22:32 23/04/2021

Đổi mới mô hình tăng trưởng rừng

Chu Khôi

Năm 2020, tổng diện tích rừng đạt trên 14,6 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Hội nghị triển khai Quyết định số 523/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp
Hội nghị triển khai Quyết định số 523/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp

Trong Đề án trồng 1 tỷ cây xanh, sẽ trồng gần 700 triệu cây phân tán nhằm mục đích vừa cung cấp gỗ và nguyên liệu cho chế biến đồ gỗ, đồng thời bảo vệ môi trường, cải thiện cảnh quan khu vực thành phố và nông thôn.

Chiều 23/4/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án: “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025”.

CHẤT LƯỢNG VÀ NĂNG SUẤT THẤP

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, sau 15 năm thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020, ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Đó là, tài nguyên rừng được bảo vệ và phát triển ngày càng tốt hơn. Năm 2020, tổng diện tích rừng đạt trên 14,6 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%, cơ cấu 3 loại rừng đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học và an ninh môi trường. Kim ngạch xuất khẩu lâm sản năm 2020 đạt trên 13,2 tỷ USD.

Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ở vị trí thứ 5 trên thế giới, thứ 2 Châu Á. Dịch vụ môi trường rừng thực sự trở thành nguồn tài chính quan trọng, bền vững – trở thành một trong 10 thành tựu nổi vật của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng bên cạnh các thành tựu, ngành Lâm nghiệp cũng đang đối mặt với một số khó khăn, thách thức như công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn hạn chế; tình trạng tranh chấp đất đai, vi phạm các qui định về bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn diễn ra phức tạp tại một số địa phương.

Đáng chú ý, diện tích rừng tăng nhưng chất lượng rừng còn hạn chế, năng suất rừng trồng tuy được cải thiện nhưng vẫn còn thấp, chủ yếu gỗ nhỏ, chưa hoàn toàn đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025” cùng với Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn là những văn bản quan trọng tạo hành hang pháp lý, chính sách quan trọng cho lĩnh vực Lâm nghiệp trong giai đoạn tới.

Theo ông Tuấn, Chiến lược Phát triển lâm nghiệp đã quán triệt và cụ thể hóa các quan điểm và định hướng phát triển, giải pháp nhằm phát triển lâm nghiệp bền vững. Đồng thời, đổi mới mô hình tăng trưởng rừng từ mở rộng diện tích khối lượng sang tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm lâm nghiệp.

 Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 524/QĐ-TTg phê duyệt Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025, nhằm mục đích vừa cung cấp gỗ và nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, vừa phòng hộ, bảo vệ môi trường, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

ĐƯA CÂY XANH VÀO BỘ TIÊU CHÍ NÔNG THÔN MỚI

Chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp phải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, trình ban hành và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các Kế hoạch thực hiện Chiến lược; Nghị định của Chính phủ về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp và Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025".

Trong đó lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm: Tham mưu xây dựng, trình phê duyệt Bộ chỉ số theo dõi và cơ chế giám sát, đánh giá thực hiện Chiến lược; triển khai hiệu quả hệ thống lập kế hoạch và giám sát ngành lâm nghiệp; Tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, dự án ưu tiên thực hiện Chiến lược.

Đối với Đề án Trồng một tỷ cây xanh, phải nghiên cứu, xây dựng tiêu chí về diện tích trồng cây xanh trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện, xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đồng thời, tổ chức rà soát, xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về giống cây trồng lâm nghiệp và lâm sinh để hướng dẫn các địa phương thực hiện.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các Bộ, ngành Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hiệu quả các nội dung liên quan tới chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành.

Đối với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng yêu cầu phải tham mưu xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch triển khai, tổ chức triển khai thực hiện cụ thể Chiến lược, Đề án và Nghị định tại địa phương.

Đồng thời, ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư do Tỉnh quản lý, chủ động huy động các nguồn lực hợp pháp thực hiện các chương trình, đề án, dự án... thực hiện hoàn thành các mục tiêu Chiến lược.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị các Tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành cùng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc bảo vệ, phát triển rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.