Đóng bảo hiểm xã hội 15 năm, mức hưởng lương hưu tính thế nào?
Người lao động có thể chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội 15 năm để nhận được lương hưu, song cần tính toán để đảm bảo hài hòa giữa mức đóng và hưởng, cũng như cân đối quỹ Bảo hiểm xã hội trong dài hạn…
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang đề xuất rút ngắn thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu đề đủ điều kiện hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm.
Về mức lương hưu hằng tháng, dự thảo Luật đề xuất mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 20 năm đối với lao động nam; tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 15 năm đối với lao động nữ, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25%. Trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội tính hưởng lương hưu dưới 15 năm, thì mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25%.
Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ Bảo hiểm xã hội.
Ngoài mức lương hưu hằng tháng, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất hai phương án về chế độ trợ cấp một lần khi nghỉ hưu.
Theo đó, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
Phương án 1: Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Phương án 2: Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính băng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Đối với trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu, mà tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, thì mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội sau độ tuổi nghỉ hưu cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Trong giai đoạn 2016 - 2021, sau 6 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, có khoảng 661.000 người lao động nghỉ việc hưởng lương hưu hằng tháng (bình quân khoảng 110.000 người hưởng lương hưu mới/năm); trong đó có 435.000 người được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu (chiếm 65,8%). Điều này cho thấy cứ 3 người nghỉ hưu thì có khoảng 2 người có tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, việc điều chỉnh lương hưu trong giai đoạn 2016 - 2021 về cơ bản gắn với điều chỉnh mức lương cơ sở. Mặc dù vậy, thời điểm điều chỉnh lương hưu thường trùng với thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở vào giữa năm (tháng 7) thay vì điều chỉnh vào đầu năm, là chưa trùng với thời điểm điều chỉnh mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội khi tính lương hưu.
Điều này có thể làm tiềm ẩn nguy cơ chênh lệch lương hưu giữa một số nhóm đối tượng, nhất là giữa những người hưởng lương theo chế độ tiền lương Nhà nước quy định.
Nhiều năm theo dõi về lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng giảm năm đóng cũng cần tính toán đến nhiều vấn đề khác như đóng – hưởng thế nào, bảo đảm an toàn quỹ ra sao.
Theo ông Huân, quy định đóng bảo hiểm xã hội 20 năm thì có những người lao động rất khó để đủ điều kiện hưởng lương hưu, song khi giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội thì tốt hơn cho người lao động. Tuy nhiên, thời gian ít hơn nhưng hưởng tỷ lệ phần trăm nhiều thì an ninh của quỹ Bảo hiểm xã hội có thể không bảo đảm tính bền vững, đây là những vấn đề phải tính toán, xem xét kỹ trong lần sửa đổi này.