08:09 06/07/2025

Đồng Nai hoàn thiện chính sách, khơi thông vốn thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Thiên Di

Đồng Nai đang đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội bằng các giải pháp đồng bộ về chính sách và khơi thông nguồn vốn tín dụng. Đến cuối tháng 5/2025, tổng doanh số cho vay nhà ở xã hội trên địa bàn ghi nhận kết quả giải ngân tích cực, đạt hơn 108 tỷ đồng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhằm thúc đẩy nhà ở xã hội phát triển, tỉnh Đồng Nai đang triển khai các giải pháp đồng bộ về cơ chế chính sách và nguồn vốn tín dụng. Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định làm rõ các tiêu chuẩn, đối tượng và điều kiện tiếp cận nhà ở xã hội. Cùng với đó, ngành ngân hàng trên địa bàn nỗ lực đẩy mạnh dòng vốn tín dụng, đặc biệt là việc giải ngân gói ưu đãi 145.000 tỷ đồng đang có những kết quả tích cực.

LÀM RÕ ĐỐI TƯỢNG ƯU TIÊN ĐƯỢC MUA, THUÊ, THUÊ MUA NHÀ Ở XÃ HỘI

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai (mới) vừa ban hành Quyết định số 08/2025/QĐ-UBND, quy định chi tiết về tiêu chuẩn, đối tượng và điều kiện được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Theo đó, quyết định đã nêu rõ thứ tự ưu tiên cho các trường hợp mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Nhóm ưu tiên cao nhất bao gồm người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, người khuyết tật.

Tiếp theo là các đối tượng bị thu hồi đất, giải tỏa để thực hiện các dự án công mà không đủ điều kiện tái định cư; cán bộ, công chức, viên chức (đặc biệt là các trường hợp từ tỉnh Bình Phước (cũ) chuyển về, điều động, luân chuyển), mẹ đơn thân, nữ giới và người dưới 35 tuổi.

Một điểm đáng chú ý trong quy định mới là trường hợp người đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng cách xa nơi làm việc từ 20 km trở lên vẫn đủ điều kiện nộp hồ sơ, miễn là vị trí nhà ở xã hội đăng ký gần nơi làm việc hơn.

Quyết định cũng đưa ra các quy định nới lỏng điều kiện cho một số nhóm. Cụ thể, đối tượng thuê nhà ở xã hội sẽ không phải nộp hồ sơ xác nhận điều kiện về nhà ở và thu nhập. Tương tự, những người thuộc diện bị giải tỏa nhà ở để thực hiện các dự án công cũng không phải đáp ứng điều kiện về thu nhập khi mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Về phương thức xét duyệt, Quyết định nêu rõ các nhóm đối tượng ưu tiên hàng đầu (người có công, người khuyết tật, người bị giải tỏa...) sẽ không phải bốc thăm cạnh tranh với các nhóm khác, trừ trường hợp số hồ sơ trong chính các nhóm này vượt quá số lượng căn hộ cung cấp.

Quyết định này được ban hành nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật Nhà ở 2023 và các nghị định, nghị quyết liên quan, góp phần tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân tiếp cận nhà ở xã hội tại Đồng Nai.

GIẢI NGÂN TÍN DỤNG NHÀ Ở XÃ HỘI TÍCH CỰC

Liên quan đến tín dụng cho vay nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực 2, đến cuối tháng 5/2025, tổng doanh số cho vay nhà ở xã hội (theo chương trình giải ngân gói tín dụng 145.000 tỷ đồng, thực hiện theo Nghị quyết số 33 của Chính phủ) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đạt 108,73 tỷ đồng. Trong đó, doanh số cho vay khách hàng cá nhân để mua nhà là 69,97 tỷ đồng cho 113 khách hàng và cho vay chủ đầu tư là 38,76 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực 2, nếu đặt trong mối liên hệ so sánh với các tỉnh thành thuộc khu vực Đông Nam Bộ và điều kiện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai thì đây là mức giải ngân khá.

Trong đó, việc khởi công các dự án nhà ở xã hội trong thời gian tới cùng với những đổi mới về thể chế sẽ là yếu tố động lực và tác động tích cực đến xu hướng tăng trưởng tín dụng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng cuối năm và trong các năm tiếp theo.

Cụ thể, theo nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai (mới) trong năm 2025 sẽ khởi công, xây dựng 13 dự án nhà ở xã hội, với số căn hộ dự kiến xây dựng là 12.916 căn. Trong đó, dự kiến hoàn thành 3.161 căn.

“Đây sẽ là yếu tố thuận lợi, tạo nguồn cung nhà ở xã hội, tạo nhu cầu vay và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhà ở xã hội, khi các dự án được khởi công, thực hiện theo kế hoạch đề ra”, ông Lệnh cho biết.

Hình minh họa do AI thực hiện.
Hình minh họa do AI thực hiện.

Ông Nguyễn Đức Lệnh nhận định cơ chế chính sách về tín dụng được xem là đòn bẩy quan trọng, đặc biệt là gói 145.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi (6,6%/năm cho chủ đầu tư và 6,1%/năm cho người mua nhà). Chính sách này cùng với cơ chế riêng cho người dưới 35 tuổi, đang tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn.

Đồng thời, việc nguồn cung nhà ở xã hội gia tăng nhờ triển khai và khởi công các dự án mới được đánh giá là một yếu tố tích cực và là giải pháp thiết thực nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Sự kết hợp giữa nguồn cung gia tăng và chính sách tín dụng thuận lợi được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhà ở xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói 145.000 tỷ đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (mới).

“Điều này sẽ góp phần quan trọng vào việc tạo lập nhà ở cho người dân và cán bộ công chức, đặc biệt trong điều kiện đổi mới thể chế và sắp xếp địa lý hành chính, sáp nhập các tỉnh thành phố hiện nay”, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực 2 cho biết.

Bên cạnh đó, ông Lệnh cũng lưu ý các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh và các địa bàn thuộc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực 2 cần chủ động quan tâm, tiếp cận dự án, triển khai hiệu quả để hoàn thành mục tiêu Ngân hàng Nhà nước giao và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2025.