07:42 02/08/2022

Doanh nghiệp và người dân khó tiếp cận tín dụng nhà ở xã hội

Vũ Phong

Mặc dù ngành ngân hàng tích cực tham gia chương trình cho vay nhà ở xã hội nhưng việc tiếp cận vốn vẫn gặp nhiều rào cản...

HoREA kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sớm sửa đổi Thông tư 20/2021/TT-NHNN tháo gỡ nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội
HoREA kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sớm sửa đổi Thông tư 20/2021/TT-NHNN tháo gỡ nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội

Sáng 1/8, Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ Xây dựng cùng một số cơ quan liên quan tổ chức hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.

NGÂN HÀNG TRIỂN KHAI CHO VAY NHÀ Ở XÃ HỘI NHƯ THẾ NÀO?

Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ năm 2012 đến nay, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước các thời kỳ đã quan tâm chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực tham gia các chương trình góp phần xây dựng nhà ở với người có thu nhập thấp.

Trong đó, năm 2012, ngành ngân hàng triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội gói 30.000 tỷ đồng. Kết thúc vào năm 2016, doanh số cho vay đạt trên 29.000 tỷ đồng. Hiện nay, gói này cũng chỉ còn dư nợ khoảng 7.200 tỷ đồng.

Tiếp đó, ngành ngân hàng còn triển khai cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, giao Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, đối với chủ đầu tư thì vay từ các tổ chức tín dụng.

Thống đốc cho biết thêm, theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ đặc biệt lưu tâm đến cho vay nhà ở xã hội từ các chương trình của Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay.

"Để hỗ trợ cho nhà ở công nhân, người có thu nhập thấp thì vấn đề vốn và lãi suất rất quan trọng. Về vốn, các tổ chức tín dụng có thể huy động từ người dân để cho vay. Về lãi suất, hiện nay, Nghị định 31 có hỗ trợ lãi suất 2% để triển khai trong năm 2022 – 2023, nếu các dự án có thể triển khai được thì có thể tận dụng gói hỗ trợ này", Thống đốc nhấn mạnh.

Theo ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội,  việc thiết lập mô hình và phương thức thông qua chính sách xã hội để chăm lo cho người nghèo và đối tượng yếu thế là mô hình đặc biệt riêng có của Chính phủ Việt Nam.

Về nhà ở, hiện nay có 185.741 người nghèo được vay để giải quyết nhu cầu về nhà ở, 29.953 hộ đang thụ hưởng chính sách nhà vượt lũ, 13.836 hộ vay chính sách nhà ở tránh bão khu vực miền Trung. Chương trình nhà ở xã hội đã giải ngân được 9.506 tỷ đồng cho 25.224 hộ.

Đối với gói kích cầu, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giải ngân 9.514 tỷ đồng cho 255.192 hộ vay vốn và đạt trên 50% kế hoạch. Trong đó, có 1.669 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội với 5.861 hộ đang vay.

CHỦ ĐẦU TƯ KÊU KHÓ VAY

Mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ, song nhiều chủ đầu tư nhà ở xã hội lại kêu khó triển khai dự án do không thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Theo đó, tại Khoản 2 Điều 33 Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội quy định trong giai đoạn 2015-2020, Ngân hàng Chính sách xã hội chưa thực hiện cho vay đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, kể cả dự án nhà ở xã hội để cho thuê.

Trong khi, 4 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định cho vay ưu đãi nhà ở xã hội là Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV, do chưa được tái cấp vốn, hoặc cấp bù lãi suất từ ngân sách nhà nước, nên cũng không có nguồn vốn tín dụng để cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay ưu đãi.

 

Thành phố Hồ Chí Minh có 122.111 công chức, viên chức nhưng mới chỉ có hơn 5.000 cán bộ được hỗ trợ vay ưu đãi với lãi suất 4,7%/năm trong 20 năm để mua nhà. Ngoài ra, chính sách vay ưu đãi nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%/năm cũng chưa thực hiện.

Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA)

Mặt khác, về phía các đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội cũng gần như chưa được vay vốn tín dụng ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội trong giai đoạn 2015-2020.

Thậm chí, cánh cửa vay ưu đãi càng hẹp hơn khi Ngân hàng Nhà nước vừa quy định các tổ chức tín dụng được chỉ định chỉ được cho vay vốn tín dụng ưu đãi để “xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở”, nhưng không được cho vay vốn tín dụng ưu đãi để “mua, thuê mua nhà ở xã hội”.

Như vậy, cá nhân, hộ gia đình chỉ còn duy nhất phương án vay Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Song, với phương án này, họ phải buộc phải gửi tiết kiệm nhà ở xã hội trong 12 tháng mới đủ điều kiện vay ưu đãi.

Từ thực tế trên, ngày 1/8, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi Thông tư 20/2021/TT-NHNN để sớm cho phép Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank cho cá nhân, hộ gia đình vay mua, thuê mua nhà ở xã hội.