08:04 20/12/2023

Dow Jones tăng 9 phiên liên tiếp, giá dầu giữ đà đi lên vì tin từ Biển Đỏ

Bình Minh

“Khuynh hướng mua cổ phiếu đang giữ vững. Trừ phi có tin tức khiến tâm trạng của nhà đầu tư thay đổi, thị trường có lẽ sẽ đi lên mỗi ngày”...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (19/12), với chỉ số S&P 500 đạt gần mức kỷ lục, nhờ lạc quan của nhà đầu tư về việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) gần đây có sự xoay trục sang mềm mỏng trong chính sách tiền tệ. Giá dầu cũng tăng khi các cuộc tấn công trên Biển Đỏ trở nên dữ dội hơn, đe doạ gây gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông ra thị trường toàn cầu.

Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,59%, đạt 4.768,37 điểm, chỉ còn cách khoảng 0,6% so với mức chốt phiên kỷ lục và cách khoảng 1% so với mức điểm nội phiên kỷ lục - cả hai đều được thiết lập hồi tháng 1/2022.

Chỉ số Dow Jones tăng 251,9 điểm, tương đương tăng 0,68%, đạt 37,557,92 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,66%, chốt ở 15.003,22 điểm. Đây là lần đầu tiên Nasdaq đóng cửa trên mức 15.000 điểm kể từ tháng 1/2022.

Năng lượng là nhóm cổ phiếu vượt trội trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 phiên này, nhờ giá dầu tăng khá mạnh. Cổ phiếu hãng dầu lửa Occidental Petroleum tăng 2,3%; trong khi Halliburton và Exxon Mobil tăng hơn 1% mỗi cổ phiếu.

Thị trường đang duy trì xu hướng tăng sang tuần thứ 8. Tuần trước, động lực tăng giá mới đã xuất hiện vào tuần trước khi Fed phát tín hiệu có thể cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024. Dấu hiệu xuống thang của lạm phát và việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm mạnh đã giúp gia tăng tâm lý ham thích rủi ro của nhà đầu tư, lại đúng vào cuối năm - thời điểm mà chứng khoán Mỹ thường có xu hướng tăng.

“Khuynh hướng mua cổ phiếu đang giữ vững. Trừ phi có tin tức khiến tâm trạng của nhà đầu tư thay đổi, thị trường có lẽ sẽ đi lên mỗi ngày”, nhà sáng lập Kim Forrest của Bokeh Capital Partners nói với hãng tin CNBC.

Cả ba chỉ số đều đang trên đà kết thúc tháng 12 với mức tăng mạnh. S&P 500 đã tăng 4,4% từ đầu tháng và có chuỗi tuần tăng dài nhất kể từ năm 2017. Dow Jones và Nasdaq tăng tương ứng 4,5% và 5,5%.

Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,97 USD/thùng, tương đương tăng 1,34%, chốt ở mức 73,44 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 1,28 USD/thùng, tương đương tăng 1,64%, chốt ở mức 79,23 USD/thùng.

Những tuần gần đây, phiến quân Houthi của Yemen đã tiến hành hàng loạt cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái (drone) vào tàu chở hàng hoá đi qua Biển Đỏ - nơi có kênh đào Suez, một tuyến vận tải biển huyết mạch của thế giới. Từ hôm thứ Sáu tuần trước, các hãng vận tải lớn và các công ty vận tải dầu lửa đã dừng việc di chuyển qua Biển Đỏ, sau khi hơn một chục tàu đã trở thành mục tiêu tấn công kể từ khi nổ ra cuộc chiến tranh giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine vào đầu tháng 10.

Các hãng tàu biển khổng lồ Maersk, Hapag Lloyd, Mediterranean Shipping Company, CMA CGM và Evergreen đều tuyên bố chuyển hướng ngay lập tức các chuyến tàu đã được lên lịch trình. Hãng dầu lửa BP hôm thứ Hai cũng ra tuyên bố dừng vận chuyển dầu của kênh đào Suez vì “tình hình an ninh xấu đi” trên Biển Đỏ.

“Thị trường năng lượng đang bắt đầu định giá rủi ro gián đoạn nguồn cung dầu đi qua Biển Đỏ, vì kênh đào Suez chiếm tỷ trọng 9% tổng lượng cung dầu trên toàn cầu mỗi ngày”, nhà quản lý danh mục Ben Emons của công ty NewEdege Wealth nhận định, nói rằng dầu Brent đặc biệt nhạy cảm với những gián đoạn như vậy. Cũng theo ông Emons, những hàng hoá khác như cà phê, đậu tương, nickel, dầu cọ… cũng sẽ bị ảnh hưởng, vì 12% dòng chảy thương mại toàn cầu ngoài dầu lửa đi qua kênh Suez mỗi ngày.

Tuy nhiên, một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs cho rằng ảnh hưởng nói chung sẽ chỉ ở mức giới hạn. “Sự gián đoạn này ít khả năng gây ra ảnh hưởng lới đối với giá dầu và khí đốt hoá lỏng, vì việc chuyển hướng tàu bè đồng nghĩa rằng sản lượng sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp”, một báo cáo của Goldman Sachs nhận định.