15:50 22/12/2007

Đột biến vốn vào chứng khoán

Minh Đức

Năm nay, một lượng vốn khổng lồ đã được huy động qua thị trường chứng khoán Việt Nam

Trong năm 2008, nguồn cung của thị trường dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt là từ các ngân hàng, doanh nghiệp lớn thực hiện cổ phần hóa - Ảnh: Việt Tuấn.
Trong năm 2008, nguồn cung của thị trường dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt là từ các ngân hàng, doanh nghiệp lớn thực hiện cổ phần hóa - Ảnh: Việt Tuấn.
Năm nay, một lượng vốn khổng lồ đã được huy động qua thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong năm 2007, liên quan đến nguồn vốn chảy vào thị trường, Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước được xem là một chốt chặn có ảnh hưởng lớn nhất. Một số bình luận cho rằng, qua Chỉ thị 03, “bộ mặt thật” của nguồn vốn trong nước bộc lộ, đó là sự hạn chế và không quá sung túc.

Tuy nhiên, theo nhận định của Ủy ban Chứng khoán, 2007 lại là năm chứng kiến sự đột biến về nguồn vốn vào thị trường chứng khoán, kể cả nguồn từ các tổ chức trong nước, trong dân cư và nước ngoài.

Ước tính của Ủy ban Chứng khoán cho thấy, trong năm 2007, việc huy động vốn của các doanh nghiệp diễn ra mạnh mẽ và thành công, đặc biệt là khối các ngân hàng thương mại cổ phần.

Sự thành công này cho thấy thị trường chứng khoán đang chứng tỏ là một kênh huy động vốn hiệu quả và thuận lợi. Từ đầu năm đến nay, đã có 179 công ty được chào bán 2,46 tỷ cổ phiếu ra công chúng, tương ứng với khoảng trên 48.000 tỷ đồng (gấp tới 25 lần so với năm 2006). 3 ngân hàng thương mại cổ phần đã phát hành 3,468 triệu trái phiếu tương ứng với 3.750 tỷ đồng. Quỹ tăng trưởng Manulife phát hành 25 triệu chứng chỉ quỹ với 250 tỷ đồng.

Tính chung cả hoạt động đấu giá, phát hành trên thị trường chính thức đạt gần 90.000 tỷ đồng, một con số đột biến so với năm 2006 (gấp 3 lần).

Tính đến ngày 11/12, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM đã thực hiện được 235 phiên giao dịch với tổng khối lượng gần 2,284 tỷ chứng khoán, tương ứng giá trị 235.336 tỷ đồng; bình quân đạt 951 tỷ đồng/phiên. Tại sàn Hà Nội, những con số tương ứng là gần 1,304 tỷ chứng khoán với giá trị 134.978 tỷ đồng; bình quân đạt 574 tỷ đồng/phiên.

Ngoài ra, sự đột biến còn thể hiện trong giao dịch và tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài. Riêng về lượng tài khoản, hiện đã có trên 7.500 tài khoản thuộc khối này, tăng gấp 3 lần so với năm 2006.

Nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nắm giữ từ 25 – 30% cổ phần của các công ty niêm yết, doanh số giao dịch chiếm khoảng 18% giao dịch toàn thị trường. Giá trị danh mục đầu tư của họ trên thị trường chính thức hiện ước đạt 7,6 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2006 (2,3 tỷ USD); nếu tính cả thị trường không chính thức, con số này ước đạt tới gần 20 tỷ USD.

Năm 2008: Sẽ có biện pháp kích cầu

Lượng vốn vào thị trường chứng khoán năm 2007 đã có đột biến, nhưng cung cũng tăng mạnh, nhất là khi xuất hiện tình trạng doanh nghiệp lạm dụng công cụ này để ồ ạt phát hành tăng vốn.

Trong năm 2008, nguồn cung của thị trường dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt là từ các ngân hàng, doanh nghiệp lớn thực hiện cổ phần hóa. Từ đây, kích cầu là một yêu cầu để đảm bảo cân bằng.

Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Vũ Bằng, hiện thị trường đang ở thế giằng co, mọi sự tác động vào các đầu của “quả cân” đều có thể dẫn tới chênh lệch. Từ đó, định hướng đầu tiên trong hướng phát triển thị trường năm 2008 là vừa tăng cung vừa kích cầu.

Trước hết, liên quan đến chính sách thuế, việc áp thuế thu nhập cá nhân trước đây dự tính áp dụng ngay trong năm 2008 nhưng đã được lùi lại sang năm 2009. Đây được xem là một biện pháp hỗ trợ và kích cầu cho thị trường.

Thứ hai, ông Vũ Bằng cho biết Ủy ban Chứng khoán sẽ trình lên Chính phủ những biện pháp liên quan đến kích cầu trong năm 2008. Các biện pháp cụ thể chưa được tiệt lộ, nhưng trước hết là sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, khuyến khích khối này đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Định hướng trên đang củng cố thêm kỳ vọng mở room trong năm 2008 mà nhiều nhà đầu tư đang xôn xao. Dù theo khẳng định của Chủ tịch Vũ Bằng với VnEconomy là hiện chưa có thông tin chính thức nào về khả năng mở room.

Nhưng ở một diễn biến khác, chiều ngày 21/12, Ủy ban Chứng khoán đã có một cuộc họp quan trọng với Ngân hàng Nhà nước. Ngoài nội dung phối hợp quản lý việc phát hành của các ngân hàng thương mại cổ phần, có thể vấn đề mở room đã được đề cập tới.

Trong định hướng phát triển thị trường năm 2008, Ủy ban Chứng khoán cũng xác định: “Xây dựng thống nhất các quy định về tỷ lệ sở hữu, xác định đối tượng nhà đầu tư nước ngoài đối với chứng khoán niêm yết, không niêm yết… và vấn đề góp vốn của bên nước ngoài”.