"Đối phó" với Nghị định 126, Grab tăng giá cước
Grab công bố thay đổi chính sách thuế áp dụng cho toàn bộ đối tác tài xế của mình và tăng giá cước cơ bản của các dịch vụ GrabCar
Grab vừa công bố thay đổi chính sách thuế áp dụng cho toàn bộ đối tác tài xế của mình và tăng giá cước cơ bản của các dịch vụ GrabCar, chính thức áp dụng từ trưa ngày 5/12.
Cụ thể, giá cước tối thiểu của GrabCar tại Hà Nội sẽ tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu, và tăng từ thêm 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng cho mỗi km tiếp theo).
Tương tự, GrabCar 7 chỗ tăng từ 30.000 đồng lên 32.000 đồng cho 2km đầu và từ 10.000 lên 11.000 đồng cho mỗi km tiếp theo.
Tại Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, giá cước tối thiểu của GrabCar cũng tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu và tăng từ thêm 500 đồng cho mỗi km tiếp theo.
Việc tăng giá trên của Grab đúng thời điểm Nghị định 126 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế được ban hành ngày 19/10/2020 có hiệu lực (ngày 5/12/2020), cho dù cơ quan quản lý vẫn chưa ra thông tư hướng dẫn.
Trong thông báo gửi các đối tác tài xế, Grab Việt Nam cho biết, theo quy định mới của Nghị định 126/2020, thuế giá trị gia tăng (VAT) tăng từ 3% lên 10% với mỗi cuốc xe công nghệ được áp dụng từ ngày 5-12. "Để đảm bảo mức thu nhập cho tài xế, nền tảng đặt xe này đã phải tăng giá cước cơ bản các dịch vụ", Grab lý giải.
Đối với tỷ lệ chiết khấu tài xế GrabCar áp dụng từ 28,375% lên 32,841% (bao gồm phí ứng dụng + phí VAT + thuế thu nhập cá nhân) đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%, còn GrabBike tăng từ 20% lên 27,273%.
Trước đó Grab Việt Nam cũng đã liên tục điều chỉnh tăng giá với các dịch vụ GrabBike, GrabBikePremium, GrabExpress và GrabFood. Cụ thể, từ ngày 2/12, mức giá cho 2km đầu vẫn giữ nguyên 12.000 đồng, nhưng giá tính trên mỗi km tiếp theo tăng từ 3.500 đồng lên 4.000 đồng ở các địa phương như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc,Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hà Nội.
Mức tăng tại một số địa phương như Tp.HCM, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Cần Thơ… từ 3.400 đồng lên cùng mức 4.000 đồng và từ 300đ/phút (sau 2km đầu) lên 350 đồng/phút sau 2km đầu.
Mặc dù không tăng phụ phí của các cuốc xe nhưng thời gian tính phụ phí cũng nới rộng ra, từ 11 giờ tối đến 6 giờ sáng, với mức thu 10.000 đồng cho các cuốc xe phát sinh.
Về cách tính thuế giá trị gia tăng và quy định doanh nghiệp khải kê khai trong Nghị định 126, lãnh đạo Tổng cục Thuế trước đó cho biết, các doanh nghiệp vận tải công nghệ sẽ phải có nghĩa vụ nộp thuế giá trị gia tăng chứ không phải là tài xế. Nghị định 126 quy định trách nhiệm của các công ty liên kết với người lái xe để thực hiện dịch vụ sẽ phải thực hiện nghĩa vụ kê khai và nộp thuế gia trị gia tăng. Doanh nghiệp sẽ phải kê khai 10% thuế giá trị gia tăng trên tổng doanh thu, công ty sẽ được khấu trừ đầu vào.
Trong khi đó, về phía tài xế thì theo quy định mới sẽ chỉ bị áp mức thuế Thu nhập cá nhân 1,5% khi có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Như vậy, trên thực tế nghĩa vụ thuế đối với tài xế công nghệ sẽ nhẹ hơn so với hiện hành.