07:28 28/10/2009

Dow Jones tăng điểm nhẹ, Nasdaq giảm sâu

Duy Cường

S&P 500 và Nasdaq tiếp tục mất điểm trước làn sóng chốt lời của nhà đầu tư, trong khi Dow Jones tăng điểm trở lại

Thị trường chứng khoán Mỹ đã có sự phân hóa trong phiên giao dịch ngày 27/10 - Ảnh: Getty Imges.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã có sự phân hóa trong phiên giao dịch ngày 27/10 - Ảnh: Getty Imges.
Ngày 27/10, chỉ số S&P 500 và Nasdaq tiếp tục mất điểm phiên thứ ba trước làn sóng chốt lời của nhà đầu tư, trong khi Dow Jones tăng điểm trở lại.

Hôm thứ Ba, Standard & Poor's/Case-Shiller công bố chỉ số giá nhà ở 20 khu vực trung tâm ở Mỹ trong tháng 8/2009 đã tăng 1,2% so với tháng 7/2009 - cao hơn so với mức dự báo 0,7% của giới phân tích, sau khi tăng 1,6% trong tháng 7.

Cùng ngày, Tổ chức nghiên cứu Conference Board của Mỹ cho biết, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng ở nước này trong tháng 10/2009 đã giảm xuống 47,7 điểm - thấp hơn so với dự báo 53,1 điểm của giới phân tích, từ mức 53,4 điểm trong tháng 9/2009.

Kết quả điều tra của Conference Board cho hay, 3,4% số người được hỏi cho biết tìm việc là khá dễ dàng, từ mức 3,6% trong tháng trước đó.

Liên quan đến thị trường trái phiếu, ngày 27/10, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra đấu thầu thành công số trái phiếu kỳ hạn 2 năm với trị giá 44 tỷ USD.

Với lượng cầu rất lớn trong phiên này, giới phân tích cho rằng, nhiều khả năng phiên đấu thầu trái phiếu kỳ hạn 5 năm, 7 năm - với giá trị lần lượt là 41 tỷ USD và 31 tỷ USD trong hai ngày tới - sẽ tiếp tục thành công.

Nasdaq giảm sâu

Ngày 27/10, chỉ số S&P 500 và Nasdaq tiếp tục mất điểm phiên thứ ba liên tiếp trước làn sóng chốt lời của nhà đầu tư, trong khi Dow Jones tăng điểm nhẹ trở lại.

Hoạt động chốt lời đã diễn ra nhiều ngày nay và đẩy thị trường Mỹ liên tục giảm điểm. Và điều này tiếp tục xảy ra mạnh mẽ ngay trong phiên mỗi khi thị trường lên điểm.

Dow Jones và S&P 500 đã tăng điểm khi thị trường mở cửa ngày giao dịch. Nhưng thông tin chỉ số niềm tin người tiêu dùng đã giảm sâu so với dự báo của giới phân tích, đã nhanh chóng đẩy hai chỉ số này bất thần giảm khá mạnh và ở mức thấp nhất trong khoảng thời gian từ 10h02 đến 10h04 (giờ địa phương).

Khi Dow Jones xuống 9.844 điểm và S&P 500 giảm xuống 1.060 điểm, cả hai chỉ số đã bật mạnh trở lại do sức cầu ở mức giá thấp rất lớn và lần lượt lên đỉnh của ngày giao dịch ở mức 9.941 điểm và 1.071 điểm.

Thị trường tiếp tục giằng co cho đến hết ngày giao dịch, Dow Jones tăng nhẹ nhờ sự lên điểm mạnh của cổ phiếu American Express (3,13%), cổ phiếu của hai hãng năng lượng Chevron (1,56%) và Exxon Mobil (2,28%).

Ngược lại, S&P lại không thể trụ vững được khi 12 công ty trong chỉ số này công bố kết quả kinh doanh trong ngày thì có tới 10 cổ phiếu bị mất điểm.

Trong khi đó, chỉ số Nasdaq lại hứng chịu đợt xả hàng mạnh mẽ trong cả ngày giao dịch. Cổ phiếu khối công nghệ vốn tăng trưởng mạnh nhất so với ba chỉ số còn lại trong thời gian qua, nên việc chốt lời diễn ra mạnh mẽ là điều dễ hiểu. Tuy vậy, lượng cầu ở mức giá thấp luôn trực chờ nên đã giúp chỉ số này không giảm sâu.

Cổ phiếu của công ty sở hữu trang web tìm kiếm ở Trung Quốc - Baidu đã mất 11,4% xuống 383,66 USD/cổ phiếu. Cổ phiếu của Google mất 1,1% xuống 548,29 USD/cổ phiếu. Cổ phiếu Apple hạ 2,5%.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 27/10: chỉ số Dow Jones tăng 14,21 điểm, tương đương 0,14%, chốt ở mức 9.882,17.

Chỉ số Nasdaq hạ 25,76 điểm, tương đương -1,2%, chốt ở mức 2.116,09.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 trượt 3,54 điểm, tương ứng -0,33%, đóng cửa ở mức 1.063,41.

Khối lượng giao dịch phiên này trên sàn New York đạt 1,4 tỷ cổ phiếu. Trên Nasdaq, khối lượng khớp lệnh thành công đạt 2,42 tỷ cổ phiếu. Trên hai sàn, thị trường cứ có 2 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu tăng điểm.

Những thông tin đáng chú ý trong tuần:

Thứ Tư: Công bố số liệu về số đơn đặt hàng lâu bền; doanh số bán nhà mới; kết quả kinh doanh của ConocoPhillips.

Thứ Năm: Kỷ niệm 80 năm ngày thị trường chứng khoán Mỹ bị sụp đổ (1929), công bố số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu; công bố số liệu GDP quý 3/2009; kết quả kinh doanh của ExxonMobil, P&G, Motorola và Sprint Nextel.

Thứ Sáu: Công bố thu nhập và chi tiêu của người dân Mỹ; kết quả kinh doanh của Chevron.

Chứng khoán châu Á có phiên giảm điểm tồi tệ

Ngày 27/10, thị trường chứng khoán châu Á “cắm mặt đi xuống” từ đầu phiên đến cuối ngày giao dịch.

Diễn biến của thị trường khu vực mang đến sự quan ngại lớn khi mà các chỉ số giảm điểm trên diện rộng và biên độ giảm ở mức bất thường.

Một ngày sau khi Dow Jones giảm hơn 1% và dần xa mốc 10.000 điểm, các thị trường châu Á mở cửa ngày giao dịch với mức giảm đáng kể so với phiên trước đó. Đà giảm liên tục được duy trì cho đến hết ngày giao dịch.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc dẫn đầu biên độ giảm điểm khi phải hứng chịu đợt xả hàng mạnh từ phiên buổi sáng đến cuối giờ chiều. Chỉ số Shanghai đã giảm gần 3% sau khi cổ phiếu bị bán mạnh vào cuối ngày giao dịch - mức giảm mạnh nhất trong 4 tuần.

Bất chấp khối lượng giao dịch tăng vọt mỗi khi thị trường xuống thấp, mức độ phục hồi của Shanghai Composite cũng không đáng kể. Điều này cho thấy khối lượng cổ phiếu đặt bán ở mức áp đảo và người mua chỉ sẵn mua ở mức giá thấp nhất.

Thị trường Australia, Nhật, Hồng Kông, Ấn Độ cũng có diễn biến tương tự với thị trường Trung Quốc và đều ghi nhận mức giảm trên 1,4% khi kết thúc ngày giao dịch.

Trong khi đó, dù thị trường bị bán tháo mạnh, và biên độ giảm điểm có lúc là mạnh nhất trong khu vực, nhưng VN-Index đã có đợt phục hồi vào cuối phiên, đồng thời rút ngắn biên độ giảm điểm. Đây là một tín hiệu tích cực mà nhiều thị trường chứng khoán lớn của châu Á không có được khi kết thúc ngày giao dịch.

Trước diễn biến cổ phiếu giảm điểm trên diện rộng, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương phiên này đã giảm 1,5% xuống 118 điểm - mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 2/10/2009.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan giảm 0,14%. Chỉ số ASX của Australia mất 1,61%. Chỉ số Straits Times của Singapore hạ 0,74%. Chỉ số BSE của Ấn Độ giảm 1,7%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật xuống 1,45%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc sụt giảm 2,82%. Chỉ số VN-Index của Việt Nam trượt 2,06%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 1,84%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc mất 0,46%.

HTML clipboard
Thị trường Chỉ số Phiên trước Đóng cửa Tăng/giảm (điểm) Tăng/giảm (%)
Mỹ Dow Jones 9.867,96 9.882,17  Up  14,21 Up 0,14
Nasdaq 2.141,85 2.116,09 Down  25,76  Down1,20
S&P 500 1.066,95 1.063,41   Down    3,54 Down0,33
Anh FTSE 100 5.191,74 5.200,97  Up    9,23 Up 0,18
Đức DAX 5.642,16 5.635,02  Down    7,14 Down0,13
Pháp CAC 40 3.744,45 3.743,95  Down    0,50  Down0,01
Đài Loan Taiwan Weighted 7.668,40 7.657,34 Down  11,06  Down0,14
Nhật Bản Nikkei 225 10.362,62 10.212,46 Down150,16  Down1,45
Hồng Kông Hang Seng 22.589,73 22.171,68 Down415.84  Down1,84
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.657,11 1.649,53 Down    7,58 Down0,46
Singapore Straits Times 2.716,62 2.696,54 Down  20,08 Down0,74
Trung Quốc Shanghai Composite 3.109,57 3.021,46 Down  88,11 Down2,83
Ấn Độ BSE 16.743,22 16.455,13 Down285,37 Down1,70
Australia ASX 4.832,60 4.754,90 Down  77,70  Down1,61
Việt Nam VN-Index 609,34 596,78 Down  12,56  Down2,06
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg