10:01 09/02/2019

Dow Jones tăng 7 tuần liên tiếp dù nỗi lo thương mại phủ bóng

Bình Minh

Giới đầu tư thiếu yên tâm về đàm phán thương mại Mỹ-Trung và tiếp tục lo ngại về sự giảm tốc kinh tế toàn cầu

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Getty/CNBC.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Getty/CNBC.

Chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi giới đầu tư thiếu yên tâm về đàm phán thương mại Mỹ-Trung và tiếp tục lo ngại về sự giảm tốc kinh tế toàn cầu.

Lúc đóng cửa, Dow Jones hạ 0,25%, còn 25.106,33 điểm, đánh dấu chuỗi ba phiên giảm đầu tiên kể từ tháng 12.

Trong khi đó, chỉ số S&P 500 tăng khoảng 0,1% phiên này, chốt ở mức 2.707,88 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,1%, đạt 7.298,2 điểm.

Theo hãng tin CNBC, cả ba chỉ số cùng tăng trong những phút cuối của phiên giao dịch, thoát khỏi mức đáy thiết lập trước đó trong phiên. Nhờ vậy, Dow Jones và Nasdaq có được tuần tăng thứ 7 liên tiếp, với mức tăng tương ứng là 0,2% và 0,5%. S&P cũng tăng 0,1% trong tuần.

Cơ sở để chứng khoán Mỹ đi lên thời gian qua được cho là nằm ở việc kinh tế Mỹ - dù giảm tốc - vẫn vững vàng hơn so với các nền kinh tế chủ chốt khác của thế giới. Tuy vậy, nhiều yếu tố khác đang tạo áp lực không nhỏ đối với Phố Wall.

Tờ Wall Street Journal ngày 8/2 đưa tin rằng Mỹ và Trung Quốc đến thời điểm hiện tại vẫn chưa đưa ra được một bản dự thảo về những vấn đề mà hai bên đã nhất trí hoặc còn bất đồng trong cuộc đàm phán thương mại song phương. Thông tin này khiến giới đầu tư bất an bởi hạn chót 1/3 cho hai bên đạt một thỏa thuận thương mại đang đến rất gần.

Trước đó, vào hôm thứ Năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông sẽ không gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước hạn chót nói trên. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cũng nói "còn một khoảng cách khá lớn để đi" trước khi Trung Quốc và Mỹ có thể đạt một thỏa thuận.

"Nhân tố sợ hãi về chiến tranh thương mại đã quay trở lại thị trường", chuyên gia kinh tế trưởng Peter Cardillo thuộc Spartan Capital Securities nhận định. "Điều này sẽ khiến thị trường biến động. Các nhà đầu tư sẽ giữ thế phòng thủ cho tới khi cuộc đàm phán thương mại trở nên rõ ràng hơn".

Một vấn đề khác gây áp lực lên thị trường ở thời điểm hiện nay là những thông tin bất lợi về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Hôm thứ Năm, Ủy ban châu Âu (EC) cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) năm 2019 và 2020. Động thái này làm dấy lên nỗi sợ về sự giảm tốc nhanh của nền kinh tế thế giới.

"Nếu tăng trưởng kinh tế diễn ra mạnh mẽ, thì đàm phán thương mại sẽ không gây nhiều lo ngại đến vậy", ông Benjamin Lau, Giám đốc đầu tư của Apriem Advisors, nhận xét.

Bất ổn gia tăng xung quanh quan hệ thương mại Mỹ-Trung và mối lo ngại càng lớn về sự giảm tốc kinh tế toàn cầu diễn ra đồng thời với triển vọng xấu đi về lợi nhuận 2019 của các doanh nghiệp niêm yết ở Phố Wall.

Theo dữ liệu của FactSet, lợi nhuận của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ được dự báo giảm 1% trong quý 1/2019 so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu sự suy giảm lợi nhuận này xảy ra, đây sẽ là lần đầu tiên lợi nhuận của các công ty thuộc S&P 500 đi xuống kể từ quý 2/2016.