01:40 29/05/2012

Đổi mới hoạt động và thực quyền Quốc hội

Nguyễn Lê

Thực quyền là hai chữ được nhắc đến với nhiều cấp độ và góc độ tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội, chiều 28/5

Bên cạnh một số đại biểu bày tỏ tán thành cao với việc bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm, vì việc này làm cho Quốc hội thực quyền hơn và Chính phủ nâng cao trách nhiệm trước nhân dân, cũng còn không ít ý kiến băn khoăn.
Bên cạnh một số đại biểu bày tỏ tán thành cao với việc bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm, vì việc này làm cho Quốc hội thực quyền hơn và Chính phủ nâng cao trách nhiệm trước nhân dân, cũng còn không ít ý kiến băn khoăn.
Thực quyền là hai chữ được đề cập với nhiều cấp độ và góc độ tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội, chiều 28/5.

Ở nội dung thứ nhất - đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội - bỏ phiếu tín nhiệm vẫn là vấn đề được đặc biệt quan tâm.

Lo “cầm đèn chạy trước ôtô”

Bên cạnh một số đại biểu bày tỏ tán thành cao với việc bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm, vì việc này làm cho Quốc hội thực quyền hơn và Chính phủ nâng cao trách nhiệm trước nhân dân, cũng còn không ít ý kiến băn khoăn.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Ngô Văn Minh đặt câu hỏi, nếu giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng quy chế cụ thể về bỏ phiếu thì làm thế nào thoát ra các quy định trước đây?

Như phải có ít nhất 20% đại biểu Quốc hội đề nghị thì mới xem xét, hay cơ chế phải có ít nhất 20% thành viên hội đồng dân tộc, các ủy ban kiến nghị bằng văn bản đồng ý thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trình hay không lại là chuyện khác.

Hiến pháp cũng đã có quy định về việc này, đây là nội dung hết sức lớn nên không vội quyết ở kỳ họp tới, dù sao cũng đã "chịu đựng" hàng chục năm rồi, nếu ra quy chế mà Hiến pháp không thay đổi thì liệu có phải cầm đèn chạy trước ôtô hay không? Nên coi đây là một nội dung để trình Ủy ban sửa đổi Hiến pháp xem xét thì khả thi hơn, ông Minh phát biểu.

Thực tế cũng có trường hợp Quốc hội muốn cách chức một vị nhưng cơ quan trình chỉ đề nghị miễn nhiệm, ông Minh nói thêm.

Với Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hải phòng, đại biểu Trần Ngọc Vinh thì phạm vi đối tượng bỏ phiếu tín nhiệm nên khoanh lại. Vì "đại biểu ở dưới cơ sở làm sao sát được các đồng chí trên bộ, cả Chủ tịch nước, Thủ tướng, cả nhiệm kỳ chưa bắt tay các đồng chí ấy một lần, nên bỏ phiếu là rất khó. Phải nghiên cứu thêm".

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định nhận xét, nói là đề án đổi mới nhưng không có gì là mới. Nếu thế này thì cử tri không hài lòng, vì muốn Quốc hội có quyền lực thực tế. "Quốc hội mang tính đại diện nhiều hơn hay quyền lực nhiều hơn, đó là câu chuyện còn phải suy nghĩ, đại diện rõ rồi còn quyền lực chưa rõ lắm", ông Sơn nói.

Nhận xét đề án chưa đạt yêu cầu, Phó trưởng đoàn đại biểu Quôc hội Hà Tĩnh, đại biểu Trần Tiến Dũng đề nghị thay từ "hiệu quả" bằng hiệu lực, vì "đã nói đến Quốc hội là phải nói hiệu lực, còn hiệu quả dành cho cơ quan điều hành".

Dễ làm khó lùi

Với nội dung thảo luận thứ hai là dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nằm 2013 thì băn khoăn về thực quyền của Quốc hội, theo nhiều vị đại biểu nằm ở "nếp" xây dựng luật theo kiểu "dễ làm khó lùi" của cơ quan trình, nhưng Quốc hội nói mãi vẫn chẳng chuyển biến là bao.

Điển hình, việc sửa Luật Đất đai quá chậm, lùi đến 3, 4, 5 lần rồi mà kỳ này vẫn xin lùi. Lùi Luật Đất đai lần này là lần cuối cùng thôi, không thể lùi được nữa, một số ý kiến đề nghị.

"Luật đô thị và quy hoạch bị lùi là không ổn, tôi đề nghị phải xem xét theo chương trình", đại biểu Trần Ngọc Vinh sốt ruột.

Tán thành nhận xét, dễ làm trước khó để lại, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Nguyễn Văn Phúc đặt vấn đề một số dự án luật rất cần cho tái cơ cấu nền kinh tế, liên quan đến quy hoạch, đầu tư công hay phá sản doanh nghiệp... mà chậm được ban hành thì "tái cơ cấu nền kinh tế thế nào?"

Quốc hội không thể đứng ngoài việc tái cơ cấu nền kinh tế, và trách nhiệm là phải ban hành luật trên cơ sở đó mới tiến hành tái cơ cấu được, ông Phúc nhấn mạnh.