Doanh nghiệp xuất khẩu dừa sắp cán đích tỷ USD
Việt Nam hiện có trên 175.000 ha dừa, trồng tập trung chủ yếu ở các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh duyên hải miền Trung. Trong đó, ĐBSCL chiếm gần 80% tổng diện tích cả nước. Các sản phẩm dừa của Việt Nam đã xuất sang 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, được đánh giá rất cao về chất lượng…
Là nước xuất khẩu các sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, năm 2022, Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 900 triệu USD. Nếu thống kê được các nhóm sản phẩm khác sử dụng nguyên liệu từ dừa thì ngành này có thể đã vào nhóm xuất khẩu “tỷ đô”.
Việt Nam hiện có trên 175.000 ha dừa, trồng tập trung chủ yếu ở các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh duyên hải miền Trung. Trong đó, ĐBSCL chiếm gần 80% tổng diện tích cả nước. Các sản phẩm dừa của Việt Nam đã xuất sang 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, được đánh giá rất cao về chất lượng…
Theo thương vụ Việt Nam tại các nước, dừa và các sản phẩm từ dừa có triển vọng rất lớn về xuất khẩu, với giá cả cao, do nhu cầu về thực phẩm xanh đang trở thành xu hướng tiêu dùng của thế giới. Theo đó, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành dừa các nước cũng rất lớn nhất là về giá cả, cùng với đó, doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ theo nhiều tiêu chuẩn khắt khe của các nước và các nhà nhập khẩu…
Tại hội nghị "Xúc tiến thương mại ngành dừa và các ngành liên quan đến dừa" vừa tổ chức tại TPHCM ngày 25/2, Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, cả nước hiện có 90 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ dừa, trong đó có 42 doanh nghiệp đã xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu "Made in Vietnam".
Ngành dừa không đơn thuần là những doanh nghiệp chuyên sản xuất về dừa mà còn có nhiều doanh nghiệp khai thác nguyên liệu từ dừa như sản xuất thực phẩm, sản xuất tinh dầu trong lĩnh vực y tế.
Đặc biệt, thân cây dừa đang có tiềm năng khai thác lớn để cho ra sản phẩm gỗ dừa. Đại diện Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết lợi thế của gỗ dừa là không nằm trong bất kỳ nhóm gỗ hạn chế nào trên thị trường nhưng giá trị lại rất lớn. Gỗ dừa được xếp vào nhóm một - nhóm gỗ có giá trị cao nhất của quốc gia.
Để khai thác giá trị gia tăng của mặt hàng gỗ dừa, Hiệp hội Dừa Việt Nam đang trình các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các tiêu tiêu chuẩn, các văn bản quy định về khai thác và kinh doanh nhóm ngành này, cũng như ban hành những tiêu chuẩn quy định để tạo thuận lợi cho xuất khẩu gỗ dừa trong thời gian tới.
Hiệp hội Dừa cũng sẽ gửi hồ sơ lên Tổng cục Hải quan xây dựng đơn giá tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp làm căn cứ xuất khẩu. Đồng thời triển khai truyền thông đến doanh nghiệp và người tiêu dùng nhận biết các sản phẩm từ gỗ dừa như một loại nguyên liệu gỗ thân thiên với môi trường.
Định kỳ hằng tháng, Hiệp hội Dừa Việt Nam sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại theo chuyên đề từng thị trường tiềm năng.
Đối với dừa trái nguyên liệu, trong bối cảnh sức mua thị trường thế giới giảm, từ cuối năm 2022, giá nguyên liệu dừa trong nước cũng giảm theo. Việc này ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng dừa.
Tuy nhiên, hiện dừa trái ở các vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ vẫn giữ được giá tốt, thậm chí trong quý I/2023 có xu hướng tăng. Do vậy, một trong những chương trình trọng tâm của Hiệp hội Dừa Việt Nam năm nay là triển khai xây dựng vùng nguyên liệu bền vững để người nông dân trồng dừa được hưởng giá nguyên liệu minh bạch, nâng cao giá trị của dừa trái và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp ngành dừa Việt trên thị trường thế giới.
Theo thống kê, hiện các doanh nghiệp đã phát triển được gần 90 sản phẩm và khoảng 200 loại thực phẩm có sử dụng nguyên liệu từ cây dừa. Trong đó, sản phẩm tinh dầu dừa phục vụ lĩnh vực y tế đang có giá trị cao nhất nhưng số doanh nghiệp chế biến được sản phẩm này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nhiều chuyên gia nhận định, với định hướng phát triển chuỗi giá trị bền vững từ vùng trồng, đầu tư công nghệ chế biến sâu thì giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ dừa của nước ta hoàn toàn có thể vượt con số 1 tỷ USD trong vòng 2 năm tới.