17:54 02/06/2022

Đồng Nai triển khai 7 dự án nhà ở xã hội

Thanh Xuân

Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết hiện có 7 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được triển khai thực hiện với tổng số lượng gần 8 ngàn căn. Trong đó có 6 dự án đang tiến hành xây dựng và đa số tập trung ở TP.Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, huyện Long Thành…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức vừa chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, địa phương về việc triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.

KHUYẾN KHÍCH XÂY DỰNG CHUNG CƯ CAO TẦNG

Tại cuộc họp, Sở Xây dựng tỉnh cho biết hiện có 7 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được triển khai thực hiện với tổng số lượng gần 8 ngàn căn. Trong đó có 6 dự án đang tiến hành xây dựng và đa số tập trung ở TP.Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, huyện Long Thành.

Ngoài ra các địa phương cũng chuẩn bị 10 khu đất với tổng diện tích hơn 30 ha để đưa ra đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư nhằm thực hiện xây dựng dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Đồng thời tiến hành rà soát những dự án có diện tích đất lớn, yêu cầu phải dành ra 20% quỹ đất để đầu tư nhà ở xã hội và đề nghị nhà đầu tư nhanh chóng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, giao đất cho các huyện, thành phố đầu tư dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.

Căn cứ tình hình thực tế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã chỉ đạo sở và ngành phối hợp với các địa phương nhanh chóng hoàn thành mọi thủ tục để tiến hành đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Đối với địa phương có công nghiệp phát triển, đông công nhân thì nên cố gắng sớm khởi công 2-3 dự án nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt về nhà ở cho người dân. Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khu nhà ở xã hội kiểu chung cư cao tầng để tăng số căn hộ bán và cho thuê đối với người thu nhập thấp trong tỉnh.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai, tại buổi làm việc với các sở, ngành về quy hoạch dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 được tổ chức mới đây, địa phương dự kiến từ nay đến 2025 sẽ hoàn thành 2,5 ngàn căn nhà ở xã hội có diện tích sàn khoảng 200 ngàn m2 với vốn đầu tư hơn 2,5 ngàn tỷ đồng.

Để những dự án nhà ở xã hội triển khai đúng kế hoạch, các sở, ngành nhấn mạnh: trong quy hoạch đô thị phải xác định cụ thể diện tích đất phát triển từng loại nhà ở, đặc biệt là đất xây dựng nhà ở xã hội. Các địa phương kiểm soát chặt chẽ chủ đầu tư nhà ở thương mại dành quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội.

Trường hợp chủ đầu tư không triển khai dự án hoặc triển khai chậm so với tiến độ được phê duyệt thì thực hiện thu hồi dự án và giao cho những nhà đầu tư có năng lực đầu tư, tránh lãng phí quỹ đất. Chọn các quỹ đất công phù hợp quy hoạch nhà ở xã hội tiến hành đấu thầu, hoặc đấu giá đất triển khai dự án. Nguồn vốn đầu tư dự án là từ quỹ phát triển nhà ở của tỉnh, ngân sách địa phương, ngân sách trung ương, vốn ODA, vốn doanh nghiệp, cá nhân…

Còn phía UBND tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo, các huyện, thành phố chủ động, tính toán và rà soát lại lần nữa nhu cầu về nhà ở xã hội của địa phương và đưa vào quy hoạch để trình UBND tỉnh. Với những khu vực đông công nhân, các địa phương không chỉ trông đợi vào quỹ đất công, hoặc quỹ đất 20% từ những dự án nhà ở thương mại để quy hoạch nhà ở xã hội, mà thực hiện quy hoạch riêng những dự án nhà ở xã hội để  có thể triển khai nhanh vào thời gian tới.

TIẾP TỤC ƯU TIÊN ĐẦU TƯ NHÀ Ở CHO CÔNG NHÂN

Liên quan đến vấn đề này, thông tin từ UBND tỉnh cho hay, trong các chuyến làm việc trực tiếp với Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vẫn nhắc nhở phải tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng nhà ở công nhân để giúp người lao động có nơi ở khang trang, đảm bảo cho sức khỏe. Do đó tỉnh đã cố gắng hoàn thành quy hoạch, thủ tục mời gọi doanh nghiệp đầu tư nhà ở công nhân và thúc đẩy nhanh các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội để sớm có sản phẩm đưa ra thị trường.

Đồng thời yêu cầu địa phương có khu công nghiệp phải thực hiện quy hoạch, ưu tiên triển khai dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội sao cho công nhân lao động có thu nhập thấp có thể mua, thuê căn nhà nhằm ổn định đời sống. Đặc biệt cũng cần tính toán cả nhà ở công nhân cho những khu công nghiệp sắp thành lập. Bởi không thể mua nhà nên nhiều lao động di cư tại Đồng Nai đang phải chen chúc ở các căn nhà trọ chật hẹp. Nhất là sau đợt dịch vừa qua, càng nhận thấy rõ sự bất cập của nhà trọ nhỏ vì đời sống của người lao động không được đảm bảo. 

Thực tế tại nhiều khu nhà trọ, hàng chục căn nhà trọ san sát, ẩm thấp. Để tiết kiệm diện tích mở rộng thêm phòng, các căn nhà trọ được xây dựng san sát, đối diện nhau với khoảng cách phòng chỉ khoảng 1m. Có những phòng diện tích từ 12-14m2 nhưng tới 4-6 người sinh sống, khi xảy ra dịch Covid-19, người lao động không đi làm việc nên phải ở tại nhà trọ chật chội nên nguy cơ lây lan dịch rất cao. Thời điểm dịch bệnh bùng phát ở Đồng Nai, công nhân lao động ở các nhà trọ nhiễm rất nhiều, thậm chí có những khu trọ hàng trăm người đã dương tính với Covid-19.

Không những thế nhiều khu nhà trọ còn mất an toàn, an ninh, xảy ra trộm cắp, thu tiền phòng, tiền điện, nước cao hơn so với quy định, một số nơi người lao động còn phải chịu nhiều thiệt thòi khi thuê nhà không có hợp đồng, dễ bị chủ trọ đuổi ngang.

Được biết trong Hội nghị đối thoại với đoàn viên công đoàn và người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, báo cáo về thực trạng nhà ở dành cho công nhân lao động đã nêu, Đồng Nai hiện có hơn 1,2 triệu lao động với đa số là người nhập cư vì vậy nhu cầu về nhà ở rất cao. Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 20 ngàn khu nhà trọ với khoảng 150 ngàn phòng trọ, đáp ứng được 450 ngàn chỗ ở cho người lao động. Về mức thuê trọ, 80% lao động cho biết giá thuê dưới 1-1,5 triệu đồng/tháng là phù hợp do khả năng tài chính của họ.