Dòng tiền yếu là rủi ro lớn nhất của VN-Index
Tháng 2, VN-Index ghi nhận một tháng giảm điểm và gần như lấy đi hết thành quả phục hồi của tháng trước đó và cũng qua đó, dự báo một tháng mới sẽ rất khó khăn...
VnEconomy giới thiệu nhận định và khuyến nghị đầu tư của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường ngày 1/3/2023.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/2, Chỉ số VN-Index tăng 3,43 điểm, tương ứng 0,34%, lên 1024,68 điểm. Chỉ số HnxIndex giảm 0,89 điểm, tương ứng 0,44%, xuống 202,38 điểm.
Thanh khoản thấp, khả năng VN-Index sẽ tạm thời tìm trạng thái cân bằng tại 1.000-1.018
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC)
“Trong bối cảnh thanh khoản thấp như hiện tại, chúng tôi cho rằng thị trường sẽ tạm thời tìm được trạng thái cân bằng tại vùng hỗ trợ 1000-1018 điểm trong các phiên tuần này.
Nhà đầu tư cầm tiền mặt nói chung tiếp tục giữ vị thế quan sát thị trường trong tuần này. Đối với hoạt động trading ngắn, khi VN-Index kiểm định vùng hỗ trợ 1000-1018 điểm, nhà đầu tư có thể xem xét mở các vị thế mua trading với tỷ trọng hợp lý, tập trung vào một số nhóm cổ phiếu liên quan đến các ngành như chứng khoán, thép, xi măng, đầu tư công…”.
Kỳ vọng VN-Index có thể tìm được điểm cân bằng trong vùng 1.020-1.030
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC)
"Ngưỡng 1,030 giờ lại trở thành ngưỡng kháng cự mà VN-Index không thể vượt qua trong ngày hôm nay. Chỉ số kết phiên tại mốc 1,024.68 điểm, tăng nhẹ hơn 3 điểm so với phiên hôm qua. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 14/19 ngành tăng điểm, trong đó ngành Thực phẩm và đồ uống, Hàng cá nhân & Gia dụng tăng tốt nhất.
Ở chiều ngược lại, ngành Bán lẻ dẫn đầu đà giảm. Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này bán ròng nhẹ trên sàn HSX và tiếp tục mua ròng trên sàn HNX. Đà giảm đã có dấu hiệu chững lại trong ngày hôm nay. Trong những phiên giao dịch tiếp theo, BSC kỳ vọng VN-Index có thể tìm được điểm cân bằng trong vùng 1,020-1,030".
Xu hướng hồi phục đang yếu dần và biên độ của vùng dao động cũng rộng hơn
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội - SHS)
"Phiên hôm nay thị trường nỗ lực phục hồi sau 5 phiên giảm điểm liên tiếp nhưng phiên phục hồi chỉ ở mức độ rất hạn chế. Kết thúc phiên VN-Index tăng nhẹ 3,43 điểm (+0,34%) và đóng cửa ở 1024.68 điểm với khối lượng dao dịch tiếp tục giảm thấp dưới trung bình 20 phiên. Với điểm số như vậy VN-Index vẫn chưa thực sự gãy hẳn kênh hồi phục ngắn hạn nhưng đã gần như quay trở lại kênh downtrend trung hạn.
Tất nhiên, với mức vi phạm chưa thực sự dứt khoát nên chưa thể xác nhận ngay VN-Index sẽ trở lại xu hướng downtrend bởi thị trường vẫn có thể hồi phục sau một đợt rũ mạnh. Tuy nhiên với trạng thái hiện tại rõ ràng thị trường đang trở nên xấu đi, xu hướng hồi phục đang yếu dần và biên độ của vùng dao động cũng rộng hơn.
Xét về xu hướng ngắn hạn thị trường đang trong khu vực rủi ro cao và có nguy cơ thoát khỏi kênh hồi phục để trở lại xu hướng downtrend trung hạn, các cơ hội đầu tư ngắn hạn sẽ không đáng tin cậy trong giai đoạn này nếu như VN-Index không tiếp tục hồi phục trong các phiên tới.
Với góc nhìn trung -dài hạn, toàn bộ giai đoạn phục hồi vừa qua chỉ là một đợt phục hồi với biên độ rộng sau khi VN-Index hình thành đáy trung hạn (vùng 920-950 điểm), chúng tôi vẫn dự báo thị trường đang trong giai đoạn hướng tới khu vực cân bằng mới để tích lũy trở lại, khu vực tích lũy cân bằng trở lại sẽ được xác nhận khi VN-Index dao động với biên độ hẹp dần và khối lượng dao dịch tiếp tục giảm xuống thấp gần như cạn kiệt, hiện tại tín hiệu về khối lượng đang giảm thấp cho thấy có thể VN-Index sắp bước vào giai đoạn tích lũy cân bằng đó nhưng biên độ dao động cần phải thu hẹp hơn nữa.
Thị trường mặc dù có thể đã qua đáy trung hạn nhưng sẽ cần nhiều thời gian để cân bằng trở lại trước khi có xu hướng mới. Về vĩ mô trong ngắn hạn những tín hiệu giảm lãi suất của các NHTM là tín hiệu tích cực, tuy nhiên ẩn số đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp là chưa thể định lượng và xu hướng giảm lãi là không chắc chắn, Kinh tế toàn cầu vẫn đang trong giai đoạn khó khăn với nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát vẫn cao và lãi suất tiếp tục tăng, cuộc xung đột Nga - Ukraine có xu hướng leo thang tiếp tục gây bất ổn cho kinh tế toàn cầu. Về mặt kỹ thuật thị trường đang trong khu vực điều chỉnh của đợt hồi phục sau khi tạo đáy trung hạn, và như chúng tôi nhận định thị trường đang đi tìm khu vực cân bằng, với nhà đầu tư trung, dài hạn thì cơ hội giải ngân vẫn xuất hiện trong giai đoạn điều chỉnh hiện nay.
Về ngắn hạn thị trường đang trong khu vực rủi ro khi nguy cơ VN-Index trở lại vận động trong kênh downtrend trung hạn đang tăng lên do đó các cơ hội giải ngân ngắn hạn hàm chứa nhiều rủi ro. Cơ hội giải ngân chỉ xuất hiện nếu nhà đầu tư giải ngân với mục tiêu trung - dài hạn vớimục tiêu giải ngân nên hướng tới các nhóm cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu đang tích lũy và không bị điều chỉnh sâu, có kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong năm nay. Chiến lược giải ngân trung - dài hạn nên là giải ngân dần theo xu hướng điều chỉnh của thị trường".
Dòng tiền yếu nên VN-Index chưa xuất hiện nhịp hồi đủ tốt
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC)
“Thị trường có diễn biến tăng nhẹ và có dấu hiệu duy trì trên ngưỡng hỗ trợ 1.015 điểm của VN-Index, tương ứng với vùng 1.000 điểm của VN30-Index. Tuy nhiên, dòng tiền hỗ trợ còn tương đối yếu ớt và chưa thể giúp VN-Index xuất hiện nhịp hồi phục đủ tốt để vượt qua cản ngắn hạn 1.035 -1.040 điểm. Dự kiến, chỉ số giằng co với biên độ 1.015-1.040 điểm trong vài phiên sắp tới, trước khi có tín hiệu về xu hướng tiếp theo. Do vậy, quý nhà đầu tư tiếp tục quan sát diễn biến cung cầu tại vùng hỗ trợ và tạm thời vẫn nên chủ động cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro khi VN-Index chạm vùng cản 1.040 điểm trong thời gian tới”.
Rủi ro điều chỉnh của VN-Index đang có phần lấn át
(Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam - KBSV)
“VN-Index tăng điểm tích cực trong phiên trước khi suy yếu và đánh mất một phần thành quả đạt được về cuối phiên. Việc hình thành mẫu nến spinning trung tính về cuối phiên cho thấy áp lực cả bên mua và bên bán đang khá cân bằng và khiến cho trạng thái thị trường trở nên bớt tiêu cực hơn. Mặc dù vậy, rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh của VN-Index trong các phiên tiếp theo vẫn đang có phần lấn át với ngưỡng kháng cự gần được đặt quanh 103x. Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ vị thế trading trong các nhịp hồi sớm và đưa tỷ trọng về mức an toàn”.
Rủi ro lớn nhất của VN-Index là thanh khoản ở mức thấp
(Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam – YSVN)
“Chúng tôi cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm trong phiên kế tiếp. Điểm rủi ro lớn nhất là thanh khoản ở mức thấp tại nhịp hồi cho thấy dòng tiền ngắn hạn vẫn yếu và các nhà đầu tư chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường. Đồng thời, chỉ số VN-Index vẫn có thể tiếp tục giảm và kiểm định lại vùng 985 – 1,000 điểm trong vài phiên tới. Ngoài ra, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao và chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn rất bi quan với diễn biến hiện tại.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục ưu tiên hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức thấp. Trong trường hợp nếu chỉ số VN-Index giảm mạnh về vùng 985 – 1,000 điểm thì các nhà đầu tư cần hạn chế bán tháo hoặc dừng bán”.
Tháng 3 vẫn sẽ khó khăn và VN-Index khó lòng chạm lại được vùng đỉnh 1085 – 1125 điểm trước đó
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt – TVSI)
"VN-Index hồi phục nhẹ phiên cuối tháng nhưng không thể thay đổi xu hướng giảm giá hiện tại. Tháng 2, VN-Index ghi nhận một tháng giảm điểm và gần như lấy đi hết thành quả phục hồi của tháng trước đó và cũng qua đó, dự báo một tháng mới sẽ rất khó khăn.
VN-Index kết phiên ở 1024.68 điểm (+3.43 điểm) và VN30 đóng cửa ở 1014.96 điểm (+3.5 điểm). Thanh khoản giao dịch trong phiên hôm nay lại giảm trở lại và thanh khoản giao dịch khớp lệnh sàn HSX tiếp tục ghi nhận chạm vùng đáy giá trị giao dịch trong vòng 1 năm với mức 5,272 tỷ đồng. Số mã tăng điểm chiếm ưu thế nhẹ trong phiên phục hồi hôm nay với 48% số mã tăng điểm trên HSX. Số mã giảm chiếm 33% và còn lại 19% là số mã tham chiếu. Khối ngoại bán ròng rất nhẹ trên HSX ngày hôm nay với giá trị 0.45 tỷ đồng. Lực mua ròng tập trung vào các cổ phiếu: VNM, PVD, PC1, VIC, POW…Ở chiều ngược lại, họ bán ròng ở các cổ phiếu: HPG, DXG, KDC, NLG, KDH…
VN-Index kết phiên với cây nến Doji với giá đóng cửa cao hơn phiên trước đó cho thấy tín hiệu tạm ngưng đà giảm. Tuy nhiên, với thanh khoản giao dịch ở vùng thấp nhất hiện tại thì chỉ số sẽ khó lòng phục hồi mạnh. Kết tháng với cây nến giảm mạnh bao phủ gần hết cây nến tăng giá tháng trước đó đi kèm thanh khoản gia tăng cho thấy khả năng cao VN-Index sẽ phải kiểm tra lại vùng đáy trước đó một lần nữa. Chúng tôi dự báo tháng 3 vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn và chỉ số sẽ khó lòng chạm lại được vùng đỉnh 1085 – 1125 điểm trước đó.
Xu hướng ngắn hạn của chỉ số vẫn là giảm điểm. Nhà đầu tư hiện tại không nên mua mới và nên canh hạ tỷ trọng cổ phiếu ngắn hạn khi có nhịp hồi phục. Kháng cự ngắn hạn trong tuần này của chỉ số là vùng cân bằng trước đó quanh 1030 – 1035 điểm".
Nhịp giảm ngắn hạn của thị trường vẫn có thể tiếp diễn để tìm lực cầu bắt đáy
(Công ty Cổ phần Chứng khoán MB - MBS)
“Thị trường trong nước cắt mạch giảm 5 phiên liên tiếp khi phục hồi nhẹ nhờ nhóm cổ phiếu Vn30 và Midcap. Dòng tiền vẫn chưa hào hứng bắt đáy dù phần lớn thời gian giao dịch trong phiên chiều thị trường chịu sức ép giảm điểm và độ rộng thị trường nghiêng về bên mua. Tín hiệu tích cực là sau hơn 2 tuần bán ròng, khối ngoại đã quay lại mua ròng.
Thanh khoản trên toàn thị trường chỉ còn 7.240 tỷ đồng, tăng 32,28% so với phiên hôm qua, đây cũng là mức thanh khoản thấp nhất kể từ đầu năm.
Nhịp giảm của thị trường bị chắn ngang nhưng dòng tiền không hào hứng, phiên sáng chỉ số tăng thì thanh khoản thấp, sang phiên chiều thị trường chịu áp lực bán cắt lỗ thanh khoản mới tăng, về tổng thể thì đây vẫn là phiên có mức thanh khoản thấp nhất kể từ đầu năm cho thấy nhịp giảm ngắn hạn của thị trường vẫn có thể tiếp diễn để tìm lực cầu bắt đáy. Do vậy, nhà đầu tư tránh mua đuổi trong các nhịp tăng, trading với tỷ trọng cổ phiếu thấp khi thanh khoản đang ở mức thấp”.
VN-Index có thể ghi nhận các nhịp hồi kỹ thuật
(Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI –SSI)
“VN-Index nỗ lực hồi phục từ đầu ngày và lấp lại khoảng trống giảm giá (Gap-down) hình thành trong phiên liền trước. Mặc dù vậy lực cung gia tăng xuyên suốt phiên chiều khiến chỉ số thu hẹp biên độ. Theo đó, VN-Index đóng cửa chỉ còn tăng nhẹ 0,3%, đạt hơn 1024,68 điểm với mẫu hình nến Doji trên đồ thị ngày. Khối lượng giao dịch tiếp tục ghi nhận ở mức thấp nếu so với bình quân 20 phiên, đạt hơn 361,7 triệu cổ phiếu.
Trên đồ thị ngày, MA 20 đang hướng xuống trong khi MACD tiếp tục tiến sâu trong khu vực dưới 0. Mặc dù thị trường có thể ghi nhận các nhịp hồi phục kỹ thuật, tuy nhiên trong bối cảnh VN-Index vẫn đang vận động trong xu hướng Giảm ngắn hạn, nhiều khả năng chỉ số thị trường sẽ tìm điểm cân bằng quanh các vùng hỗ trợ phía dưới (ví dụ: 1000 điểm)”.
Lực hồi phục yếu có thể khiến lực bán gia tăng
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt – VCSC)
“Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn và trung hạn của những VN-Index, VN30, VNMidcap, VNSmallcap và HNX-Index không có sự thay đổi so với phiên trước đó, duy trì ở trạng thái Tiêu cực khi nằm ở dưới các đường EMA ngắn hạn và trung hạn.
Dự báo trong phiên ngày mai, lực hồi phục yếu có thể sẽ khiến lực bán gia tăng và chiếm ưu thế trở lại. Theo đó, VN-Index có thể sẽ giảm để kiểm định hỗ trợ gần nhất tại 1020 điểm, nếu phá vỡ mốc này, chỉ số sẽ tiếp tục thoái lui xuống ngưỡng thấp hơn quanh vùng 1007 điểm trước khi có thêm sự hỗ trợ từ lực cầu.
Tiếp tục vi phạm hỗ trợ này, VN-Index có thể đối diện với một phiên giảm mạnh hơn về vùng hỗ trợ tại 950-985 điểm. Ở kịch bản khả quan nhưng có xác suất thấp hơn, nếu lực mua tiếp tục cải thiện giúp VN-Index vượt qua kháng cự EMA5 tại 1038 điểm, chỉ số có thể sẽ tăng lên vùng 1055-1060 điểm để kiểm định lại đường EMA50 ngày”.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được VnEconomy trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.