19:33 20/03/2024

Đồng Nai sẽ triển khai dự án cảng hàng không Biên Hòa

Thanh Thủy

UBND tỉnh Đồng Nai sẽ là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư dự án Cảng hàng không Biên Hòa theo phương thức đối tác công tư…

Sân bay quân sự Biên Hòa sẽ được đâu tư nâng cấp trở thành sân bay lưỡng dụng quân sự và dân sự - Ảnh minh họa
Sân bay quân sự Biên Hòa sẽ được đâu tư nâng cấp trở thành sân bay lưỡng dụng quân sự và dân sự - Ảnh minh họa

Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký văn bản số 175/TTg-CN về việc đầu tư Cảng Hàng không Biên Hòa theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư dự án Cảng Hàng không Biên Hòa theo phương thức đối tác công tư như đề nghị của UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ Giao thông Vận tải và ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan phối hợp, hỗ trợ UBND tỉnh Đồng Nai trong quá trình triển khai dự án.

Đồng thời, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các Bộ gồm: Giao thông Vận tải, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, một số địa phương đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư Cảng Hàng không mới theo phương thức đối tác công tư như Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng Hàng không Quảng Trị, Cảng Hàng không Sa Pa.

Các dự án này đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối vùng miền, kết nối quốc tế. Trong đó, Sân bay Vân Đồn đã đưa vào khai thác từ năm 2018, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và của quốc gia nói chung; Sân bay Quảng Trị đã lựa chọn nhà đầu tư và đang triển khai thực hiện; Sân bay Sa Pa đang tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.

Hiện, việc triển khai các dự án nêu trên đã ghi nhận những thành công bước đầu trong việc áp dụng chủ trương, chính sách về phân cấp, phân quyền, huy động nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước đối với kết cấu hạ tầng cảng hàng không.

Do đó, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất chủ trương giao UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án sân bay Biên Hòa.

Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan như: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm, phối hợp, hỗ trợ UBND tỉnh Đồng Nai trong quá trình thực hiện.

Trước đó, Đồng Nai đã giao các đơn vị xác định diện tích được bàn giao để nghiên cứu nâng cấp Biên Hòa thành sân bay lưỡng dụng, công suất dự kiến 5 triệu hành khách mỗi năm. Diện tích đất sân bay Biên Hòa khoảng 967 ha, có khả năng bố trí khoảng 50 ha để quy hoạch khu hàng không dân dụng.

Khi Sân bay Biên Hòa được đưa vào khai thác dân sự, Đồng Nai sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước sở hữu cùng lúc hai sân bay phục vụ dân sự - thương mại là Sân bay Quốc tế Long Thành và Sân bay lưỡng dụng Biên Hòa.

 

Dự án sân bay Biên Hoà tọa lạc tại phường Tân Phong, thuộc trung tâm của thành phố Biên Hoà (tỉnh Đồng Nai), cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 25 km và cách sân bay quốc tế Long Thành khoảng 32 km.

Sân bay Biên Hòa nằm ở vị trí đắc địa, có tầm quan sát tốt, lại ở cửa ngõ phía Đông Bắc TP.HCM, có hướng cất hạ cánh gần song song và cùng chiều với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, có đường băng cách nhau không xa nên thuận lợi trong việc cả hai sân bay cùng hoạt động.

Hiện, sân bay Biên Hòa đã có sẵn hai đường băng dài 3,6 km cùng hệ thống đường lăn, sân đỗ máy bay, kho tàng, hệ thống đài chỉ huy bay... Diện tích đất Sân bay Biên Hòa khoảng 967ha, có khả năng bố trí khoảng 50ha để quy hoạch khu hàng không dân dụng.