Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam được đánh giá cao về sự gắn kết nhân viên
Nghiên cứu về trải nghiệm của nhân viên lần đầu tiên được thực hiện đã cho thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam đang dẫn đầu trong sự gắn kết nhân viên mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch...
Nghiên cứu khu vực năm nay được thực hiện trên khắp Việt Nam, Singapore, Malaysia và Indonesia bởi tạp chí SME Châu Á phối hợp với Willis Tower Watsons (WTW), công ty hàng đầu thế giới về tư vấn nhân sự. Mục đích là nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ một cái nhìn sâu sắc về quan điểm của nhân viên và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đẩy mạnh trải nghiệm cho đội ngũ của mình.
Theo đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam đạt 92% điểm về trải nghiệm của nhân viên, cao nhất trong số 4 quốc gia được khảo sát và cao hơn 8% so với mức trung bình của khu vực.
Yeo Ooi Keong, nhà lãnh đạo thực hành kiêm nhà tâm lý học tổ chức của Willis Towers Watson cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với SME100 để thực hiện nghiên cứu đầu tiên trong khu vực về các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dữ liệu của chúng tôi cho thấy, khả năng xây dựng lòng tin trong công ty phần lớn được thúc đẩy bởi mức độ gắn kết của các nhân viên với lãnh đạo của họ. Khả năng của lãnh đạo trong việc truyền đạt một định hướng rõ ràng, dẫn dắt cuộc trò chuyện và đồng cảm là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến niềm tin của nhân viên vào công ty. Điều này sẽ tác động đến động lực của nhân viên để làm tốt hơn cho khách hàng nói riêng và công ty nói chung".
Nghiên cứu còn chỉ ra rằng, nhân viên tự hào về công ty của họ khi tin tưởng vào tầm nhìn của các nhà lãnh đạo và hiểu được công việc của họ đã có đóng góp như thế nào cho các mục tiêu lớn hơn của doanh nghiệp. Họ được truyền cảm hứng từ tinh thần làm việc mạnh mẽ và được trao cơ hội để phát triển khi làm việc trong công ty. Do đó, 80% số nhân viên được khảo sát sẵn sàng giới thiệu công ty của họ là một nơi làm việc lý tưởng.
Tuy nhiên, 2 trong số 3 nhân viên được khảo sát cho biết, mức độ căng thẳng trong công việc khá cao. Họ lo lắng về tình hình tài chính, không được sắp xếp công việc lý tưởng và không có các công cụ kỹ thuật số phù hợp để hỗ trợ hàng ngày.
Mặt khác, nghiên cứu phát hiện ra rằng, tiền lương không có tác động đáng kể đến mức độ sẵn sàng ở lại công ty của nhân viên. Thay vào đó là các khía cạnh vô hình như niềm tin vào lãnh đạo cấp cao, mối quan hệ tốt với quản lý và cơ hội phát triển kỹ năng và nghề nghiệp là những dấu hiệu chắc chắn hơn nhiều về khả năng giữ chân nhân viên.
Trước đó, vào cuối năm 2020, đã có 38 doanh nghiệp tại Việt Nam được công nhận là các Doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng nhanh xuất sắc bởi tạp chí SME Châu Á. Theo đó, Việt Nam có 612 công ty được đề cử, 225 công ty lọt vào vòng rút gọn, và cuối cùng 38 công ty được chọn vào danh sách thắng giải. Tất cả các doanh nghiệp thắng giải đều phải trải qua một quá trình đánh giá bao gồm đánh giá kết quả kinh doanh bắt buộc và phỏng vấn với Đại diện Hội đồng đánh giá.
SME là tạp chí kinh doanh hàng đầu châu Á với lượng độc giả hơn 100.000 chủ doanh nghiệp và doanh nhân trên khắp Châu Á mỗi tháng. SME100 giải thưởng được tuyển chọn, đánh giá và công nhận các SME dựa trên các bộ tiêu chí về định lượng và định tính, tập trung tốc độ tăng trưởng và năng lực vận hành của doanh nghiệp. Bên cạnh đó còn phỏng vấn trực tiếp các lãnh đạo để có sự đánh giá và ghi nhận công tâm nhất.