07:00 06/12/2021

Doanh nghiệp vào cuộc đua sản xuất hàng Tết

Tuệ Mỹ

Hoạt động bình thường trở lại sau giai đoạn giãn cách xã hội, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đang trong những ngày tăng tốc, tất bật sản xuất hàng Tết...

Nhiều doanh nghiệp cho biết nguồn hàng thiết yếu phục vụ thị trường Tết năm nay sẽ không thiếu nhờ kế hoạch sản xuất được đẩy mạnh. Hiện các doanh nghiệp đang tăng cường nhập nguyên liệu, vay thêm vốn, tuyển thêm lao động… để kịp sản xuất hàng hóa phục vụ cho mùa Tết với tâm thế “sống chung với dịch”.

NHỘN NHỊP TĂNG CA CHO KỊP “MÙA HÀNG TẾT”

Gần một tháng qua, Công ty cổ phần Bibica liên tục sáng đèn để làm hàng Tết. Năm nay, đơn vị lên kế hoạch đưa ra thị trường Tết 2022 khoảng 2.500 tấn bánh kẹo. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bibica Nguyễn Quốc Hoàng cho biết: "Bánh kẹo là mặt hàng không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến. Do đó, dù mới phục hồi sau dịch, chúng tôi đã khẩn trương bắt tay làm hàng Tết. Công ty cơ cấu sản phẩm với khoảng 70 chủng loại từ bình dân đến cao cấp để cạnh tranh với hàng nhập khẩu”. 

Nhộn nhịp với những đơn hàng xuất khẩu, Công ty TNHH Tân Nhiên chi nhánh TP.HCM cũng đang chạy hết công suất làm hàng Tết. "Bánh tráng là món ăn gần như nhà nào cũng có trong mỗi dịp Tết. Các loại bánh tráng cuốn, bánh tráng chả giò… gần như luôn cháy hàng vào dịp này. Hiện, trung bình Công ty Tân Nhiên đưa ra thị trường từ 12 - 14 tấn bánh tráng/ngày. Công ty quyết định năm nay sẽ không tăng giá để hỗ trợ cho khách hàng dễ dàng mua sắm," Giám đốc Công ty Tân Nhiên chi nhánh TP Hồ Chí Minh Phạm Thái Hoàng cho biết.

Còn ở Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) doanh nghiệp đã có kế hoạch bài bản để đón sức mua cuối năm. Từ việc thiết kế bao bì, mẫu mã mang sắc xuân cho sản phẩm truyền thống, đến việc nghiên cứu đưa ra các sản phẩm mới. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Bidrico cho biết, Bidrico vẫn giữ nguyên sản lượng hàng Tết như mọi năm: “Doanh nghiệp không gặp khó khăn khi điều chỉnh sản lượng sản xuất, vẫn có thể chủ động điều tiết lượng hàng ra thị trường trong cao điểm cuối năm”.

Một số doanh nghiệp đang có nhiều đơn đặt hàng phải hoàn thành trước tết nhưng thiếu lao động lành nghề. 
Một số doanh nghiệp đang có nhiều đơn đặt hàng phải hoàn thành trước tết nhưng thiếu lao động lành nghề. 

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khá nhanh nhạy khi làm mới hình ảnh thương hiệu giữa bối cảnh thị trường nhiều khó khăn. Ông Bùi Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kido cho biết Kido đã tung ra một loạt sản phẩm mới nhằm kích thích sức mua của thị trường. Trong khi đó, đại diện Công ty CP Ba Huân chia sẻ, doanh nghiệp đã khai thác, đưa vào vận hành nhà máy trang trại chăn nuôi công nghệ cao, đẩy công suất, cung ứng đầy đủ hàng hóa cho thị trường, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm. 

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, để kích cầu thị trường, kích cầu sản xuất, Sở Công Thương đang kết nối với các địa phương, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại. Trước mắt, Sở đang phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh để rà soát lại nguồn hàng, xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ thị trường cuối năm. Lãnh đạo sở Công Thương TP.HCM khẳng định, việc cung ứng hàng hóa Tết Nhâm Dần 2022 cho người dân sẽ được bảo đảm đầy đủ như mọi năm cho dù bất cứ tình huống nào xảy ra.

MỘT SỐ KHÓ KHĂN CẦN THÁO GỠ

Bên cạnh không khí nhộn nhịp tăng ca sản xuất hàng Tết tại nhiều doanh nghiệp thì vẫn còn đó tâm lý e dè, sản xuất cầm chừng để nghe ngóng tình hình. "Việc lên kế hoạch sản xuất cho mùa Tết năm nay cực kỳ khó khăn vì lệ thuộc vào Covid-19. Hiện người từ TP.HCM về quê thời gian qua vẫn chưa trở lại hết, tâm lý thắt lưng buộc bụng phổ biến trong người tiêu dùng. Vì thế, chúng tôi vừa làm vừa theo dõi tình hình dịch bệnh và tùy cơ ứng biến," ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt cho biết.

 
Một số doanh nghiệp cho biết, sau đợt bùng phát dịch thứ tư, nhiều khoản chi phí tăng gấp hai, ba lần so với trước đây. Vật tư, nguyên liệu, bao bì, hương liệu… cũng tăng 5% - 20%, thậm chí tăng 50%. Do đó, giá hàng hóa buộc phải điều chỉnh tăng 5% - 15% so với trước đây.

Tương tự, Công ty Ba Huân cũng vẫn chưa dám bung hết công suất để sản xuất hàng Tết và vẫn đang thăm dò thị trường. Hiện sức mua quá yếu, giảm đến 30% so với trước dịch bệnh nên mặc dù công ty triển khai các chương trình khuyến mãi sâu nhưng sức mua vẫn chậm. "Trước đây, mỗi ngày công ty tiêu thụ khoảng 1,5 triệu trứng gia cầm, nhưng hiện nay chỉ bán được chưa đến 1 triệu quả," đại diện công ty chia sẻ.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, Thực phẩm TP.HCM cho rằng, mọi năm các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm của thành phố đã chuẩn bị nguồn hàng gối đầu một tháng trước Tết và cả sau Tết với mức dự trữ tăng 20%, nhưng năm nay điều này là rất khó. Vấn đề đứt gãy nguồn nguyên liệu sản xuất đã được giải quyết nhưng nguyên vật liệu lại đối diện với việc tăng giá do dịch toàn cầu. Các loại nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài đều tăng 20 - 30%, hàng trong nước do đứt gãy vừa rồi vì sản xuất không đều cũng tăng 10 - 15%. 

Đã vậy, việc cạn kiệt nguồn tiền nhưng không nhận được nhiều sự hỗ trợ vay vốn từ các ngân hàng nên doanh nghiệp phải tự bơi, tự vay mượn nên khó khăn chồng khó khăn. “Ngoài giá xăng dầu, gas, nhân công tăng, không ít doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chịu áp lực lớn khi giá bao bì, nguyên vật liệu đã tăng 10 - 35% so với lúc giá tốt. Do đó, nếu không có giải pháp giúp ổn định giá đầu vào, giá bán nhiều mặt hàng thực phẩm có thể còn tăng vào cuối năm,” bà Lý Kim Chi nhận định.

Việc lên kế hoạch sản xuất cho mùa Tết năm nay cực kỳ khó khăn vì lệ thuộc vào Covid-19.
Việc lên kế hoạch sản xuất cho mùa Tết năm nay cực kỳ khó khăn vì lệ thuộc vào Covid-19.

Ngoài ra, nhân lực làm hàng Tết cũng khan hiếm, đe dọa đến sự ổn định của sản xuất. Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn rơi vào tình cảnh lao đao vì thiếu các lao động có tay nghề. Để kịp tung hàng phục vụ Tết, ông Nguyễn Quốc Hoàng cho biết Bibica đang tuyển thêm từ 200 - 250 lao động thời vụ, nhưng khá khó khăn trong tình hình hiện nay cho nên các công nhân hiện có phải đảm đương nhiều khâu để kịp đơn hàng. 

Công ty Cổ phần Thực phẩm Bánh kẹo ánh Dương có cơ sở sản xuất tại tỉnh Long An và TP.HCM cũng cho biết đang có nhiều đơn đặt hàng phải hoàn thành trước tết nhưng thiếu lao động lành nghề. Ông Quốc An, Giám đốc Công ty Ánh Dương cho biết, trước mắt sẽ đào tạo và sử dụng nguồn lao động địa phương và chấp nhận năng suất làm việc không như mong muốn: "Sau dịch vì công nhân của tôi chưa tiêm vaccine hoặc tiêm vaccine muộn, do đó, tôi phải tuyển lao động mới. Việc tuyển dụng không chỉ trên địa bàn mà mở rộng cả trong khu vực để hoạt động sản xuất có thể diễn ra thuận lợi".

Mặc dù đang nỗ lực nhưng các doanh nghiệp TP.HCM cũng mong có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Cụ thể, doanh nghiệp đề nghị nhà chức trách có các giải pháp hỗ trợ để nguyên liệu đầu vào, xăng, dầu, gas... không tăng giá đột ngột. Song song đó, Chính phủ cũng nên có các giải pháp hỗ trợ về tài chính, thuế phí để doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất, ổn định giá cả hàng hóa.