15:33 20/03/2024

Dự án cầu Đuống mới: Hà Nội chưa cân đối được nguồn vốn để giải phóng mặt bằng một lần

Ánh Tuyết

Dự án nâng cấp tuyến đường vận tải thủy sông Đuống (cầu đường bộ Đuống) có tổng mức đầu tư 1.848,62 tỷ đồng đến nay đã khởi công xây dựng phần cầu, phần đường dẫn thuộc huyện Gia Lâm đang được triển khai. Tuy nhiên, dự án đang gặp vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng...

UBND TP. Hà Nội chưa cân đối được nguồn vốn giải phóng mặt bằng để thực hiện giai đoạn 2 nhằm giải toả 1 lần, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
UBND TP. Hà Nội chưa cân đối được nguồn vốn giải phóng mặt bằng để thực hiện giai đoạn 2 nhằm giải toả 1 lần, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn trả lời kiến nghị cử tri TP. Hà Nội về công tác giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường bộ Đuống).

Theo phản ánh của cử tri Hà Nội, dự án nâng cấp tuyến đường vận tải thủy sông Đuống do Ban Quản lý dự án đường sắt thuộc Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, đến nay, dự án đã khởi công xây dựng phần cầu và phần đường dẫn thuộc huyện Gia Lâm đang được triển khai.

"Ranh giới giải phóng mặt bằng dự án theo chỉ giới được chia làm hai giai đoạn, gây khó khăn trong công tác bồi thường, tái định cư. Do vậy, cử tri đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét để Ban Quản lý dự án đường sắt triển khai giải phóng mặt bằng theo một giai đoạn", cử tri Hà Nội kiến nghị.

Hồi đáp kiến nghị cử tri, Bộ Giao thông vận tải cho biết dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống là dự án quan trọng nhằm tăng cường năng lực vận tải đường thủy trên hành lang đường thủy số 2, tách cầu đường bộ ra khỏi cầu đường sắt để cải thiện điều kiện giao thông kết nối qua sông Đuống trên tuyến giao thông huyết mạch phía Bắc thành phố Hà Nội, đảm bảo an toàn giao thông và tránh ùn tắc, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông của Thủ đô theo định hướng trong quy hoạch.

Với vai trò và mục tiêu của dự án, sau khi nhận được văn bản góp ý của UBND TP. Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Sau khi nhận được văn bản tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Ban Thường trực - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt đầu tư dự án.

Theo đó, hạng mục cầu đường bộ Đuống được Bộ Giao thông vận tải đầu tư để hoàn trả hạ tầng cầu đường bộ hiện có. Phương án phân kỳ trong giai đoạn 1 đầu tư và thực hiện giải phóng mặt bằng tương ứng một đơn nguyên, UBND TP. Hà Nội sẽ giải phóng mặt bằng và đầu tư đơn nguyên còn lại.

Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tách thành tiểu dự án riêng do UBND TP. Hà Nội tổ chức thực hiện theo quy định. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đường sắt đang triển khai xây dựng.

Đối với kiến nghị của cử tri về triển khai giải phóng mặt bằng một lần cả hai đơn nguyên là phương án sẽ tạo điều kiện thuận lợi, ổn định hơn cho người dân trong khu vực quy hoạch xây dựng công trình cầu đường bộ Đuống, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị UBND TP. Hà Nội thống nhất chủ trương giải phóng mặt bằng một lần cho cả hai giai đoạn.

Đồng thời, Bộ cũng đồng ý bố trí nguồn vốn ngân sách thành phố Hà Nội thực hiện giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 của dự án cầu đường bộ Đuống theo nguyên tắc lồng ghép với nguồn vốn ngân sách trung ương đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải.

 

"Tuy nhiên, tại Văn bản số 4232/UBND-TNMT ngày 22/12/2023, UBND TP. Hà Nội chưa xác định lộ trình triển khai giai đoạn 2 của dự án, cũng như chưa cân đối được nguồn vốn của TP. Hà Nội để thực hiện".

Bộ Giao thông vận tải.

"Bộ Giao thông vận tải ghi nhận ý kiến của cử tri TP. Hà Nội và tiếp tục làm việc với UBND TP. Hà Nội để xử lý. Đồng thời, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội có ý kiến đồng thuận và kiến nghị UBND TP. Hà Nội bố trí nguồn vốn giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 thuộc trách nhiệm của thành phố để giải phóng mặt bằng một lần như kiến nghị của cử tri", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Được biết, dự án cầu đường bộ Đuống được khởi công vào cuối tháng 7/2023, do Ban quản lý dự án Đường sắt làm chủ đầu tư, gồm hai hạng mục chính.

Dự án gồm hạng mục cầu đường sắt và đường dẫn có điểm đầu khoảng Km9+075, điểm cuối khoảng Km10+075 (lý trình đường sắt hiện hữu); tổng chiều dài 1.000m; tim cầu cách tim cầu Đuống cũ về phía thượng lưu khoảng 16,5 m, trùng vị trí dự kiến đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1.

Theo thiết kế, cầuu đường sắt gồm 6 nhịp dầm thép và dàn thép dài 280m, được xây dựng đảm bảo cho đường sắt đơn khổ lồng 1.000mm và 1.435mm; tốc độ thiết kế 80km/h khổ giới hạn thông thuyền được phân kỳ đầu tư với tĩnh không thông thuyền với chiều cao 7 m, giai đoạn hoàn thiện cao 9,5m; bề rộng khoang thông thuyền lớn hơn 50m.

Cầu có bố trí đường người đi bộ 01 bên phải tuyến (phía hạ lưu cầu). Cầu đường bộ và đường dẫn có điểm đầu tại nút giao đầu cầu Đuống cũ trên đường Ngô Gia Tự, thuộc địa phận quận Long Biên; điểm cuối tại nút giao giữa đường Hà Huy Tập với đường Phan Đăng Lưu, thuộc địa phận huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội.

Hạng mục cầu đường bộ và đường dẫn có phạm vi đầu tư bao gồm tuyến chính chiều dài khoảng 700m và nút giao hai đầu cầu; tim cầu cách tim cầu Đuống cũ khoảng 100 m về phía hạ lưu (phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt).

Trong đó, cầu đường bộ vượt sông Đuống dài 382m, được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, kết hợp hệ dây văng; phân kỳ xây dựng 1 đơn nguyên theo quy hoạch, bề rộng cầu dẫn 16 m, bề rộng cầu chính 18,5m (bao gồm phần neo); khổ giới hạn thông thuyền có chiều rộng lớn hơn 50m, chiều cao 9,5m.

 

Dự án có tổng mức đầu tư 1.848,62 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 919.279 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng (theo quy mô giai đoạn phân kỳ) là 650,82 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án là 9,753 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng là 43,081 tỷ đồng; chi phí khác là 30,289 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 195.394 triệu đồng.

Nguồn vốn thực hiện dự án từ ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 mức vốn dự kiến khoảng 1.787 tỷ đồng, phần còn lại chuyển tiếp sang giai đoạn sau.