Đồng Baht mạnh đe dọa xuất khẩu của Thái Lan
Trong khi nhiều nền kinh tế khác chật vật vì đồng tiền giảm giá, Thái Lan lại gặp thách thức vì đồng Baht mạnh
Đồng Baht của Thái Lan đang tăng giá mạnh sau một đợt giảm chóng vánh vài tháng trước. Điều này đang khiến Chính phủ Thái Lan lo ngại về tác động đối với lĩnh vực xuất khẩu - tờ báo Nikkei cho hay.
"Chúng tôi cảm thấy lo ngại khi nhiều nhà đầu tư mua trái phiếu ngắn hạn của Thái Lan", Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Veerathai Santiprabhob phát biểu. "Chúng tôi có lượng vốn chảy vào lớn hơn so với các quốc gia láng giềng không có cán cân vãng lai mạnh như của chúng tôi".
Vị Thống đốc cũng nói Thái Lan chưa cần phải sớm tăng lãi suất. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Thái Lan gần đây đã có những dấu hiệu sắp thắt chặt chính sách tiền tệ sau khi dữ liệu thống kê cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng với tốc độ khá mạnh 4,6% trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái.
Gần đây, nhiều ngân hàng trung ương trong khu vực đã phải nâng lãi suất để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ, nhưng đồng Baht mạnh đã đặt Ngân hàng Trung ương Thái Lan vào một vị thế hoàn toàn khác.
Giữa tháng 8, tỷ giá Baht so với USD đạt mức 31,11 Baht đổi 1 USD, mức cao nhất kể từ tháng 10/2013. Các công ty xuất khẩu của Thái Lan phàn nàn rằng đồng Baht mạnh khiến họ khó cạnh tranh hơn ở thị trường nước ngoài.
Trước đó, vào giữa tháng 7, đồng Baht có lúc giảm còn 33,52 Baht/USD, cùng đợt đồng tiền các quốc gia mới nổi khác bị bán tháo mạnh và đồng USD tăng giá mạnh. Gần đây, tỷ giá Baht dao động quanh ngưỡng 32,6 Baht đổi 1 USD.
Tính từ đầu năm, Baht chỉ giảm giá 0,2% so với USD, so với mức giảm 8,4% của đồng Rupiah Indonesia và mức giảm 7,6% của đồng Peso Philippines.
Thặng dư tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối ở mức cao của Thái Lan được xem là những nhân tố quan trọng giúp đồng Baht giữ giá.
Thặng dư tài khoản vãng lai của Thái Lan tương đương 10,8% trong năm 2017, mức cao thứ 8 trên thế giới, theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Trái lại, một số nền kinh tế mới nổi khác như Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi có thâm hụt tài khoản vãng lai, và đồng tiền các nước này đều bị bán tháo mạnh thời gian gần đây.
Giới phân tích cho rằng các nhà đầu tư sẽ tiếp tục mua đồng Baht bởi dự báo Thái Lan sắp nâng lãi suất. Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã duy trì mức lãi suất 1,5% kể từ đợt giảm vào tháng 4/2015 đến nay, gần mức thấp kỷ lục 1,25%. Kể từ năm 2011, Thái Lan chưa lần nào nâng lãi suất.
Tuy nhiên, một số quan chức Chính phủ Thái Lan đã lên tiếng phản đối ý tưởng tăng lãi suất. Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này Apisak Tantivorawong nói: "Tôi đề nghị báo chí nói với Ngân hàng Trung ương Thái Lan rằng các nhà xuất khẩu đang phàn nàn về ảnh hưởng của đồng Baht mạnh. Nếu lãi suất sớm được nâng lên, thì vốn sẽ càng chảy mạnh vào, nên Ngân hàng Trung ương cần phải thận trọng".
Mặc dù vậy, giới đầu tư vẫn còn một lý do khác để mua đồng Baht. Thái Lan chuẩn bị bước vào một cuộc tổng bầu cử vào năm tới, đặt ra những tia hy vọng về sự trở lại của một chính quyền dân sự sau hơn 4 năm quân đội cầm quyền ở nước này.