Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 71
Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 71 phát hành ngày 15-11-2021 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...
Nếu so sánh với các sản phẩm bất động sản khác chỉ chịu tác động tiêu cực bởi Covid-19 thì những khó khăn mà bất động sản du lịch nghỉ dưỡng là gấp đôi. Khó khăn chồng chất khó khăn bởi pháp lý cho lĩnh vực này đến nay vẫn chưa được hoàn thiện. Riêng trong năm 2020, nguồn cung rất nhiều nhưng giao dịch gần như tê liệt, vỏn vẹn 120 sản phẩm được sang tay mua bán.
Bước sang năm 2021, tình hình có vẻ cải thiện hơn với hơn 10.000 sản phẩm được giao dịch, tỷ lệ hấp thụ 30-40% và đây đều là những dòng sản phẩm bắt kịp xu thế trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Vậy xu thế đó là gì? Những chủ đầu tư sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã ra mắt những dòng sản phẩm độc đáo như thế nào để ngay cả tâm dịch, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn như một cái "hub" hút vốn nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế?
Có nên nhân rộng mô hình này hay không và cơ chế, pháp lý phải làm sao để bất động sản du lịch nghỉ dưỡng phát triển, thực sự mang lại giá trị cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả nền kinh tế Việt Nam vốn đã bị tàn phá nặng nề bởi Covid-19?
Trong số báo phát hành vào sáng mai, thứ Hai (15-11), Kinh tế Việt Nam bộ mới số 71-2021 sẽ dành 9 trang cho chuyên mục Tiêu điểm để giải đáp phần nào những nút thắt trong câu chuyện phát triển bất động sản nghỉ dưỡng trong xu thế mới.
Các bài viết bao gồm:
- Bất động sản nghỉ dưỡng: Vươn tới những cơ hội mới. Mặc dù đang gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid và vướng mắc về pháp lý, song, theo nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng và sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. (Phan Dương).
- Khái niệm “ngôi nhà thứ hai” đang dần thay đổi. Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, với sự gia tăng của hình thức làm việc tại nhà, khái niệm “ngôi nhà thứ hai” giờ đây đang dần mờ nhạt. Người ta có xu hướng chuyển tới các dự án có lợi thế về thiên nhiên, đa dạng về tiện ích… để có thể vừa làm việc, vừa ở, vừa nghỉ dưỡng tại chính ngôi nhà của mình. (Huyền Ngân thực hiện).
- Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng: Thay đổi đến ngỡ ngàng. Gắn bó với thị trường Việt Nam qua gần 2 thập kỷ, ông Michael Piro, Giám đốc Điều hành Indochina Capital đã chứng kiến nhiều chuyển biến trong quá trình phát triển của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Trả lời phỏng vấn Tạp chí Kinh tế Việt Nam, ông Michael Piro cho rằng thị trường này đã có sự thay đổi đáng kinh ngạc và trong tương lai, mức độ tăng trưởng sẽ tốt hơn nữa, đặc biệt là nguồn cầu nội địa. (Phan Nam thực hiện).
- “Chìa khoá vàng” để bất động sản nghỉ dưỡng bùng nổ. Nếu so sánh với các sản phẩm bất động sản khác chỉ chịu tác động tiêu cực bởi Covid-19 thì những khó khăn mà bất động sản du lịch nghỉ dưỡng là gấp đôi, khó khăn chồng chất khó khăn bởi pháp lý cho lĩnh vực này đến nay vẫn chưa được hoàn thiện. Cùng các nhà tạo lập, phát triển thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, các chuyên gia, và đại diện các ban, bộ, ngành trao đổi. (K.Linh, Đ.Phan, T.Xuân, H.Ngân thực hiện).
Và các chuyên mục khác:
- Tư duy và tầm nhìn 4.0. Chuỗi 10 hội thảo chuyên đề và đặc biệt là Diễn đàn cấp cao lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 diễn ra trung tuần tháng 11 và đầu tháng 12 là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học, cả trong và ngoài nước, cùng nhau trao đổi và phản biện, đặng tìm ra tiếng nói chung, có căn cứ khoa học và thực tiễn, có tính khả thi cao, về mô hình và giải pháp thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam. Tuy nhiên, không dễ để hoạch định chuẩn xác mô hình và con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho phù hợp với các điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội cụ thể của đất nước mà không “lạc lối” trước xu thế phát triển. (Nguyễn Quốc Uy).
- Động lực cải cách chưa tạo đột phá lớn. Tại sao nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với dịch Covid-19 chưa hiệu quả như mong đợi? Đây có lẽ là lúc phải gắn cải cách với các giải pháp phục hồi kinh tế để tạo ra “cỗ máy” đẩy nền kinh tế tăng trưởng hiệu quả hơn. Nhìn lại quá trình cải cách giai đoạn trước của Việt Nam, hội nhập kinh tế quốc tế và đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã trở thành động lực rất tốt cho Việt Nam cải cách. (An An).
- Phục hồi kinh tế: Cân nhắc dài hạn các gói hỗ trợ. Việc tính toán, thiết kế các gói hỗ trợ cho giai đoạn phục hồi sau Covid-19 là rất cần thiết. Tuy nhiên, có một số quan ngại về dài hạn mà việc thiết kế các gói hỗ trợ này cần phải cân nhắc đến. Cũng như nhiều nền kinh tế khác trên thế giới, Việt Nam đang tiếp tục tính toán các gói hỗ trợ cho giai đoạn phục hồi sau Covid-19. Các gói hỗ trợ nhanh chóng kịp thời, đúng đối tượng là rất cần thiết nhưng có một số quan ngại về dài hạn mà việc thiết kế các gói hỗ trợ này cũng phải cân nhắc đến. (TS.Võ Đình Trí, trường Đại học Kinh tế TP.HCM, IPAG Business School và AVSE Global).
- Nền kinh tế khó phục hồi và phát triển nhanh một cách “tự nhiên”. Trả lời phỏng vấn Tạp chí Kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), khuyến nghị: Cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 gây nên đòi hỏi những gói kích hoạt nền kinh tế khác biệt so với giai đoạn trước khi yếu tố bên trong và bên ngoài thay đổi. Trong đó, cần xác định đây là gói kích hoạt nền kinh tế phục hồi và phát triển nhanhchứ không phải là gói hỗ trợ an sinh xã hội. (Anh Nhi thực hiện).
- Tính toán gói kích thích kinh tế đủ lớn và có trọng điểm. Liên tục bị bào mòn bởi bốn đợt bùng phát của đại dịch Covid-19, sự tiếp sức của chính sách thuế và lãi suất thời gian qua không tác động nhiều đến sự phục hồi hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần tính toán gói kích cầu mạnh tay hơn, hỗ trợ tổng thể hơn để vực dậy doanh nghiệp, người dân. (Tuyết Nhi).
- Năm 2022: Dự kiến bội chi ngân sách 4% GDP.Bộ Tài chính vừa công bố “Báo cáo ngân sách dành cho công dân về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 trình Quốc hội”, cung cấp những thông tin cơ bản về tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2021 và dự kiến dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Theo đó, năm 2022 so với 2021, Bộ Tài chính dự toán tổng thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.411,7 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 3,4%; tổng chi 1.784,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5%... (Ánh Tuyết).
- Đô thị thông minh: “Mập mờ” tiêu chí, tiêu chuẩn. Phát triển đô thị thông minh là một xu thế tất yếu được Việt Nam xác định là một hướng đi đúng đắn để phát triển các đô thị. Do đó, việc xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các tiêu chí cơ bản cho đô thị thông minh phù hợp với điều kiện Việt Nam là rất quan trọng. (Nhĩ Anh).
- Chuyển đổi năng lượng: Đường dài nhiều cơ hội và thách thức. Trong bối cảnh các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng “quá tải”, thì năng lượng tái tạo là một lựa chọn dài hạn và được đánh giá sẽ giữ vai trò quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này cũng đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi phải có chiến lược, lộ trình, cơ chế phù hợp để đảm bảo được sự phát triển bền vững. (Nguyễn Mạnh).
- Nỗ lực thực thi vượt cam kết trong CPTPP mới. Yêu cầu xây dựng pháp luật vượt lên trên cam kết của CPTPP để cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập hiệu quả, không còn là việc nên hay không nên. Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất là phải nỗ lực triển khai hiệu quả. (Vũ Khuê).
- Sửa đổi Luật Dầu khí, gỡ thế bí cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi, việc sửa đổi Luật Dầu khí sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để hoạt động dầu khí mang đầy đủ đặc trưng của ngành theo thông lệ quốc tế. Muốn giúp duy trì được tốc độ phát triển ngành dầu khí để trở thành động lực cho nền kinh tế, phải tiếp tục xây dựng thể chế, cơ chế, hành lang pháp lý. (Huyền Vy).
- Dịch vụ chữ ký số từ xa vào đường đua. Thay vì phải phụ thuộc vào USB Token, giải pháp ký số từ xa (Remote Signing) có thể sử dụng trên nhiều loại thiết bị như smartphone, laptop… được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, thúc đẩy các dịch vụ chính phủ điện tử, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và ứng dụng chữ ký số cho cá nhân. Đặc biệt trong tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, hạn chế tiếp xúc, việc ứng dụng chữ ký số từ xa mở rộng cho các doanh nghiệp và cá nhân, giúp phát triển các nền tảng giao dịch điện tử từ xa, hạn chế gián đoạn kinh doanh. (Đỗ Phong).
- Giá cao su tăng mạnh, doanh nghiệp xuất khẩu lãi to. Với giá cao su xuất khẩu tăng 29%, kim ngạch xuất khẩu tăng 46,5% trong 10 tháng, ngành cao su đang được xem là một trong số ít ngành may mắn nhất khi có được lợi nhuận cao trong năm nay. Trong khi đó, nguồn cung cao su trên thế giới đang thiếu hụt, cùng với giá dầu tăng, được nhận định sẽ giúp giá cao su tiếp tục duy trì đà tăng từ nay đến ít nhất hết quý 1 năm 2022. (Chu Khôi).
- Vừa “đẩy” vừa “cản” phát triển vaccine nội. Tự chủ vaccine phòng chống Covid-19 là một vấn đề nóng mà một vài đại biểu Quốc hội đã đưa ra trong kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vừa khai mạc ngày 8/11/2021. Vướng mắc nào đang cản trở sự xuất hiện của vaccine trong nước và có thể làm mất cơ hội phát triển? (Lý Hà).
- Kinh tế thế giới đứng trước loạt thách thức mới. Sau khi “gục ngã” trong năm 2020 vì đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới đã phục hồi mạnh mẽ trong năm nay. Các chuyên gia kinh tế cho rằng ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ nhạy cảm, khi các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp đối mặt với sự dịch chuyển đầy gập ghềnh từ giai đoạn mở cửa trở lại sang giai đoạn tăng trưởng “bình thường” hơn. (An Huy).