17:29 14/06/2021

Doanh nghiệp và địa phương nỗ lực tái khởi động du lịch nội tỉnh

Tường Bách

Trong bối cảnh du lịch nội địa cũng đang gặp khó khăn, các hoạt động du lịch nội tỉnh sẽ giúp thúc đẩy thêm sinh khí cho các điểm đến và tạo cơ hội du lịch với giá cả hấp dẫn cho cộng đồng địa phương...

Du lịch Quảng Nam muốn thu hút khách địa phương cũng như từ miền Trung và Tây Nguyên.
Du lịch Quảng Nam muốn thu hút khách địa phương cũng như từ miền Trung và Tây Nguyên.

Tại một số địa phương không chịu ảnh hưởng của đợt tái bùng phát dịch thứ 4, hoặc đã khống chế được dịch bệnh, các doanh nghiệp lữ hành cũng như điểm du lịch bắt đầu có những hành động nhằm thu hút du khách ngay chính tại địa phương của mình.

CỬA ĐÃ MỞ, NHƯNG KHÁCH CHƯA HÀO HỨNG VÀO

Trên cơ sở kiểm soát tốt dịch bệnh, kể từ 12h ngày 8/6, tỉnh Quảng Ninh cho phép các khu, điểm du lịch, di tích, danh thắng, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, cơ sở dịch vụ mở cửa trở lại, tổ chức đón du khách nội tỉnh.

Tuy nhiên, sau vài ngày mở cửa trở lại, nhà ga đón khách Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long vẫn hiu hắt, vắng tanh, chỉ lác đác vài nhân viên an ninh làm việc. Khu bán vé tham quan vịnh Hạ Long không bóng người. Không có khách, tàu tham quan vịnh xếp hàng dài dưới cảng. Nhân viên bảo vệ tại đây cho biết 2 ngày cuối tuần không có du khách xuống đi tàu tham quan vịnh, thi thoảng chỉ có vài người đến chụp ảnh rồi về.

Tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, không khí cũng ảm đạm không kém trong khi nhà điều hành, nhà chờ cho đến cầu cảng đón, trả khách không một bóng người, không một phương tiện. Trong khu vực âu cảng, hơn 300 tàu du lịch với đủ loại từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng đang nằm "đắp chiếu" bất động.

Nhiều điểm du lịch tại Quảng Ninh đã mở cửa trở lại nhưng chưa có du khách ghé thăm.
Nhiều điểm du lịch tại Quảng Ninh đã mở cửa trở lại nhưng chưa có du khách ghé thăm.

Cũng như vậy tại Đà Nẵng. Mặc dù hính quyền Đà Nẵng đã cho phép các cơ sở kinh doanh ăn, uống hoạt động trở lại nhưng nhiều cơ sở vẫn đóng cửa vì lo ngại không có khách. Ghi nhận trong hai ngày cuối tuần 12 - 13/6, trên các tuyến phố du lịch ở quận Sơn Trà, hàng loạt nhà hàng, khách sạn đóng cửa. Một số khách sạn mở cửa thì chủ yếu quản lý tài sản, dọn dẹp không gian để tránh hư hỏng nội thất.

Nhiều nhà hàng hải sản tươi sống ở đường Nguyễn Tất Thành, Trường Sa, Hoàng Sa cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, chủ các cơ sở kinh doanh không dám nhập thực phẩm về bán vì lo ngại không có người ăn. Ở trong khu vực nội thành, một số quán bắt đầu mở bán trở lại, tuy nhiên, lượng khách đến ăn, uống chỉ bằng 1/10 so với thời điểm dịch chưa tái bùng phát.

Tại một số địa phương may mắn dịch chưa tái bùng phát căng thẳng, tình hình cũng chẳng khá hơn. Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, khẳng định thời gian qua các điểm du lịch của tỉnh vẫn mở cửa đón khách đồng thời chấp hành nghiêm bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch Covid-19. Nhưng lượng khách đến tham quan, du lịch rất ít, tại điểm du lịch Đất Mũi có ngày đón không quá 10 khách.

Tại Thanh Hóa, hoạt động du lịch cũng gần như “đóng băng” trong tháng 5. Mặc dù đang trong mùa cao điểm du lịch hè nhưng tất cả các cung đường dẫn đến bãi biển Sầm Sơn vắng bóng du khách; hàng loạt khách sạn, nhà hàng trên địa bàn thành phố biển đồng loạt đóng cửa, khiến ngành du lịch chịu tổn thất nặng nề.

DOANH NGHIỆP LỮ HÀNH TIẾP TỤC NỖ LỰC

Dù tình trạng không mấy lạc quan, ngành du lịch các địa phương cùng các doanh nghiệp lữ hành vẫn đang tìm mọi cách có thể để cầm cự. Nhiều địa phương vẫn tiếp tục lên phương án kích cầu du lịch nội tỉnh, mở rộng lượng khách từ các địa bàn an toàn trong điều kiện thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Tp.Đà Nẵng, ngành du lịch thành phố hiện chủ yếu hướng đến thị trường khách tại Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Các doanh nghiệp du lịch đã xây dựng nhiều gói sản phẩm nhỏ để phục vụ cho khách tại chỗ.

Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng vẫn đang tổ chức cuộc thi thiết kế mô hình check-in du lịch Đà Nẵng để tìm ra những sản phẩm tốt nhất để trưng bày dọc biển và các tuyến điểm du lịch sau này để đón khách du lịch quay trở lại.

 
Du lịch là ngành đầu tiên rơi vào trạng thái “đóng băng” do dịch Covid-19, nhưng cũng là một trong những ngành nỗ lực mãnh liệt nhất để phục hồi.

Bên cạnh một số chương trình dành cho khách địa phương hiện nay tại các khu nghỉ dưỡng tại Quảng Nam, người dân nội tỉnh Quảng Nam cũng có thể đi cù lao Chàm theo quyết định mở lại tuyến Hội An – cù lao Chàm vào ngày 8/6 vừa qua của UBND thành phố Hội An. Đối với khách ra đảo để đi tour lặn biển (không lên bờ) thống nhất bán vé cho người trong và ngoài tỉnh (trừ địa phương là vùng dịch theo thông báo của Bộ Y tế) và tất cả đều phải tuân thủ 5K.

“Thu hút khách tại chính Quảng Nam cũng như từ các địa phương miền Trung và Tây Nguyên là giải pháp hữu hiệu hiện nay”, ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam chia sẻ. Hiện các công ty có thể thu hút khách du lịch là những nhóm nhỏ, gia đình đi xe ô tô cá nhân.

Các điểm di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế cũng bắt đầu mở cửa trở lại để đón khách ngay tại tỉnh Thừa Thiên Huế với phương châm “Người Huế đi du lịch Huế”. Bà Lê Thị Kim Hằng, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ YesHue Eco, cho biết Khu du lịch sinh thái YesHue Eco tại huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đón khách vào ngày 12/6 nhưng giới hạn công suất phục vụ 50% để đảm bảo an toàn và ưu tiên khách đặt trước.

Các điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế đã mở cửa đón khách trở lại từ ngày 11/6/2021.
Các điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế đã mở cửa đón khách trở lại từ ngày 11/6/2021.

Tranh thủ thời điểm vàng mùa du lịch hè, các doanh nghiệp lữ hành tại Quảng Ninh cũng đã chủ động xây dựng, tung ra ngay các sản phẩm tour, tuyến mới lạ với dịch vụ trọn gói phù hợp thị hiếu khách nội tỉnh như: tour nghỉ đêm trên vịnh trọn gói có ưu đãi giảm giá cho du khách đã tiêm vaccine, tour du lịch golf kết hợp nghỉ dưỡng, trải nghiệm điểm đến mới như Thác Lang Cang (Ba Chẽ)…

Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành xây dựng chương trình du lịch đặc sắc, an toàn để chào bán cho khách du lịch nội tỉnh. Hoàn thiện phương án mở rộng khách du lịch từ các địa bàn an toàn trong cả nước để sớm khôi phục hoạt động du lịch hè 2021 và thời điểm tiếp theo.

 
Có thể nói, khác với những lần trước, đợt dịch mới này không khiến doanh nghiệp bất ổn tâm lý mà họ nhận thức được rõ hơn những giải pháp tối ưu quy trình kinh doanh, điều hành, kế toán và quản lý trở nên vô cùng cần thiết.
Vì vậy, nhiều công ty đã xây dựng tour ảo hay tour tương tác nhằm mô phỏng địa điểm du lịch thông qua các hình ảnh, video, yếu tố đa phương tiện khác, giúp kích thích du khách đăng ký tour nhiều hơn. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp lữ hành cũng nhanh chóng chuyển hướng để thích nghi trong điều kiện mới; lên kế hoạch chuẩn bị sản phẩm, chương trình tour tuyến, chờ đến khi tình hình dịch được kiểm soát.