08:00 02/10/2022

Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 40-2022

Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

Mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 40 phát hành ngày 03-10-2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...

Qua hơn một năm tiến hành sửa đổi với 7 phiên bản dự thảo, ngày 16/9/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ (gọi tắt là Nghị định 65).

Bước đầu, Nghị định 65 được giới chuyên môn đánh giá là hướng đi đúng đắn và phù hợp với thông lệ quốc tế về trái phiếu doanh nghiệp, góp phần giải quyết những bất cập và hạn chế của thị trường trong thời gian qua. Đây bước ngoặt với kỳ vọng đưa kênh vốn trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ hướng tới sự bền vững, bảo đảm lợi ích của các chủ thể tham gia thị trường, đặc biệt là cộng đồng các nhà đầu tư nhỏ lẻ, dễ bị tổn thương trước hành vi thiếu minh bạch và gian dối của một số nhà phát hành.

Để nhìn nhận rõ hơn tác động của Nghị định số 65 đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp sắp tới, trong vai trò là cầu nối truyền thông chính sách đến thị trường, trong số báo ra sáng thứ Hai, ngày 3-10-2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy sẽ dành trọn Tiêu điểm: "Bước ngoặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau Nghị định 65/2022/NĐ-CP" với những lý giải từ chuyên gia, cơ quan quản lý về những chủ đề nóng như:

-->Rào cản kỹ thuật nâng cao chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp cá nhân là gì?

-->Nhận định ra sao về nguy cơ vỡ nợ kỹ thuật đối với trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm đáo hạn trong năm 2022 và 2023?

-->Mở rộng cánh cửa tham gia thị trường đối với các chủ thể trong nước như quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ, quỹ hưu trí và nhà đầu tư nước ngoài với vai trò nhà đầu tư, phân phối, quản lý danh mục đầu tư… đến mức nào?

Bao gồm các bài viết:

- Thêm biển báo, vạch làn đường cho “xa lộ” trái phiếu doanh nghiệp. Qua hơn một năm tiến hành sửa đổi với 7 phiên bản dự thảo, ngày 16/9, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ (Nghị định 65). Bước đầu nghị định này đang được thị trường đón nhận theo cách khá tích cực. (Đào Hưng – Phan Linh – Ánh Tuyết).

- “Nắng hạn chờ mưa” từ một nghị định. 9 tháng qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tụt dốc thê thảm sau hành động cứng rắn của cơ quan bảo vệ pháp luật và quản lý. Để tạo một sân chơi mới công bằng, minh bạch và giảm thiểu tình trạng “lùa gà” các nhà đầu tư cá nhân mù mờ thông tin; phân biệt rõ “vàng, thau” giữa các tổ chức phát hành, Bộ Tài chính đã phải sửa tới 7 lần dự thảo Nghị định 65 sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trước khi được Chính phủ ban hành. Các chuyên gia cho rằng, nghị định mới sẽ mở “xa lộ” cho thị trường vốn nhưng kết quả như thế nào thì còn phải chờ phản ứng từ thị trường… (Ánh Tuyết).

- Doanh nghiệp xoay nguồn đáo hạn trái phiếu. Sau một số vụ lùm xùm liên quan đến vấn đề pháp lý, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bị “phanh” gấp, khối lượng phát hành trái phiếu mới sụt giảm nghiêm trọng. Không chỉ chuyên gia, giới phân tích mà cả Bộ Tài chính cũng phát đi các thông điệp cảnh báo và tiên liệu các giải pháp trong tình huống rủi ro vỡ nợ dây chuyền. P/v ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc AFA Capital. (Đào Hưng).

- Trái phiếu doanh nghiệp: Không thể “tham bát bỏ mâm”. Các công ty bất động sản, người chơi chính trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang vô cùng lo lắng vì cầu trái phiếu sẽ giảm, huy động vốn khó khăn hơn sau khi Nghị định 65/2022/NĐ-CP được ban hành. Tuy nhiên, một số định chế trung gian khác như công ty chứng khoán, tổ chức xếp hạng tín nhiệm cùng nhận định thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ trầm lắng trong ngắn hạn nhưng về dài hạn sẽ thu hút nhiều định chế tài chính phi ngân hàng tham gia, giúp thị trường giữ nhịp tăng trường. (Phan Linh).

Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ: Trước hết là bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư. Nghị định 65/2022/NĐ-CP  mới được ban hành quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (Nghị định 65) đang thu hút nhiều quan tâm của thị trường. Những sửa đổi bổ sung nhằm lành mạnh hóa thị trường và định hướng để thị trường phát triển bền vững. Tuy nhiên, dư luận lại ít quan tâm đến khía cạnh bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. (PGS.TS. Võ Đình Trí, Giảng viên Trường ĐH Kinh tế Tp.HCM, IPAG Business School (Paris) và AVSE Global).

Cùng nhiều chuyên mục hấp dẫn khác:

*/ Toàn cảnh kinh tế Việt Nam tháng 9 và 9 tháng sẽ được phản ánh qua loạt các bài viết như:

- Tăng trưởng GDP cả năm dự kiến đạt 7,5-8%. Với nền tăng trưởng cao đạt được trong quý 3/2022, tăng trưởng GDP cả năm dự kiến đạt 7,5-8% khi kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn tiếp tục được giữ ổn định và xu hướng phục hồi ngày một rõ nét. (Đặng Hương – Lê Hạnh Mai).

- Xuất khẩu 3 tháng cuối năm: Duy trì tốc độ tăng trưởng gặp nhiều thách thức. Trong 9 tháng năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu giảm tốc. Dự báo trong những tháng cuối năm, việc duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ gặp không ít thách thức khi nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu đang chịu ảnh hưởng do lạm phát và suy thoái. (Mạnh Đức).

- Sản xuất công nghiệp vẫn “giữ nhịp” tăng trưởng. Trong 9 tháng năm 2022, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khả quan, trong đó, chế biến, chế tạo vẫn đóng vai trò “nhạc trưởng” giữ nhịp cho toàn ngành công nghiệp, đồng thời cũng là ngành dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây là điều tích cực trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau 2 năm chùng xuống do dịch bệnh Covid-19. (Huyền Vy).

- Ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế trong 9 tháng năm 2022. Tuy vậy, Tổng cục Thống kê cho rằng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm vẫn hiện hữu. (Vũ Khuê).

Tranh thủ cơ hội đón dòng vốn đầu tư nước ngoài. Để Việt Nam trở thành “điểm” hút vốn đầu tư nước ngoài như dự báo của các tổ chức quốc tế, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực đất đai, nhân lực, hạ tầng cũng như tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. (Anh Nhi).

*/ Cùng các bài viết phản ánh các câu chuyện thời sự kinh tế của tuần qua, bao gồm:

-Hiệu quả của quỹ bình ổn giá xăng dầu ở Việt Nam. (Phạm Minh Thụy).

- Dồn dập “sức ép” giải ngân cuối năm ngành giao thông. Bộ Giao thông vận tải đang gấp rút đẩy nhanh công tác giải ngân khoảng 23.300 tỷ đồng, tương đương 46,3% kế hoạch vốn đầu tư công trong vỏn vẹn 4 tháng. Áp lực lớn hơn với ngành khi một loạt dự án trọng điểm cần khởi công và hoàn thành kịp tiến độ cuối năm… (Anh Tú).

- Luật chồng chéo, mâu thuẫn: Cản bước phát triển bất động sản. Tại các cuộc hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo một số luật (sửa đổi) liên quan đến bất động sản diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng đang có những quy định mâu thuẫn, chồng chéo nhau giữa các luật. Từ đó gây khó khăn, thậm chí làm đình trệ hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nội dung sửa đổi của các dự thảo luật vẫn chưa cho thấy tín hiệu tháo gỡ thực trạng này. (Phan Nam).

- Nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn. Việc khắc phục các tồn tại, hạn chế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối của ngành thủy sản nhiều năm nay. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tới thời điểm hiện tại đã có 95% tàu cá lắp thiết bị giám sát, tuy nhiên những nỗ lực gỡ "thẻ vàng" của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn và vẫn có nguy cơ phải nhận “thẻ đỏ”. Vì sao lại như vậy? (Chu Khôi).

- Quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm, doanh nghiệp nội dung số lao đao. Doanh nghiệp, đặc biệt là startup nội dung số có nguồn lực hạn chế, nếu không chú trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu ngay từ đầu thì khi bước ra thị trường toàn cầu, chỉ cần một vụ việc xâm phạm quyền, cạnh không lành mạnh, liên quan đến pháp lý kiện tụng, có thể sẽ mất khả năng ứng phó, duy trì hoạt động. “Chờ được vạ thì má đã sưng”, doanh nghiệp khi phải tranh chấp quyền không chỉ tốn kém chi phí, nguồn lực mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, thiệt hại đủ đường. (Nhĩ Anh).

- Triển vọng xấu từ cú trượt dốc của đồng Nhân dân tệ? Sự sụt giảm liên tiếp xuống đáy hơn 1 thập kỷ qua của đồng Nhân dân tệ so với đồng USD cho thấy triển vọng ngày càng xấu đi của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Giữa lúc Bắc Kinh còn chủ trương nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng và các dự báo về kinh tế Trung Quốc năm nay đồng loạt bị cắt giảm, mọi lời cảnh báo của Ngân hàng Trung ương nước này (PBOC) đối với hoạt động đặt cược vào sự mất giá của Nhân dân tệ dường như không thể phát huy tác dụng. (An Huy).

Tìm đường cho bưởi Việt vào thị trường khó tính. Dư địa xuất khẩu trái bưởi vào những thị trường lớn và khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu hay Nhật Bản còn rất nhiều, song để tiến sâu hơn, các doanh nghiệp Việt Nam cần có những bước đi vững chắc, tìm hiểu kỹ và tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu. (Vũ Khuê).

- Thời trang kỹ thuật số mở màn cách mạng về văn hóa tiêu dùng. Thời trang kỹ thuật số là những trang phục được tạo ra bằng công nghệ máy tính và phần mềm 3D. Không có sản phẩm vật lý, chúng tồn tại trong các tệp kỹ thuật số trực tuyến, dựa vào công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) và các công nghệ khác để đạt hiệu ứng thị giác khi “mặc”. (Minh Nguyệt).