Đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 3-2022
Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 3 phát hành ngày 17/1/2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...
Các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước có chung nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ quay trở lại mức tăng trưởng 6,5% - 7% trong năm 2022, trong khi lạm phát duy trì ở mức không đáng lo ngại, dưới 4%.
Tuy nhiên, nền kinh tế đang trong giai đoạn yếu nhất và chờ đợi để hồi phục. Việc đạt mức tăng trưởng kinh tế như trên có thể không khó khi Quốc hội đã thông qua gói kích thích tăng trưởng kinh tế trị giá gần 350.000 tỷ đồng và các hoạt động kinh tế dần trở lại trạng thái bình thường mới.
Trong số báo ra sáng mai, thứ Hai, 17/1/2022, với chủ đề “Kịch bản kinh tế Việt Nam 2022: Phục hồi và Bứt tốc tăng trưởng”, Tạp chí Kinh tế Việt Nam sẽ dành trọn chuyên mục Tiêu điểm để ghi lại những quan điểm và khuyến nghị của các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế, các nhà quản lý, các đại biểu quốc hội, các doanh nghiệp nhằm xây dựng một kịch bản kinh tế trúng nhất cho năm 2022.
Các bài viết bao gồm:
- Gói 350.000 tỷ đồng: “Ngôi sao hi vọng” cho doanh nghiệp. Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội với giá trị gần 350.000 tỷ đồng là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, là “ngôi sao hi vọng” mà doanh nghiệp đang trông chờ để phục hồi, vươn và vượt lên cơn khủng hoảng do đại dịch Covid-19. Vì thế, sau khi Quốc hội họp bất thường thông qua Nghị quyết về chính sách tài khoá tiền tệ thì điều mong chờ nhất hiện tại là Chính phủ mau sớm ra một chương trình cụ thể, chi tiết về các gói giải pháp. (Kiều Linh – Thu Hằng).
- Kinh tế Việt Nam 2022: Quyết tâm phục hồi và bứt tốc. Năm 2022, dù Covid-19 vẫn là mối đe dọa, với tâm thế mới trong cuộc chiến phòng, chống dịch và với gói chính sách tài khóa và tiền tệ trị giá gần 350.000 tỷ đồng vừa được Quốc hội thông qua, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ sớm phục hồi và bứt tốc trong thời gian tới. Tại Diễn đàn kịch bản kinh tế thường niên Việt Nam 2022 lần thứ 14, do Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức vào sáng ngày 14/1/2022, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp đã chia sẻ các quan điểm và góc nhìn về chính sách mới này. (Nguyễn Tuyến – Đào Hưng).
- Kinh tế 2022 tăng tốc bất chấp “ẩn số” Omicron. Sau một năm “chạm đáy”, tăng trưởng GDP năm 2022 được dự báo khởi sắc hơn, nhất là khi so với mức tăng trưởng thấp của năm 2021 và tỷ lệ tiêm chủng vaccine tăng cao, các hoạt động kinh tế dần trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy vậy, để GDP tăng với tốc độ nhanh như kỳ vọng, Việt Nam phải đối mặt và xử lý những thách thức liên quan tới nợ xấu, tài khóa, lao động,… đặc biệt là việc tiếp tục kiểm soát tốt dịch Covid-19 trong bối cảnh xuất hiện biến chủng Omicron và đẩy mạnh mở cửa biên giới. Xung quanh chủ đề nhận diện tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã ghi lại những khuyến nghị và đề xuất từ các chuyên gia, các tổ chức quốc tế. (Anh Nhi).
Cùng nhiều chuyên mục hấp dẫn:
- Kỳ họp bất thường đầu tiên giữa thời kỳ “bình thường mới”. Quốc hội khóa XV vừa kết thúc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất sau bốn ngày rưỡi làm việc và quyết nghị các nội dung hết sức quan trọng với quốc kế, dân sinh trong bối cảnh đất nước vừa trải qua đợt dịch Covid-19 lần thứ tư lịch sử với những hậu quả nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Đây là kỳ họp bất thường bởi lẽ Quốc hội chỉ họp thường kỳ hai lần một năm, gọi là “Xuân – Thu nhị kỳ” vào khoảng tháng 5 và tháng 10. Giữa lúc đất nước đang trong tình cảnh rối ren với số ca nhiễm Covid-19 vẫn liên tục lập đỉnh, hơn 23.000 đồng bào tử vong vì dịch, nền kinh tế phục hồi chậm và có nguy cơ lỡ nhịp với thế giới, kỳ họp được tổ chức nhằm đưa ra những quyết sách kịp thời về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội cũng như tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển. (Nguyễn Tuyến).
- Áp lực từ những cải cách “bên trong”. Trả lời phỏng vấn của Tạp chí Kinh tế Việt Nam bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết với việc mở rộng hơn các nhóm giải pháp đã được thực hiện trong các nghị quyết trước về cải cách điều kiện kinh doanh, Nghị quyết 02 vừa được ban hành sẽ tạo ra những áp lực để tạo ra những thay đổi cần thiết từ chính “nội bộ” nền kinh tế để tiệm cận với những chuẩn mực quốc tế bên ngoài. Điều này đòi hỏi sự chỉ đạo thường xuyên, thậm chí là áp đặt từ Chính phủ. (Anh Nhi thực hiện).
- Việt Nam ở đâu trong bản đồ chiến lược “Trung Quốc + 1”? Để vận hành hoạt động ở Việt Nam, trung bình một doanh nghiệp phải bỏ ra 79.280 - 209.087 USD/tháng. Việt Nam nằm trong ba thị trường có chi phí hoạt động thấp nhất trong khu vực châu Á với chi phí nhân công lao động là chi phí chính, chiếm 55% trong tổng chi phí kinh doanh. Chi phí dành cho nhân công ở Việt Nam thấp thứ 4 trong khu vực, sau Campuchia, Myanmar và Philippines. Tổng chi phí trung bình doanh nghiệp phải trả cho người lao động là 108.196 USD/tháng. (Mỹ Huyền).
- “Hãm” đà tăng giá ngay từ đầu năm. Sau hai năm chao đảo vì đại dịch Covid-19, nền kinh tế được dự báo sẽ vững bước hơn trên con đường quay lại quỹ đạo tăng trưởng trong năm 2022, tuy nhiên, mục tiêu kiểm soát lạm phát không dễ dàng ngay từ đầu năm. (Trâm Anh).
- Chính sách tài khóa là điểm tựa, VN-Index sẽ vượt mốc 1.700 điểm? Vaccine tiếp sức cho trạng thái bình thường mới, chính sách tài khóa là điểm tựa của quá trình phục hồi. Yếu tố hỗ trợ chính cho thị trường chứng khoán trong 6 tháng đầu năm 2022 chính là gói kích thích kinh tế dự kiến được Quốc hội vừa thông qua trong tháng 1/2022. Nhiều chuyên gia cho rằng tất cả các yếu tố trên sẽ tạo đà để thị trường chứng khoán vượt mốc 1.700 điểm. (Ánh Tuyết).
- Bao giờ thị trường chứng khoán Việt Nam lên hạng? Kể từ tháng 9/2018, FTSE đã xếp Việt Nam vào danh sách cân nhắc (watching list) để vào nhóm Thị trường mới nổi hạng hai (Secondary Emerging Market) và cho đến nay vẫn chưa có thay đổi gì. Dự kiến tháng 3/2022 sắp tới đây sẽ có một đánh giá giữa kỳ (Interim Review) cho việc thay đổi xếp hạng. Nếu được lên hạng thì có lợi gì và ai sẽ có lợi? Và quyết tâm để Việt Nam được xếp vào nhóm thị trường mới nổi có đủ mạnh? (TS.Võ Đình Trí, Trường đại học Kinh tế Tp.HCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global).
- Kỳ vọng vào những thương vụ thoái vốn nghìn tỷ. Trong kế hoạch thoái vốn nhà nước năm 2022 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), ba doanh nghiệp là Bảo Việt, Bảo Minh và Nhựa Tiền Phong được thị trường đặc biệt quan tâm. Đây cũng là 3 doanh nghiệp trong danh sách 88 doanh nghiệp đáng lẽ phải thực hiện bán vốn nhà nước trong năm 2021. Trong đó, SCIC đang sở hữu 3,26%; 50,7% và 37,1% vốn tương ứng lần lượt tại Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán BVH- HOSE), Tổng CTCP Bảo Minh (mã chứng khoán BMI - HOSE) và CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã chứng khoán NTP - HNX) với tổng vốn nhà nước hơn 1.121 tỷ đồng. (Hoàng Xuân).
- Làm gì để đẩy tín dụng xanh vào ngành dệt may? Nhiều năm qua, dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, tuy nhiên dư nợ tín dụng tại đây chỉ chiếm khoảng 1,5% trong tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế. (Đào Vũ).
- Đấu giá đất lên cao để rồi… “bỏ cọc”. Có thể nói vụ ồn ào nhất trên thị trường bất động sản gần đây là việc Tân Hoàng Minh đã trả giá ô đất 3-12 tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức lên cao bất thường rồi sau đó lại quyết định bỏ cọc. Tình huống này, theo nhiều chuyên gia, là dịp để rà soát lại pháp lý liên quan và có chế tài phù hợp để tránh các trường hợp tương tự về sau. (Phan Nam).
- Thông đường cho nông sản xuất khẩu. Trong bối cảnh xuất khẩu nông sản bằng đường bộ gặp khó khăn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đề xuất cần đa dạng hóa phương thức vận chuyển, trong đó sớm xây dựng cơ chế vận chuyển bằng đường biển dành riêng cho nông sản, tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc và các thị trường khác. (Chu Khôi).
- Hứa hẹn bùng nổ làn sóng M&A công nghệ. M&A trong các ngành thương mại điện tử, dịch vụ tài chính và đặc biệt là lĩnh vực công nghệ số trong năm qua ở Việt Nam được ghi nhận có những bước tăng trưởng mạnh mẽ. Làn sóng này được dự báo còn nhiều triển vọng và sẽ bùng nổ trong tương lai gần. (Nhĩ Anh).
- Rộng đường hút vốn tư nhân vào hạ tầng cảng biển. Bất chấp “bão” dịch Covid, năm 2022 khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đặt mục tiêu đạt 750 triệu tấn, tăng khoảng 3% so với năm 2021, gấp đến 8,5 lần so với thời điểm đầu quy hoạch vào năm 2000. Để đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng trung bình 4 - 4,5% nhiều năm tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ tạo cơ chế “hút” doanh nghiệp tham gia đầu tư, khai thác cảng biển. (Ánh Tuyết).
- Đỉnh nào cho giá dầu trong năm 2022? Giá dầu thô đã tăng 50% trong năm 2021 và được giới phân tích dự báo sẽ tiếp tục đi lên trong năm nay. Tình trạng thiếu công suất của các công ty khai thác dầu và mức đầu tư ít ỏi trong ngành này có thể đưa giá dầu lên 90 USD/thùng, hoặc thậm chí vượt 100 USD/thùng. (An Huy).
- Hàng Tết không thiếu nhưng sức mua khó khởi sắc. Tết cổ truyền năm nay tiếp tục diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trên cả nước. Nhiều doanh nghiệp cung ứng cho rằng so với năm ngoái, hàng hóa phục vụ thị trường Tết sẽ không thể tăng giá để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Sức mua hàng dịp Tết năm nay cũng khó có thể bứt phá mà chỉ tương đương Tết 2021, do người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm, mua sắm thiết thực và dành một phần thu nhập cuối năm cho khoản dự phòng rủi ro. (Lưu Hà).
- Sau Covid, nở rộ thị trường mỹ phẩm cho nam giới. Cách đây vài năm, nhà thiết kế thời trang cao cấp Tom Ford có lẽ là một trong những người đầu tiên công bố bộ sưu tập các sản phẩm chải chuốt dành cho nam giới, bao gồm bộ mỹ phẩm dưỡng lông mày và che khuyết điểm. (Minh Nguyệt).