Đồng USD tăng giá mạnh, các đồng tiền châu Âu sẽ về đâu?
Giới phân tích nhận định xu hướng tăng giá gần đây của đồng USD có thể vừa mang lại lợi ích, vừa gây tổn hại cho châu Âu, đồng thời dự báo các đồng tiền lớn của khu vực này sẽ tiếp tục giảm giá trong năm 2025...
Những nhận định này được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chuẩn bị nhậm chức và châu Âu đứng trước nhiều thách thức kinh tế.
Đầu tuần này, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng lên gần 110 điểm, mức cao nhất hơn 2 năm. Chất xúc tác mới nhất cho sự bứt phá này của đồng bạc xanh là báo cáo việc làm mạnh hơn kỳ vọng mà Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Sáu tuần trước.
Khi đồng USD tăng giá, các đồng tiền của châu Âu rớt xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.
Phiên ngày 14/1, đồng euro rớt dưới ngưỡng 1,02 USD đổi 1 euro, thấp nhất từ tháng 8/2022. Đồng bảng Anh - vốn đã suy yếu trong những tuần gần đây do mối lo về nợ chính phủ và triển vọng ảm đạm của nền kinh tế nước này - có lúc giảm còn hơn 1,21 USD đổi 1 bảng, thấp nhất kể từ đầu năm 2023.
TRIỂN VỌNG ẢM ĐẠM CỦA CÁC ĐỒNG TIỀN CHÂU ÂU
Theo nhà phân tích Bartosz Sawicki của công ty Conotoxia, đồng USD sẽ duy trì xu hướng tăng giá trong ngắn hạn sau khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, và các đồng tiền của châu Âu sẽ khó hồi phục. “Tôi thấy có khả năng cao thị trường sẽ diễn biến tương tự như trong nhiệm kỳ trước của ông Trump. Đó là những biến động nhanh mạnh, nhưng không theo một xu hướng rõ rệt nào. Bởi vậy, đồng USD có thể còn tăng giá trong ngắn hạn”, ông Sawicki nói.
Trong dài hạn hơn, ông dự báo USD có thể suy yếu, nhưng điều đó chưa chắc đã là một tin tốt đối với các đồng tiền của châu Âu. “Hai quý tới đây có thể là khoảng thời gian khó khăn cho cả đồng euro và đồng bảng. Hai đồng tiền này có thể khó thu hút nhà đầu tư và dòng tiền, do đều bị ảnh hưởng bởi rủi ro chiến tranh thương mại và nhiều bất định”, nhà phân tích này nói với CNBC.
“Chúng tôi dự báo đồng euro giao dịch ở mức 1,05 USD đổi 1 euro vào cuối năm, và đồng bảng Anh ở mức 1,25 USD đổi 1 bảng. Như vậy có nghĩa là không có một sự giải tỏa thực sự nào cho tỷ giá các đồng tiền châu ÂU’, ông Sawicki phát biểu.
Trong một báo cáo công bố hôm thứ Hai, ông George Saravelos - trưởng nghiên cứu ngoại hối toàn cầu của ngân hàng Deutsche Bank - cho biết ông bi quan về triển vọng đồng euro và bảng Anh. Nhóm phân tích của Deutsche Bank dự báo đồng euro sẽ dao động trong khoảng 0,95-1,05 USD/euro trong năm nay, với khả năng ông Trump áp thuế quan là một yếu tố rủi ro.
“Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) nhiều khả năng sẽ phải giảm lãi suất thêm vì dòng dữ liệu kinh tế Anh đang yếu. Bức tranh bên ngoài cũng thiếu thuận lợi cho kinh tế Anh, với giá năng lượng tăng, dòng vốn đầu tư danh mục chảy vào Anh chậm lại và cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng vậy. Dòng tiền nóng hỗ trợ tỷ giá bảng Anh trong năm ngoái đang có khả năng đảo chiều”, ông Saravelos nhận xét.
Tuy nhiên, có một đồng tiền châu Âu mà ông Saravelos dự báo có triển vọng tăng giá so với USD. “Chúng tôi lạc quan về đồng franc Thụy Sỹ. Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất, nhưng lãi suất của họ đã về gần 0 rồi, nên sẽ không thể giảm thêm nhiều”, ông nói.
Nhà phân tích này lưu ý thêm rằng đồng franc Thụy Sỹ đang ở vùng giữa của khoảng trung bình 5 năm, mà chính quyền ông Trump sắp tới “có thể khó chấp nhận hành vi can thiệp tỷ giá”. Hồi năm 2020, ông Trump đã tố Thụy Sỹ cố tình phá giá đồng franc so với USD - một cáo buộc mà giới chức nước này phủ nhận.
“Vì thế, khó có chuyện Thụy Sỹ sẽ kiềm chế sức tăng giá của đồng franc trong thời gian tới, mà sẽ để cho đồng nội tệ đi lên”, ông Saravelos nói.
NHỮNG TÁC ĐỘNG ĐẾN KINH TẾ CHÂU ÂU
Ông Alex King - một cựu giao dịch ngoại hối và là nhà sáng lập nền tảng tài chính cá nhân Generation Money - cho rằng việc USD tăng giá có tác động tới một số nền kinh tế châu Âu. Chẳng hạn, đối với Anh, lạm phát có thể trỗi dậy trong lúc tăng trưởng kinh tế đang suy yếu.
“Đồng USD tăng giá có thể khiến việc nhập khẩu năng lượng trở nên tốn kém hơn, mà Anh lại là một nước nhập khẩu ròng năng lượng, gồm nhập khí hóa lỏng (LNG) và dầu thô từ Mỹ. Điều này có thể khiến lạm phát ở Anh tăng trong những tháng tới, bên cạnh rủi ro thuế quan mới của Mỹ cũng có thể đẩy cao áp lực lạm phát ở nước này”, ông King giải thích.
Chuyên gia này cho rằng khi đó, nền kinh tế Anh sẽ bị đặt vào một tình thế đầy rủi ro, vì BOE “không có dư địa để ứng phó với lạm phát tăng” trong bối cảnh lãi suất đi vay của Chính phủ Anh lên cao và nền kinh tế èo uột.
“Nhưng mặt khác, Anh có thặng dư thương mại với Mỹ, nên đồng bảng mất giá so với USD có thể là tin tốt đối với các nhà xuất khẩu Anh”, vì hàng hóa của họ sẽ cạnh tranh tốt hơn ở Mỹ - ông King nói.
Tương tự, Đức đã trở thành một nước nhập khẩu ròng LNG Mỹ trong những năm gần đây, nên đồng euro mất giá có thể đẩy chi phí năng lượng của Đức tăng lên, gây tác động tiêu cực nhiều nhất đối với lĩnh vực sản xuất của nước này. “Nhiều nhà sản xuất của Đức đã có những thời điểm phải chật vật xoay sở với giá năng lượng cao, nên bất kỳ sự gia tăng nào của giá năng lượng cũng có thể gây ra sự đảo lộn với họ”, ông King phát biểu.
Tuy nhiên, một quốc gia châu Âu cũng có thể hưởng lợi khi USD tăng giá, và đó là Na Uy, vì đây là một nước xuất khẩu dầu lớn. “Dầu thô là mặt hàng xuất khẩu chính của Na Uy và được định giá bằng USD, nên khi USD tăng giá, thu nhập của nước này cũng tăng. Ngoài ra, quỹ đầu tư quốc gia khổng lồ của Na Uy nắm giữ nhiều tài sản USD, nên khối tài sản đó cũng sẽ gia tăng giá trị theo”, ông Kinh nhận xét.