Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam bộ mới số 73-2021
Mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam bộ mới số 73 phát hành ngày 29-11-2021với nhiều chuyên mục hấp dẫn...
Đại dịch Covid-19 kéo dài gần 2 năm qua đã tạo ra cuộc khủng hoảng kép nghiêm trọng đến nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát cuối tháng 4/2021 đã gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Các chuỗi cung ứng và sản xuất hàng hóa bị gián đoạn, đứt gãy; nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động trong nhiều tháng liên tiếp và khó có khả năng phục hồi chỉ trong một thời gian ngắn.
Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới con đường công nghiệp hóa của Việt Nam nói chung cũng như của từng tỉnh nói riêng, nhất là những tỉnh bùng phát và chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, dù chịu tác động của dịch bệnh, vẫn có những địa phương thực hiện được “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa vươn lên là điểm sáng trong thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó phải kể đến Bắc Ninh.
Trong số báo ra sáng mai, thứ Hai, ngày 29/11, Tạp chí Kinh tế Việt Nam sẽ dành trọn 12 trang Tiêu điểm cho chủ đề: "Bắc Ninh chủ động đón đầu tư", nhằm chia sẻ quan điểm cũng như các giải pháp mà Bắc Ninh đã làm thành công và đang làm hiện nay, đặc biệt là giải pháp tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng cao, nhằm đưa Bắc Ninh trở thành một thành phố công nghiệp hiện đại, công nghệ cao vào năm 2030 và hướng tới thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh vào năm 2045.
Các bài viết bao gồm:
- Bắc Ninh: “An toàn để đầu tư, an tâm để sản xuất”. Mấy năm gần đây, Bắc Ninh luôn là tỉnh có nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội thuộc nhóm tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Điều này liên quan như thế nào đến chính sách thu hút vốn đầu tư, xúc tiến thương mại của Bắc Ninh? Bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã trả lời phỏng vấn Tạp chí Kinh tế Việt Nam để làm rõ vấn đề này. (Lý Hà thực hiện).
- Biến tiềm năng du lịch thành hiện thực. Du lịch được xem là một trong những ngành quan trọng trong nền kinh tế, là động lực tăng nguồn thu nhập của nhiều tỉnh, thành trong những năm qua. Đối với Bắc Ninh, ngành du lịch đã được đánh giá, khẳng định tiềm năng phát triển gắn với động lực phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, nhất là khi dịch bệnh bùng phát, hướng đến tầm nhìn năm 2030. (Vương Quốc Tuấn, Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh).
- Chủ động đón FDI hàm lượng công nghệ cao. Bắc Ninh luôn quán triệt chiến lược “bốn sẵn sàng” và nay thêm “sẵn sàng kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19” để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI với các ngành nghề có hàm lượng chất xám cao. Đây là chiến lược đúng đắn giúp Bắc Ninh lựa chọn nguồn vốn FDI thế hệ mới. (Đào Quang Khải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh).
- Hướng tới thành phố công nghiệp hiện đại, công nghệ cao. Với diện tích nhỏ nhất nước nhưng năm 2020, Bắc Ninh lại đứng đầu toàn quốc về giá trị sản xuất công nghiệp, đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và thứ tám về quy mô GRDP. Đó là những bước phát triển tạo tiền đề đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. (Ngô Tân Phượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh).
- Điểm hội tụ của các “đại bàng”. Bắc Ninh là một trong số những địa phương từng hứng chịu hậu quả nặng nề của làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư. Để thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) một cách hiệu quả, Bắc Ninh lựa chọn đầu tư theo 2 tiêu chí, đó là “hai ít, ba cao” và chiến lược 5 sẵn sàng. Chính “bộ lọc” này đã giúp Bắc Ninh lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, chất lượng vào tỉnh. Tại cuộc tọa đàm với chủ đề “Bắc Ninh trên đường công nghiệp hóa” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam-VnEconomy tổ chức ngày 26/11, các chuyên gia kinh tế và đại diện đến từ tỉnh Bắc Ninh đã có những chia sẻ, hiến kế giải pháp để Bắc Ninh tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao nhằm đưa tỉnh trở thành một thành phố công nghiệp hiện đại, công nghệ cao trong tương lai. (Thu Hằng – Nguyễn Tuyến – Kiều Linh thực hiện).
Và nhiều bài viết cho các chuyên mục khác:
- Một quan hệ đối tác thực sự tin cậy và hiệu quả. Thành công từ chuyến thăm Nhật Bản lần này của người đứng đầu Chính phủ nước ta đã góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, doanh nghiệp và địa phương hai nước, nhất là trong bối cảnh cả Việt Nam và Nhật Bản đang phải khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19. (Nguyễn Quốc Uy).
- Kỳ vọng mới về dòng vốn FDI. Những bản ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài, những buổi đối thoại trực tiếp và thẳng thắn giữa doanh nghiệp FDI với lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành nhằm tháo gỡ những vướng mắc cho sự hoạt động trở lại trong giai đoạn “bình thường mới” gần đây đem đến những kỳ vọng mới về sự gia tăng mạnh mẽ của dòng vốn FDI trong thời gian tới. (Anh Nhi).
- Ngành giao thông tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Mốc kết thúc giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 vào ngày 31/1/2022 của ngành giao thông vận tải chỉ còn vỏn vẹn hơn 2 tháng. Để giải ngân hết kế hoạch vốn cả năm đạt tối thiểu 96%, từ nay tới 31/1/2022, Bộ Giao thông vận tải tăng tiến độ giải ngân khoảng 9.932 tỷ đồng để cán đích đúng hẹn, giữ vững lá cờ đầu giải ngân trong các các bộ, ngành trên toàn quốc. (Anh Tú).
- Doanh nghiệp bất động sản: “Nghẹt thở” vì điểm nghẽn pháp lý. Tại hội thảo “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 25/11, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong sửa đổi các vướng mắc, khó khăn về thủ tục pháp lý liên quan đến bất động sản. Nếu sửa đổi được những bất cập trong luật định sẽ tháo gỡ được một rào cản lớn, góp phần khơi thông các dự án, phục hồi và phát triển thị trường nhà ở. (Phan Dương).
- Chứng khoán Việt Nam tuổi 25: liên tiếp “đổ xô” nhiều kỷ lục lịch sử. Trong suốt chặng đường 25 năm hình thành và phát triển, chưa khi nào thị trường chứng khoán liên tiếp “đổ xô” những kỷ lục lịch sử dù nền kinh tế “nhuốm” màu Covid-19 như lúc này. Tuy nhiên, các chuyên gia, thành viên thị trường cho rằng, ở tuổi trưởng thành, khi thị trường chứng khoán chìm trong “men say”, điều quan trọng là không được bỏ quên sự quản lý, giám sát, kiện toàn thị trường. (Trâm Anh).
- Được gì khi chuyển đổi sang chuẩn mực kế toán quốc tế - IFRS?. Chấp nhận phát sinh chi phí đầu tư cũng như sự minh bạch và có thể bị “nhòm ngó” nhưng đổi lại, những doanh nghiệp chuyển đổi chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) sang chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) đã gặt hái quả ngọt từ các khoản đầu tư của nước ngoài, đồng thời, hiên ngang bước ra thị trường thế giới. (Ánh Tuyết).
- Thách thức 2022: Tìm lối đi cho doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2022 dịch bệnh được dự báo vẫn chưa thể chấm dứt, người dân và doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, bước vào một giai đoạn mới, trong tình hình bình thường mới cần có những giải pháp song hành vừa giải quyết dịch bệnh, vừa giải quyết các biện pháp kinh tế. (Vũ Khuê).
- Bao giờ doanh nghiệp vận tải khách mới thực sự “lăn bánh”? Đã hơn một tháng kể từ ngày các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh được hoạt động trở lại. Thế nhưng với các doanh nghiệp, để phương tiện của mình được hoạt động và thực sự “thoát lỗ” thì còn gặp nhiều thách thức. (Lưu Hà).
- Chuyển đổi số và “lá chắn” an toàn thông tin. Việc đẩy nhanh chuyển đổi số đang đặt ra nhiều thách thức với những bài toán cần lời giải trong đảm bảo an toàn thông tin. Để chuyển đổi số thành công, vấn đề an toàn thông tin cần được quan tâm đặc biệt và là yếu tố quan trọng không thể tách rời. An toàn thông tin được coi là điều kiện tiên quyết đảm bảo chuyển đổi số thành công của tổ chức, doanh nghiệp. (Nhĩ Anh).
- Châu Á mất 1,6 triệu việc làm “ăn theo’’ du lịch. Gần một phần ba tổng số việc làm bị mất có liên quan đến ngành du lịch. Trong đó, chỉ riêng năm quốc gia là: Brunei Darussalam, Mông Cổ, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đã mất 1,6 triệu việc làm liên quan đến du lịch. (Dũng Hiếu).
- Mỹ cùng nhiều quốc gia xả dự trữ dầu: giá dầu sẽ xuống thang? Mất kiên nhẫn với mức giá bán lẻ xăng dầu cao nhất 7 năm và tốc độ lạm phát cao nhất 3 thập kỷ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi một loạt các quốc gia tiêu thụ dầu lớn khác phối hợp xả dự trữ dầu lửa chiến lược nhằm kéo giá dầu xuống. Động thái này diễn ra sau khi OPEC+ liên tiếp phớt lờ đề nghị của Washington về tăng sản lượng mạnh hơn. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng nỗ lực này của Mỹ và các nước tham gia có thể không mang lại hiệu quả như mong đợi. (An Huy).