Đồng Nai ưu tiên vaccine tiêm cho lao động trong doanh nghiệp “3 tại chỗ”
Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA) vừa có văn bản số 3548/KCNĐN-LĐ yêu cầu các doanh nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “Một cung đường, hai địa điểm” trong các khu công nghiệp lập danh sách tất cả người lao động trong doanh nghiệp chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 gửi về DIZA để kịp thời phân bổ vaccine đầy đủ...
Theo đó, DIZA hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai cho người lao động cài đặt phần mềm Sổ sức khỏe điện tử để theo dõi việc tiêm chủng.
ƯU TIÊN VACCINE TIÊM CHO LAO ĐỘNG TRONG KHU CÔNG NGHIỆP
Để thuận lợi cho việc đăng ký danh sách, DIZA hướng dẫn các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tại TP. Biên Hòa đăng ký với Phòng Lao động tổng hợp; khu vực huyện Trảng Bom đăng ký với Phòng Quản lý doanh nghiệp tổng hợp; khu vực huyện Nhơn Trạch đăng ký với Văn phòng đại diện Ban Quản lý tại các khu công nghiệp; khu vực TP.Long Khánh và các huyện còn lại đăng ký với Phòng Quản lý đầu tư tổng hợp.
Danh sách người lao động chưa được tiêm vaccine trong các doanh nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “một cung đường, hai địa điểm” tại các khu công nghiệp sẽ gửi Sở Y tế tỉnh Đồng Nai phân để bổ vaccine và tổ chức lịch tiêm gấp. Kế hoạch của tỉnh là đẩy nhanh tiêm vaccine cho người lao động trong các nhà máy để sau ngày 20/9/2021, từng bước khôi phục lại sản xuất bình thường.
Hiện trong các khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai có hơn 610.000 người lao động. Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp có đông lao động đã được ưu tiên đủ vaccine phòng Covid-19 để tiêm phòng mũi 1, còn lại đạt 30 - 40%.
Trước đó, vào tháng 8/2021, DIZA nhận được văn bản của nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai, nhất là các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh, trong đó có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đề nghị xem xét, hỗ, tiếp cận nguồn và ưu tiên vaccine tiêm cho lãnh đạo, công nhân viên, lao động của doanh nghiệp. Sau đó, DIZA đã có Văn bản số 2852/KCNĐN-VP trả lời cho các doanh nghiệp Đồng Nai. Cụ thể, DIZA cho biết, chủ trương của chính quyền tỉnh Đồng Nai là cố gắng tìm nguồn vaccine Covid-19 nhiều nhất có thể cho tỉnh nhà. “Tuy nhiên, nguồn vaccine được Trung ương, Bộ Y tế phân bổ chưa thể đáp ứng cho 100% người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Do đó, tỉnh có kế hoạch sẽ lần lượt phân bổ vaccine cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, trong đó có các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp”, DIZA cho hay.
Tính đến sáng ngày 20/9/2021, thông tin từ Trung tâm Chỉ huy điều hành phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai (CDC Đồng Nai) cho biết, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận thêm 906 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 toàn tỉnh lên gần 41.000 ca. Trong đó, hơn 20.300 trường hợp đã được điều trị khỏi bệnh, 382 ca tử vong, còn hơn 20.100 bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị. Thành phố Biên Hòa dẫn đầu số ca nhiễm Covid-19 toàn tỉnh với hơn 15.900 ca, tiếp đến là huyện Nhơn Trạch với hơn 10.000 ca, huyện Vĩnh Cửu hơn 9.100 ca, huyện Trảng Bom hơn 3.000 ca. Các huyện còn lại có số ca nhiễm Covid-19 từ 22 - 842 ca.
Về tiến độ tiêm vaccine Covid-19, CDC Đồng Nai cho biết, tỉnh đã sử dụng hơn 1,8 triệu liều vaccine để tiêm cho hơn 1,7 triệu người, chiếm tỷ lệ 77,8% số người từ 18 tuổi trở lên trong tỉnh. Hiện vẫn còn 16.246 liều vaccine chưa được tiêm; trong đó 500 ngàn liều vaccine VeroCell của Sinopharm của đợt 9 vẫn chưa về.
8 THÁNG, ĐỒNG NAI THU HÚT 975 TRIỆU USD VỐN FDI
Đồng Nai là một trong những tỉnh thu hút đầu tư FDI rất lớn, và là một trong năm địa phương dẫn đầu cả nước về nộp ngân sách cao. Đồng Nai cũng là địa phương duy nhất 8 năm liền xuất siêu cao nhất cả nước (2013 – 2020).
Trong đợt bùng phát làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, nhằm duy trì sản xuất, Đồng Nai có 1.143 doanh nghiệp đăng ký thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”, chiếm 73,3% tổng số doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp FDI thực hiện phương án “3 tại chỗ” nhưng không thể kéo dài quá 2 tuần đã phải dừng hoạt động; số còn lại tiếp tục duy trì sản xuất cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng thời gian qua, các doanh nghiệp tại Đồng Nai vẫn cố gắng duy trì sản xuất kinh doanh. Tính đến nay, Đồng Nai đã thu hút 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh với 1.559 dự án với tổng vốn đăng ký gần 32,35 tỷ USD. Riêng 8 tháng đầu năm 2021, Đồng Nai thu hút vốn FDI được hơn 975 triệu USD, vượt kế hoạch năm 2021 khoảng 270 triệu USD.
Mới đây, ngày 18/9/2021, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Đồng Nai. Các hiệp hội, doanh nghiệp FDI kiến nghị về những vướng mắc liên quan đến vấn đề mở cửa để khôi phục sản xuất kinh doanh, như: Ưu tiên vaccine ngừa Covid-19 để tiêm cho toàn bộ người lao động mũi 1, mũi 2; vấn đề chuyên gia nhập cảnh vào Đồng Nai để làm việc trong các công ty; việc thông thương hàng hóa, đưa đón lao động trở lại nhà máy làm việc,...
Tiếp thu ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp, hiệp hội trên địa bàn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, tỉnh đã xây dựng kế hoạch ưu tiên vaccine để tiêm phòng cho doanh nghiệp và phủ rộng toàn dân và đến nay tỷ lệ đạt 76% mũi 1 cho toàn dân. Vẫn theo ông Cao Tiến Dũng, hiện nay tỉnh đã có văn bản đề nghị Chính phủ tiếp tục ưu tiên vaccine cho Đồng Nai để tiêm cho 100% người trong độ tuổi nhằm mở cửa khôi phục lại kinh tế bình thường. “Tỉnh giao cho Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh hướng dẫn thông thương hàng hóa, không gây cản trở cho doanh nghiệp. Tỉnh cũng sẽ giải quyết nhanh việc nhập cảnh của các chuyên gia nước ngoài, nếu các sở ngành nào gây khó khăn, doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp với lãnh đạo tỉnh”, Chủ tịch Cao Tiến Dũng nói.
Về vấn đề các doanh nghiệp đề xuất cho người lao động từ vùng vàng, cam, đỏ trở lại nhà máy để sản xuất hoặc từ nhà máy trở về nơi cư trú, người đứng đầu chính quyền tỉnh Đồng Nai cho hay, sẽ xem xét, nhanh chóng mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng vàng, cam, đỏ, để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất tốt hơn. Việc mở cửa và chấp thuận cho doanh nghiệp giải quyết số lao động đến, về phải tăng từ từ, nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh nên tỉnh mong muốn doanh nghiệp cùng chia sẻ và hợp tác.