06:00 23/01/2024

Doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn trước thềm IPO

Băng Hảo

Shein, được định giá ở mức 66 tỷ USD vào năm ngoái với doanh thu được báo cáo là hơn 23 tỷ USD, đang chuẩn bị cho một đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng lớn ở New York trong năm nay…

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Theo Wall Street Journal, Shein đã bị cáo buộc bóc lột lao động không công, che đậy quy trình sản xuất và khuyến khích tiêu thụ quá mức khi phải đối mặt với sự phẫn nộ của các nhà hoạt động nhân quyền và môi trường. Tháng trước, nhà bán lẻ trực tuyến Temu thuộc sở hữu của Trung Quốc đã kiện Shein lên tòa án Mỹ, cáo buộc công ty này thực hiện các chiến thuật đe dọa “kiểu mafia” để giữ thế thượng phong trên thị trường địa phương.

Mới đây, hãng thời trang khổng lồ Nhật Bản Uniqlo cho biết, rằng họ đang kiện Shein về việc sao chép một loại túi đeo chéo cực kỳ phổ biến được đặt tên trực tuyến là “Mary Poppins carryall”. Tập đoàn Fast Retailing, sở hữu hai thương hiệu Uniqlo và Theory, cho biết trong một tuyên bố rằng sản phẩm của họ đang bị Shein giả mạo và lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok trong năm 2023.

Vụ kiện chống lại Shein đã được đệ trình lên toà án ở Tokyo vào ngày 28/12 năm ngoái, trong đó đề cập tới ba công ty quản lý các thương hiệu gồm Roadget Business Pte, Fashion Choice Pte và Shein Japan. Fast Retailing yêu cầu các công ty này “ngừng ngay lập tức việc bán các sản phẩm nhái và bồi thường những thiệt hại mà doanh nghiệp phải chịu do việc bán hàng giả này mang tới”.

Túi đeo vai mini bằng nylon tròn, được bán lẻ với giá 19,90 USD tại Hoa Kỳ, được cho là đã trở thành chiếc túi bán chạy nhất từ ​​trước đến nay của Uniqlo.
Túi đeo vai mini bằng nylon tròn, được bán lẻ với giá 19,90 USD tại Hoa Kỳ, được cho là đã trở thành chiếc túi bán chạy nhất từ ​​trước đến nay của Uniqlo.

Tuyên bố nói thêm việc bán những chiếc túi đạo nhái đã làm suy giảm đáng kể niềm tin của khách hàng vào chất lượng thương hiệu Uniqlo cũng như các sản phẩm khác của hãng. Fast Retailing có “lập trường kiên quyết” chống lại mọi hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình. Trong một tuyên bố với CNN, người phát ngôn Shein cho biết công ty hiện đang điều tra vấn đề này. “Shein tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp khác và nghiêm túc xem xét mọi khiếu nại về vi phạm”, người đại diện công ty nói.

Túi đeo vai mini bằng nylon tròn, được bán lẻ với giá 19,90 USD tại Hoa Kỳ, được cho là đã trở thành chiếc túi bán chạy nhất từ ​​trước đến nay của Uniqlo, liên tục cháy hàng. Mẫu túi này hiện cũng giữ kỷ lục túi bán chạy nhất của hãng Nhật Bản. Túi được làm bằng nylon, kích thước 28 cm x 17 cm, có ít nhất 10 phiên bản khác nhau, với màu sắc, hình in và chất liệu vải khác nhau, bao gồm cả vải nhung, và có thể đeo trên vai hoặc đeo chéo. Bảng xếp hạng hàng năm của nền tảng tìm kiếm toàn cầu Lyst về các thương hiệu thời trang hot nhất đã vinh danh sản phẩm Uniqlo là chiếc túi của năm, vượt lên trên các mặt hàng của các thương hiệu thiết kế như Bottega Veneta và Alaïa.

Đơn kiện của Uniqlo nằm trong hàng loạt vụ phản ánh tương tự đối với Shein gần đây, cuối năm 2023, H&M cũng đệ đơn kiện bản quyền chống lại Shein tại Hồng Kông. Cuộc chiến pháp lý liên quan đến những điểm tương đồng bị cáo buộc giữa các thiết kế của Shein và các sáng tạo đã đăng ký bản quyền và thương hiệu của H&M. Thương hiệu phụ kiện và quần áo Chrome Hearts cũng nộp đơn khiếu nại tương tự vào tháng 9/2023.

Biểu đồ thị phần thị trường thời trang nhanh toàn cầu từ năm 2022 đến năm 2027 cho thấy Shein chiếm gần 1/5.
Biểu đồ thị phần thị trường thời trang nhanh toàn cầu từ năm 2022 đến năm 2027 cho thấy Shein chiếm gần 1/5.

Trong khi đó, CNBC dẫn một nguồn thạo tin cho biết Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đang xem xét sự hiện diện chuỗi cung ứng của Shein tại Trung Quốc, nơi tập trung phần lớn các nhà sản xuất và nhà cung cấp của hãng thời trang nhanh. Cuộc đánh giá của cơ quan chức năng Trung Quốc tập trung vào cách Shein xử lý thông tin về nhân viên, đối tác và nhà cung cấp của mình ở khu vực. Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc cũng đang kiểm tra xem liệu Shein có thể đảm bảo rằng dữ liệu không bị rò rỉ ra nước ngoài không.

Thực chất, Shein vẫn bị coi là một công ty Trung Quốc - ít nhất là trong mắt Bắc Kinh - trong bối cảnh mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng căng thẳng. Trong bối cảnh các nhà lập pháp từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà của Mỹ lo ngại về mối quan hệ của Shein với Bắc Kinh, Shein đã nỗ lực thể hiện mình là một công ty toàn cầu và chỉ được thành lập ở Trung Quốc mà thôi. Ông Drew Bernstein, đồng chủ tịch công ty kiểm toán Marcum Asia và là chuyên gia thị trường vốn Mỹ và châu Á, cho biết: Nếu Shein không phải doanh nghiệp Trung Quốc, thì nhà bán lẻ thời trang này không nhất thiết phải có sự cho phép của Bắc Kinh để tiến hành IPO.

Các cơ quan chức năng của Mỹ ngày càng lo ngại về việc doanh nghiệp Trung Quốc kinh doanh tại Mỹ và họ muốn đảm bảo dữ liệu nhạy cảm về khách hàng Mỹ không rơi vào tay chính phủ Trung Quốc, theo đài CNBC. Ngược lại, Bắc Kinh cũng có mối lo ngại tương tự. Do đó, Shein sẽ không chỉ phải giành được sự ủng hộ của các cơ quan quản lý Mỹ mà còn đảm bảo phải có sự ủng hộ của Trung Quốc.

Năm 2021, Bắc Kinh đã tiến hành một cuộc đánh giá bảo mật an ninh tương tự đối với "gã khổng lồ" dịch vụ gọi xe Didi Global chỉ vài ngày sau khi nền tảng này chào sàn chứng khoán New York và huy động được khoảng 4,4 tỷ USD. Trong vòng một năm, Didi Global đã bị hủy niêm yết và giá trị cổ đông bị xóa sạch. Sau đổ vỡ của Didi, tất cả các công ty Trung Quốc muốn IPO ở nước ngoài hiện phải chịu sự đánh giá bảo mật và chấp thuận của chính phủ Trung Quốc. Nếu các kết quả đánh giá chỉ ra thông tin không phù hợp với các cơ quan quản lý Trung Quốc, các công ty muốn IPO có thể bị hủy bỏ giao dịch.

Tại Mỹ, quần áo giá rẻ của Shein được ưa chuộng trong thời buổi lạm phát, tới nỗi tờ New York Times gọi thương hiệu này là "Cộng hòa Nhân dân Shein".
Tại Mỹ, quần áo giá rẻ của Shein được ưa chuộng trong thời buổi lạm phát, tới nỗi tờ New York Times gọi thương hiệu này là "Cộng hòa Nhân dân Shein".

Rút kinh nghiệm, Shein đang tìm kiếm sự chấp thuận của Trung Quốc trước khi bắt đầu tiến hành IPO tại Mỹ, điều này có thể ngăn chặn sự sụp đổ cổ phiếu tương tự và giúp nâng cao niềm tin của nhà đầu tư, theo ông Bernstein, đồng chủ tịch công ty kiểm toán Marcum Asia. Ông Bernstein cũng lưu ý rằng Shein trước đó đã chuyển trụ sở chính đến Singapore và không bán sản phẩm của mình ở thị trường Trung Quốc. Điều này có thể làm giảm bớt lo ngại từ Bắc Kinh rằng thông tin về khách hàng Trung Quốc có thể rò rỉ sang Mỹ.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc được biết đến với tốc độ tung ra các kiểu dáng mới đáng kinh ngạc, lên tới con số ấn tượng 6.000 sản phẩm mỗi ngày. Bất chấp những thách thức pháp lý, Shein vẫn tiếp tục theo đuổi các kế hoạch mở rộng đầy tham vọng. Mặc dù con số chính xác vẫn chưa được biết, nhưng có tin đồn rằng Shein đặt mục tiêu đạt doanh thu đáng kinh ngạc 60 tỷ USD vào năm 2025.