17:15 10/12/2022

Doanh nghiệp xuất khẩu: Tái cấu trúc, tìm thị trường mới

Mộc Minh

Để phù hợp với hoạt động xuất khẩu trong tình hình mới, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu cần tái cấu trúc và tìm thị trường mới...

Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã từng bước khẳng định chất lượng và uy tín thương hiệu, nhất các sản phẩm nông-lâm-thủy sản.
Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã từng bước khẳng định chất lượng và uy tín thương hiệu, nhất các sản phẩm nông-lâm-thủy sản.

Kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi trong tháng cuối năm 2022. Điều này có được hỗ trợ bởi các nền tảng kinh tế mạnh mẽ, chính sách tiền tệ linh hoạt và sự phục hồi nhanh hơn dự kiến trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng nội địa.

DÙ KHÓ KHĂN NHƯNG VẪN LẠC QUAN  

Tại Diễn đàn xuất khẩu 2022 do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức ngày 8/12/2022, các chuyên gia kỳ vọng với môi trường đầu tư hấp dẫn, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục là điểm sáng.

Riêng TP.HCM ghi nhận là điểm sáng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là xuất khẩu. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp thành phố xuất qua cảng TP.HCM bao gồm cả dầu thô, trong 10 tháng năm 2022 đạt gần 36 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu của TP.HCM, nhóm máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, chiếm tỷ trọng lớn nhất (đạt gần 13,9 tỷ USD, tăng 1,9%). Trong khi đó các nhóm mặt hàng truyền thống có sự tăng trưởng mạnh mẽ như: nhóm dệt, may (đạt gần 3,8 tỷ USD, tăng 42,7%); nông sản (đạt 3,6 tỷ USD, tăng 6%), nhóm hàng thủy hải sản đạt 1,1 tỷ USD, tăng 69,7%...

Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp TP.HCM với kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng năm 2022 đạt hơn 8,2 tỷ USD, tăng 7,3% so cùng kỳ và chiếm gần 23% tỷ trọng xuất khẩu. 

Đứng thứ hai là thị trường Mỹ (đạt 6,3 tỷ USD, tăng gần 20%). Riêng với thị trường Liên minh Châu Âu (EU), giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp TP.HCM hơn 4,9 tỷ USD, tăng 19,7%. Tiếp theo là thị trường Nhật Bản (đạt hơn 2,4 tỷ USD, tăng 24%).

Theo các chuyên gia, mặc dù với dự báo khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu sẽ kéo dài sang đầu năm 2023, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nhất định.

Tuy nhiên, theo ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc ITPC, đây cũng là cơ hội mới để doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vươn lên, tiếp tục giữ vững sự tăng tưởng xuất khẩu hàng hóa trên cơ sở tận dụng hiệu quả các lợi thế mang lại.

Ông Lữ cho rằng Việt Nam đã và đang là một trong những trung tâm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt trong các lĩnh vực nông sản, dệt may, chip điện tử và ôtô. Bằng chứng rất nhiều công ty nổi tiếng thế giới đã và đang tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam như Apple, Intel, Ford, General Electric, Pepsi, Coca-Cola, Nike, Microsoft, Citi Group, P&G…

Ông Alex Tatsis, Trưởng phòng kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM: "Hoa Kỳ cũng đang đầu tư để giúp Việt Nam tăng cường vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu về dài hạn" - Ảnh: PC.
Ông Alex Tatsis, Trưởng phòng kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM: "Hoa Kỳ cũng đang đầu tư để giúp Việt Nam tăng cường vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu về dài hạn" - Ảnh: PC.

Chia sẻ về tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam, ông Alex Tatsis, Trưởng phòng kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM, cho biết Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ và là điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng những hàng hóa thiết yếu.

Các liên kết chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ với Việt Nam diễn ra theo hai chiều. Việt Nam nhập khẩu chip máy tính, gỗ cứng, bông và thức ăn chăn nuôi từ Hoa Kỳ để làm nguyên liệu phục vụ sản xuất chất bán dẫn, đồ nội thất, may mặc và hải sản trong nước.

Nâng cao khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng là ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ. Theo đó, Hoa Kỳ cũng đang đầu tư để giúp Việt Nam tăng cường vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu về dài hạn.

Ông Alex Tatsis nhận định, trong những năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Quá trình dịch chuyển này đã tạo áp lực lên hệ thống hạ tầng logistics của Việt Nam và hoạt động hải quan.

"USAID đang phối hợp với Tổng cục Hải quan điều chỉnh các thủ tục thông quan biên giới và giảm tắc nghẽn tại cửa khẩu chính, bao gồm cảng Cát Lái - trung tâm vận chuyển container lớn nhất tại Việt Nam nhằm hỗ trợ cho thủ tục xuất nhập khẩu nhanh chóng”, ông Alex Tatsis thông tin.

TÁI CẤU TRÚC VÀ TÌM THỊ TRƯỜNG MỚI

Hiện nay, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã từng bước khẳng định chất lượng và uy tín thương hiệu, nhất các sản phẩm nông-lâm-thủy sản, dệt may, da giày, điện thoại các loại và linh kiện, hàng điện tử là những mặt hàng đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu.

Để phù hợp với hoạt động xuất khẩu trong tình hình mới, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu cần tái cấu trúc.

TS Từ Minh Thiện, chuyên gia kinh tế nhận định, tái cấu trúc doanh nghiệp xuất khẩu thích ứng với những thay đổi của các điều kiện tình hình mới đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là vấn đề quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Để tái cấu trúc, các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý những vấn đề: xây dựng chiến lược kinh doanh cho từng mặt hàng cụ thể, từng thị trường mục tiêu; lựa chọn phân khúc thị trường và kênh phân phối phù hợp với sản phẩm và qui mô của doanh nghiệp; chú trọng tìm hiểu thị hiếu, xu hướng và đặc trưng thị trường thông qua các hội thảo quốc tế, các hội chợ - triển lãm quốc tế.

Đồng thời, gia tăng sản phẩm trên các thị trường ngách, tiếp cận các thị trường mới. Đầu tư phát triển các dòng sản phẩm hữu cơ hoặc hướng đến hữu cơ, thân thiện với môi trường và sức khỏe con người; đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu một cách chuyên nghiệp.

Bên cạnh tái cấu trúc, việc thu hút các doanh nghiệp mở rộng đầu tư đang thúc đẩy xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.

Tại Diễn đàn xuất khẩu 2022, các nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận sự hấp dẫn của Việt Nam nhờ vị trí địa lý chiến lược và chính sách duy trì tăng trưởng kinh tế - Ảnh: PC.
Tại Diễn đàn xuất khẩu 2022, các nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận sự hấp dẫn của Việt Nam nhờ vị trí địa lý chiến lược và chính sách duy trì tăng trưởng kinh tế - Ảnh: PC.

Thông tin về việc 63% doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. Ông Mizushima Kozo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM (JCCH), cho rằng các nhà đầu tư Nhật đang rất kỳ vọng đối với sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại TP.HCM, cho biết thêm nhiều công ty Nhật muốn mở rộng việc kinh doanh trong tương lai gần vào năm 2023 vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, như: ô tô, thiết bị điện…

Đặc biệt, Việt Nam cũng rất hấp dẫn đối với doanh nghiệp Indonesia. Theo ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự Indonesia tại TP.HCM, mục tiêu thương mại song phương Việt Nam - Indonesia là 15 tỷ USD vào năm 2028. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nhìn nhận sự hấp dẫn của Việt Nam nhờ vị trí địa lý chiến lược và chính sách duy trì tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù với dự báo khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu sẽ kéo dài sang đầu năm 2023, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, diễn biến tình hình kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội mới để doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thay đổi và tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa.