12:08 25/11/2009

Dự án sửa hai luật thuế: Chính phủ xin rút

Nguyễn Lê

Đa số đại biểu Quốc hội chưa tán thành với việc trình Quốc hội xem xét, thông qua việc sửa hai luật thuế tại kỳ họp này

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng chưa cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng chưa cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo nghị trình, sáng 25/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trước phiên họp, Chính phủ đã đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép rút dự án này khỏi chương trình, do “đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội chưa tán thành với việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật tại kỳ họp thứ sáu”.

Tại thông báo gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn thư ký kỳ họp cũng nêu rõ, do dự án luật còn nhiều nội dung có ý kiến khác nhau, tính khả thi chưa caonên Uỷ ban thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị Quốc hội cho phép rút khỏi chương trình dự kiến thông qua dự án Luật này tại kỳ họp này.

Như vậy, qua hai kỳ họp, đề nghị sửa hai luật thuế nhằm ban hành chính sách ưu đãi thuế, khuyến khích mạnh hơn các doanh nghiệp đầu tư; xây dựng nhà ở xã hội… của Chính phủ vẫn chưa thuyết phục được đại biểu Quốc hội, mặc dù dự luật này đã nhận được sự đồng tình của cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.

Lý do được nhiều đại biểu đưa ra là Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp mới triển khai thi hành được gần một năm, chưa đủ thời gian để đánh giá, tổng kết cụ thể việc thực thi pháp luật để làm căn cứ sửa đổi luật. Nếu sửa đổi luật sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định của pháp luật.

Hơn nữa, trong điều kiện quản lý còn nhiều sơ hở, hạn chế như hiện nay, việc ban hành luật sẽ không khả thi, quá trình thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến đều thống nhất với chủ trương cần hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng như Chính phủ đề xuất. Song việc sửa đổi luật, hỗ trợ thông qua doanh nghiệp không phải là giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề nhà ở cho các đối tượng này .

Từ thực tế địa phương, nhiều đại biểu nhìn nhận, cách thức triển khai thực hiện thông qua việc hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng là chưa khả thi, hiệu quả đạt được có thể không cao vì doanh nghiệp hoạt động với mục tiêu lợi nhuận, không vì mục tiêu xã hội; ưu đãi khó đến được với người thụ hưởng; nếu không có cơ chế quản lý tốt thì sẽ bị lợi dụng; còn nhiều vấn đề đặt ra trong khâu quản lý, vận hành cần tiếp tục được xem xét, cân nhắc.

Việc bỏ tiền ngân sách đầu tư xây dựng là không hiệu quả; trên thực tế có trường hợp nhà được xây nhưng sinh viên, công nhân vẫn thuê nhà bên ngoài. Giá thành của nhà ưu đãi còn cao thì người có thu nhập thấp cũng khó tiếp cận được.