dịp Tết thường nhu cầu vốn tăng cao.
Theo đó, sẽ tạo điều kiện tối đa để đảm bảo nhu cầu vốn cho doanh nghiệp phục vụ sản xuất, kinh doanh trong mùa cao điểm tiêu dùng cuối năm. Trong đó, dành khoảng 9.000 tỷ đồng cho vay bình ổn thị trường với lãi suất ngắn hạn 4-6%/năm giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, từ đó có thể giảm giá thành hàng hoá trong dịp Tết.
NHIỀU CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN MÃI SỚM ĐƯỢC “TUNG RA”
Song song với việc sản xuất, dự trữ hàng hóa phục vụ thị trường Tết, hiện nay, một số doanh nghiệp, hệ thống siêu thị đã triển khai sớm các chương trình khuyến mãi dịp Tết 2024 nhằm kích cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Với vai trò là một trong những doanh nghiệp chủ lực của thành phố tham gia chương trình bình ổn thị trường, năm nay Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Satra) dự kiến tổng giá trị hàng hóa thiết yếu dự trữ cho 2 tháng (trước và sau Tết Giáp Thìn 2024) của hệ thống bán lẻ Satra (Satramart và Satrafoods) ước hơn 550 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết Quý Mão 2023.
Trong đó, dự trữ lượng hàng bình ổn tăng từ 6% đến hơn 14% tùy nhóm, các mặt hàng còn lại có mức tăng khác nhau từ 4% đến hơn 18%, dự kiến tăng cao sẽ nằm ở nhóm thực phẩm tươi sống được ưa chuộng dịp tết gồm: rau củ quả, trái cây, các loại thịt và bia, nước giải khát…
Bên cạnh đó, để chuẩn bị hàng hoá tết, Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết từ tháng 6/2023, công ty đã triển khai dự trữ nguyên vật liệu, chuẩn bị tốt nguồn hàng hóa phục vụ cho người tiêu dùng trước, trong và sau Tết. Công ty cam kết giữ giá ổn định, không điều chỉnh tăng giá bán trước, trong và sau Tết.
Vissan dự kiến cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so cùng kỳ và 3.800 tấn thực phẩm chế biến, tương đương so cùng kỳ với tổng giá trị hàng hóa đạt hơn 540 tỷ đồng trong dịp Tết Giáp Thìn. Vissan còn thực hiện dự trữ từ 10 - 20% sản lượng hàng hóa dự phòng trường hợp thiếu hụt hàng hóa cung ứng cho thị trường.
Được biết, từ nay cho đến các ngày cận Tết, Vissan sẽ thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá từ 10% – 20% vào các ngày cuối tuần và sẽ nâng mức giảm giá lên đến 30% trong những ngày sát Tết.
Đối với nhà phân phối, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc khối vận hành hoạt động Co.opmart (Saigon Co.op) cho biết trong những tháng cuối năm, tình hình thị trường bán lẻ dự báo vẫn tiếp tục khó khăn.
Hiện Saigon Co.op đã cùng các nhà cung cấp giảm tối đa chi phí sản xuất để giữ ổn định giá hàng hóa trong ngắn hạn. Theo đó, từ nay đến ngày 29/11, các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op tung ra thị trường gần 5.000 sản phẩm được trợ giá dưới hình thức giảm giá trực tiếp, tặng kèm sản phẩm, giảm bằng giá gốc, mua càng nhiều ưu đãi càng lớn… qua đó giúp khách hàng tiết kiệm từ 10 – 50% ngân sách chi tiêu.