13:35 27/10/2022

Dòng tiền vẫn đổ vào các dự án startup Crypto 

Đỗ Phong

Mặc dù thị trường Crypto đang có xu hướng giảm nhưng trong năm 2022 vẫn ghi nhận hoạt động sôi nổi của thị trường gọi vốn toàn cầu với số lượng thương vụ và giá trị đầu tư vào các dự án cao hơn các năm trước...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo các dữ liệu thống kê của Messari và Coin98 Insights, thị trường gọi vốn Crypto (tiền kỹ thuật số) trên toàn cầu từ năm 2017 đến nay đã ghi nhận 3.495 thương vụ gọi vốn được công bố. Số thương vụ và giá trị gọi vốn các năm qua cho thấy thị trường gọi vốn đang ngày càng sôi động. Cụ thể, từ năm 2017 tới nay, số lượng dự án và tổng số tiền gọi vốn đang có xu hướng tăng, trong đó tăng mạnh nhất năm 2021 và 2022.

SỐ THƯƠNG VỤ VÀ GIÁ TRỊ ĐẦU TƯ TĂNG MẠNH

Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 1.390 thương vụ gọi vốn thành công với tổng giá trị khoảng 35 tỷ USD, cao hơn cả năm 2021. Với số vòng gọi vốn thành công ghi nhận trong năm 2022 đã chiếm khoảng 40% trong tổng số vòng gọi vốn từ trước tới nay của thị trường Crypto. Cụ thể, trong quý 1/2022, toàn thị trường ghi nhận hơn 540 thương vụ với tổng số tiền gần 14,8 tỷ USD. Sang quý 2, có sự tăng mạnh cả về số thương vụ (655) và tổng giá trị (hơn 15,488 tỷ USD).

Tuy nhiên, trong quý 3/2022, các dự án Crypto gọi được số vốn trung bình ít hơn hai quý trước đó. Cụ thể, trong quý 3 chỉ có 386 dự án gọi vốn thành công khoảng 5 tỷ USD, với số tiền gọi vốn trung bình khoảng 13 triệu USD, ít hơn quý 2 với 23,6 triệu USD và quý 1 với 27 triệu USD.

Thị trường gọi vốn Crypto từ 2017 đến nay. (Nguồn: coin98 insights)
Thị trường gọi vốn Crypto từ 2017 đến nay. (Nguồn: coin98 insights)

Nhìn lại 9 tháng qua, số lượng dự án gọi vốn và tổng số tiền gọi vốn thành công đạt đỉnh vào tháng 4 với hơn 225 dự án đạt gần 7 tỷ USD và tiếp tục được duy trì trong tháng 5/2022.

Riêng trong tháng 9, có 97 dự án gọi vốn thành công với số tiền khoảng 1,5 tỷ USD, giảm tương ứng khoảng 57% và 78% so với tháng 4. Có thể thấy trong năm nay, tốc độ “chốt deal” của các quỹ đầu tư (VC) đã giảm dần theo xu hướng giảm chung của thị trường Crypto.

Theo thống kê, thị trường Crypto hiện có khoảng trên 3.000 quỹ đầu tư nằm ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Riêng từ đầu năm đến nay, thị trường xuất hiện thêm hơn 180 quỹ với tổng giá trị lên tới gần 54 tỷ USD. Tính trung bình, mỗi quỹ đầu tư khoảng gần 300 triệu USD vào thị trường Crypto. Mục tiêu chính của những quỹ mới hình thành nhằm thúc đẩy sự phát triển của toàn thị trường Crypto thông qua việc đầu tư vào các dự án startup thuộc lĩnh vực hoạt động của quỹ.

Quan sát các vòng gọi vốn thành công trong năm 2022, giới chuyên môn nhận thấy thị trường đang bước vào giai đoạn cạnh tranh khi dòng tiền đầu tư vào các dự án gọi vòng sau hạt giống (Series A, B…) ngày càng nhiều so với dự án gọi vốn vòng hạt giống.

Xu hướng đầu tư của các quỹ vẫn tập trung vào các vòng Pre-seed (tiền hạt giống) và Seed (hạt giống). Vòng Pre-seed hoặc Seed sẽ gọi số vốn trung bình dao động trong khoảng 1,7- 6,8 triệu USD. Các quỹ với quy mô nhỏ hoặc lớn đều có thể tiếp cận các vòng này. Do đó, sau con sóng tăng năm 2020-2021, vòng Pre-seed và Seed vẫn chiếm vị trí chủ đạo trong bối cảnh thị trường Crypto.

Bức tranh vốn đầu tư dự án Crypto 9 tháng qua
Bức tranh vốn đầu tư dự án Crypto 9 tháng qua

Trong năm nay, có khoảng 200 vòng Series A gọi vốn thành công với tổng giá trị khoảng 4,7 tỷ USD. Tuy nhiên, số vòng Seed gọi vốn thành công chiếm khoảng 700 vòng (gấp 3,5 lần vòng Series A) với số tiền khoảng 4,8 tỷ USD. Như vậy, các quỹ đang tập trung dòng vốn đầu tư vào cả vòng Seed lẫn Series A.

Điều này cho thấy các quỹ có xu hướng đầu tư vào các dự án đã đạt được những thành công bước đầu. Được các quỹ tiếp tục rót vốn vào Series A, nghĩa là dự án đã bước qua giai đoạn đầu tại vòng Seed và chứng minh mình đang sở hữu mô hình kinh doanh hoạt động tốt. Tại những vòng tiếp theo như Series B, C, D… số dự án gọi vốn thành công và tổng giá trị gọi vốn có xu hướng giảm dần.

Trong số các dự án được rót vốn đầu tư từ đầu năm đến nay, các dự án thuộc mảng Web3 được các quỹ đầu tư săn nhiều nhất. Đặc biệt, giữa năm 2022, mỗi tháng có khoảng gần 100 dự án Web3 gọi vốn thành công. 

Kết thúc tháng 9, số dự án Web3 và Infrastructure gọi vốn thành công lần lượt là 34 và 28. Trong khi đó, số dự án gọi vốn thành công ở nhóm DeFi là 15, CeFi là 8, NFTs là 12. Có thể thấy, xu hướng đầu tư của các quỹ thay đổi theo diễn biến xấu của thị trường. Mảng Web3 và Infrastructure được đầu tư nhiều hơn những dự án thuộc mảng DeFi, CeFi và NFTs.

Riêng trong quý 3, mảng Web3 và Infrastructure có số lượng gọi vốn thành công cao nhất. Số lượng dự án thuộc nhóm Web3 gọi vốn thành công lên tới 168 vòng gọi vốn với tổng giá trị khoảng 1,8 tỷ USD.

ĐỔ TIỀN VÀO CÁC DỰ ÁN WEB3 VÀ BLOCKCHAIN

Nhóm Gaming với khoảng 84 dự án gọi vốn thành công với tổng số tiền gần 600 triệu USD. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường đã tồn tại những dự án Gaming nổi bật như Axie Infinity hoặc The Sandbox từng có vốn hóa vài tỷ tới chục tỷ USD, việc trong tương lai xuất hiện một hay nhiều dự án gaming có mức vốn hóa tương tự là điều có thể xảy ra.

Với nhóm Metaverse, có khoảng 15 dự án gọi vốn thành công với tổng giá trị khoảng 200 triệu USD. Xu hướng Metaverse nổi lên từ cuối năm 2021 và những dự án thuộc mảng này vẫn tiếp tục gọi vốn thành công.

Cùng với Web3, nhiều dự án Blockchain trong nhóm Infrastructure được các quỹ đầu tư mạnh. Nhóm này có hơn 70 vòng gọi vốn thành công với tổng số tiền gần 1,7 tỷ USD. Trung bình mỗi dự án gọi được 23 triệu USD.

Dòng tiền vẫn đổ vào các dự án startup Crypto  - Ảnh 1

Nhóm Infrastructure có nhiều thương vụ “khủng” và được các quỹ tích cực đầu tư, bởi đây là nhóm tạo nền móng cho thị trường Crypto với các dự án Blockchain nền tảng. Ngay cả trong thời điểm thị trường diễn biến phức tạp vẫn có 13 dự án Blockchain gọi vốn thành công trong quý 3/2022, với tổng trị giá gần 900 triệu USD.

Trong quý 3, có khoảng 53 dự án nhóm DeFi gọi vốn thành công với tổng giá trị gọi vốn khoảng 580 triệu USD. Tính trung bình, mỗi dự án gọi được khoảng 11 triệu USD. Nếu so sánh với nhóm Web3 hoặc Infrastructure, có thể thấy dòng tiền do các quỹ đầu tư vào nhóm DeFi ngày càng ít. Nhóm NFT có khoảng 45 dự án gọi vốn thành công, với tổng số tiền hơn 500 triệu USD.

Thị trường Crypto năm 2022 đang trong xu hướng giảm, nhưng dữ liệu gọi vốn đang cho thấy những tín hiệu tích cực cho sự phát triển về dài hạn. Các chuyên gia nhận định khi thị trường đang downtrend sẽ ảnh hưởng lớn tới các quỹ đầu tư phải xem xét lại hệ thống danh mục đầu tư, phải chắt chiu, lựa chọn dự án.

Chia sẻ về cơ hội thu hút đầu tư vào các dự án công nghệ mới như Blockchain nói chung của startup, ông Huy Nguyễn, đồng sáng lập kiêm CEO startup KardiaChain, cho rằng khi một công nghệ mới như Blockchain ra đời sẽ thu hút lượng vốn đầu tư rất lớn. Do đó, những dự án startup trong lĩnh vực này ở Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự sôi động của thị trường.

Việt Nam đang ở top 10 các quốc gia có mức độ chấp nhận, quan tâm, hiểu và nói về Blockchain. Về mặt công nghệ, kỹ thuật và sản phẩm, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng, đang ở mức 20-30 nước trên thế giới có sản phẩm giải pháp được biết đến.

Nguồn tiền đầu tư vào những công nghệ mới là rất lớn. Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới cũng đầu tư cả tỷ USD cho các công nghệ này. Chuyên gia khẳng định lần đầu tiên Việt Nam có cơ hội đi ngang hàng để thu hút những dòng tiền đầu tư đó.

Còn theo đại diện một quỹ khởi nghiệp, Blockchain là một trong những ngành đang hút dòng vốn mạnh nhất hiện nay. Việt Nam hoàn toàn có thể nằm trong top 10 trên thị trường và là một trong những cái nôi sản sinh ra những dự án sản phẩm Blockchain tốt nhất thế giới. Tỷ lệ vốn rót vào các startup lĩnh vực Blockchain có thể chiếm 1/3 tổng số vốn đầu tư vào startup ở thị trường Việt Nam.

Trong 6 tháng cuối năm 2021, các dự án Blockchain đến từ Việt Nam đã gọi được khoảng hơn nửa tỷ USD. Thị trường và startup Việt Nam rất nhạy bén, thức thời và bắt nhịp rất nhanh với các xu hướng công nghệ mới tiềm năng, hấp dẫn như Blockchain với dòng tiền đổ vào rất lớn và nhanh hơn so với các lĩnh vực công nghệ khác. Tuy nhiên, nếu không có hành động nhanh hơn, có thể sẽ lỡ những cơ hội thu hút dòng tiền đầu tư trong lĩnh vực này.