11:03 03/05/2022

Đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 18-2022

Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy

Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 18 phát hành ngày 02-05-2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...

Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 18-2022
Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 18-2022

Theo số liệu của Bộ Tài chính, thị trường vốn đang có quy mô tương đương 134,5% GDP, gấp 3,5 lần so với 2015. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp đạt 14,2% GDP; thậm chí ở một số thống kê khác, con số này được cho là 16,6% GDP.

Với sự phát triển ấn tượng như vậy, trái phiếu doanh nghiệp đã giúp ngành ngân hàng giảm bớt áp lực về số dư cho vay cũng như thanh khoản kỳ hạn đối với kênh tín dụng trung dài hạn.

Tuy nhiên, phát triển nóng cũng đồng nghĩa phát sinh nhiều vấn đề mà pháp luật chưa kịp bắt nhịp theo. Cụ thể, một bộ phận nhỏ các doanh nghiệp có sức khoẻ tài chính kém, không đủ điều kiện về chuẩn mực và giới hạn tiếp cận tín dụng đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để huy động vốn.

Từ đây, bằng nhiều con đường khác nhau, trái phiếu doanh nghiệp được phân phối đến các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư cá nhân dưới hình thức "hợp đồng hợp tác đầu tư”.

Bởi vậy, tình trạng trái phiếu doanh nghiệp có thông tin mù mờ, người đầu tư không phải trái chủ và không nắm được mục đích doanh nghiệp sử dụng tiền của mình để làm gì, đã trở nên nhức nhối, tạo nên tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, đến mức, cơ quan quản lý phải tiến hành một loạt động thanh lọc như vừa qua.

Trong số báo số 18, phát hành sáng 2/5, Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã dành trọn tiêu điểm "Thanh lọc thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Gạn đục khơi trong", để cập nhật diễn biến thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 trong đó tập trung phân tích, đánh giá động thái chấn chỉnh thị trường gần đây của cơ quan quản lý và những tác động tới thị trường, đồng thời nêu và kiến nghị sửa đổi một số bất cập hiện nay trên thị trường.

Các bài viết bao gồm:

- Hành lang pháp lý đồng bộ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sẽ bớt rủi ro. Nếu ví von phương tiện giao thông chính là công cụ tài chính thì đầu tư trái phiếu thông qua các quỹ đầu tư trái phiếu riêng lẻ chính là sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giải toả sức nóng ùn tắc từ các phương tiện giao thông cá nhân đang ngập tràn trên đường… (Ánh Tuyết).

- Tiêu chí nào để đánh giá trái phiếu doanh nghiệp. Xếp hạng tín nhiệm là cơ chế đánh giá các tổ chức phát hành và công cụ nợ được thực hiện bởi một bên thứ ba độc lập đánh giá dựa trên các nguồn dữ liệu khác nhau, từ đó đưa ra ý kiến về khả năng thanh toán các nghĩa vụ tài chính của một doanh nghiệp cụ thể. Tại thị trường vốn Việt Nam, xếp hạng tín nhiệm vẫn là một khái niệm mới mẻ với nhiều nhà đầu tư cho đến khi 9 lô trái phiếu Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ. (Kiều Linh).

- Cải tiến “bộ lọc” cho thị trườngtrái phiếu doanh nghiệp. Khi ban hành Nghị định 153, Chính phủ mong muốn khuyến khích sự phát triển của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để hỗ trợ cho thị trường vốn. Tuy nhiên, với việc tạo ra cơ chế cởi mở, “bộ lọc” trong Nghị định 153 dần cho thấy lỗ hổng nghiêm trọng. Theo giới chuyên môn, bây giờ là thời điểm thích hợp nhất để nhà quản lý nâng cấp “bộ lọc” trong Nghị định 153, qua đó đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động lành mạnh.(Đào Hưng – Ánh Tuyết – Kiều Linh).

Cùng với nhiều bài viết chào mừng Ngày Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5:

- Trên nền móng của chiến tranh 30/4.Chiến thắng 30/4 đã thực sự là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, trở thành điểm tựa tinh thần và nền móng vững chắc để nhân dân ta dựng xây và phát triển đất nước theo định hướng mà Đảng đã hoạch định.(Nguyễn Quốc Uy).

- Sau “bão dịch”: Kinh tế TP.HCM bật dậy ấn tượng. Kinh tế TP.HCM năm 2021 diễn ra trong bối cảnh đà tăng trưởng kinh tế thế giới bị đe dọa nghiêm trọng vì Covid-19, nên gặp vô vàn khó khăn để dần hồi phục vào những tháng cuối năm. Khi bước vào năm 2022, kinh tế thành phố đã phục hồi ấn tượng và lấy lại đà tăng trưởng. (Xuân Thái).

- Mở mang đô thị ngầm: Giải pháp tối ưu quy hoạch TP.HCM.Một thành phố trẻ trung, năng động; một đô thị hiện đại, có sức hút lớn như TP.HCM, cùng với việc xây dựng các dự án hạ tầng làm đẹp bộ mặt đô thị như metro, hầm vượt sông, nhiều tòa nhà chọc trời, thì không gian ngầm là một giải pháp không thể thiếu, trong bài toán quy hoạch xây dựng đô thị của thành phố. (Xuân Nghi).

- Đầu tư cho giảm nghèo bền vững: Chuyển từ diện rộng sang chiều sâu. So với trước đây, đầu tư cho giảm nghèo giai đoạn 2022-2025 đang có những thay đổi về tư duy trong chiến lược và cách thức thực hiện. Phỏng vấn ông Tô Đức, Chánh văn phòng Quốc gia giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. (Lý Hà).

- Nông nghiệp xanh giúp xã nghèo Sơn La: Thoát đói nghèo, làm giàu. Muốn xóa đói giảm nghèo bền vững ở các vùng miền núi, dân tộc thiểu số, thực tiễn cho thấy chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ tăng trưởng về năng suất, thâm dụng tài nguyên sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp xanh, cho chất lượng nông sản cao để đạt được giá bán cao, thu lợi nhuận cao là hướng đi đúng đắn nhất. (Chu Khôi).

-Sâm Ngọc Linh: Cơ hội làm giàu trong tầm tay. Cuối tháng 4, người dân ở khắp các vùng núi cao của huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) lũ lượt kéo về trung tâm huyện để dự một sự kiện trọng đại - Hội chợ sâm Ngọc Linh. Đây là lần đầu tiên sâm Ngọc Linh có “sân chơi” lớn, với sự tham dự của hơn 40 doanh nghiệp, cơ sở ươm trồng, sản xuất các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh.(Song Hoàng).

Cùng các chuyên mục hấp dẫn khác:

-IMF vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 là 6% và 7,2% vào năm 2023, khi nền kinh tế bình thường hóa và IMF nhận thấy gói hỗ trợ tài khóa được phê duyệt gần đây là phù hợp và bắt đầu phát huy tác dụng.(Thu Trang).

- Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc. Từ kết quả tích cực trong quý 1, bước sang tháng đầu tiên của quý 2, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc. Điều này được chứng minh bằng các con số tăng trưởng ở hầu hết các ngành, nhất là chế biến, chế tạo, không chỉ giữ vững vị trí “quán quân” về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mà còn là ngành có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động chiếm tỷ lệ cao. (Mạnh Đức).

- PCI 2021: Bức tranh cải thiện môi trường đầu tư sáng dần. Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của chính quyền các cấp, song cần tiếp tục nỗ lực không ngừng để duy trì những thành tựu cải cách, đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng môi trường kinh doanh tại Việt Nam. (Hương Loan).

- Cơ hội kinh doanh tốt hơn, doanh nghiệp thành lập mới lập đỉnh. Vượt mốc 15.000 doanh nghiệp, tháng 4/2022 đạt kỷ lục về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, khả năng thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp tốt hơn, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, cơ hội kinh doanh gia tăng… được xem là những nguyên nhân thôi thúc doanh nghiệp “nhập cuộc”. Phỏng vấn ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.(Anh Nhi).

- Kỳ vọng những dự án “tỷ USD”. Dù dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới đang “chững” lại so với dòng vốn mở rộng và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại, song triển vọng thu hút những dự án “tỷ USD” của Việt Nam đang rất lớn. (An An).

-Xuất siêu tạo đà cho tăng trưởng xuất nhập khẩu. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi căng thẳng, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine, song hoạt động xuất, nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2022 vẫn tăng trưởng tích cực. Đáng chú ý, cán cân thương mại tiếp tục nghiêng về xuất siêu. Đây là tín hiệu tích cực, tạo đà cho tăng trưởng xuất nhập khẩu trong những tháng tiếp theo. (Huyền Vy).

- Doanh nghiệp lo đứt nguồn cung nguyên phụ liệu. Làn sóng tái bùng phát dịch ở Trung Quốc khiến các ngành sản xuất hàng điện tử, lắp máy, da giày, dệt may… gặp những khó khăn nhất định. Các doanh nghiệp này hiện đứng trước nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu sản xuất, các đơn hàng đình trệ.(Lưu Hà).

- Covid-19 thúc đẩy tự động hóa ngành dịch vụ ăn uống. Với mức chi phí không quá đắt đỏ, các chủ nhà hàng tại nhiều quốc gia trên thế giới đang đua nhau sử dụng robot như một giải pháp nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng, đồng thời cũng là phương án kinh doanh thích nghi với cuộc sống bình thường mới. (Tường Bách).

- Thấy gì từ việc rao bán NFT hình ảnh doanh nhân Việt? Trên thế giới, các hoạt động rao bán các NFT liên quan đến hình ảnh doanh nhân, người nổi tiếng cũng khá phổ biến. Tuy nhiên, xu hướng này tại Việt Nam dường như đang diễn ra với các mục đích khác hơn là các giao dịch NFT thông thường bởi sự dễ dàng trong các thao tác tạo ra NFT. (Hoàng An).

- Thị trường bất động sản: Nhiều luật chồng chéo, khó điều tiết.Theo phản ánh của các doanh nghiệp, lĩnh vực bất động sản có hàng chục luật điều phối nhưng lại thiếu đồng bộ, chồng chéo và mâu thuẫn. Mỗi dự án mất nhiều năm để thực hiện thủ tục pháp lý mà vẫn khó xong. Nguồn vốn cho bất động sản đã hạn chế lại ngày càng thắt chặt; hàng trăm dự án đang phải “đắp chiếu “ do vướng luật… Thực trạng này đang “bóp nghẹt” thị trường bất động sản nói chung và các doanh nghiệp bất động sản nói riêng. (Phan Nam).

- Bất động sản Duyên hải Bắc bộ: Cần “bệ phóng” để cất cánh. Mặc dù được đánh giá là điểm nóng của thị trường bất động sản cả nước khi mức độ tăng trưởng đạt bình quân 25 – 30%, nhưng thị trường bất động sản khu vực Duyên hải Bắc Bộ vẫn còn nhiều rào cản phát triển. (Nguyên Tú – Quốc Cường).

- Vận chuyển giao nhận tăng tốc theo kinh doanh online. Với tốc độ tăng trưởng những năm gần đây ước khoảng 30-35% mỗi năm, thương mại điện tử được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2022 và tạo xung lực mới cho tăng trưởng của kinh tế số. Song hành với đó là sự tăng trưởng của vận chuyển và giao hàng như một yếu tố “huyết mạch” cho kinh doanh online. (Nhĩ Anh).

- Eurozone trước áp lực thắt chặt chính sách tiền tệ. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde gần đây ra sức trấn an giới đầu tư rằng ECB sẽ có phương pháp tiếp cận từ tốn hơn so với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc kiểm soát sự leo thang chóng mặt của lạm phát. Tuy nhiên, với áp lực tăng giá ngày càng lớn do xung đột Nga-Ukraine, ECB sẽ đối mặt với thách thức không hề nhỏ. (An Huy).