Dự báo hạn mặn bằng điện thoại thông minh
Phát hiện độ mặn lên tới từng giờ tại bất cứ khu vực nào ở Đồng Bằng Sông Cửu Long
Từ chiếc điện thoại thông minh, người dân có thể tải app Mekong MRSS và chạm vào một địa điểm bất kỳ tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, ngay lập tức các thông số chi tiết về độ mặn, mực nước theo thời gian sẽ được hiển thị chi tiết.
Mekong MRSS là phần mềm vừa được Công ty Cổ phần Đầu tư ngành nước DNP kết hợp cùng trường Đại học Thủy lợi phát triển và giới thiệu đến người dân Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết, những năm gần đây tình hình hạn mặn khó dự đoán gây ra bởi biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và tình hình sản xuất của người dân và nhiều doanh nghiệp tại Đồng Bằng Sông Cửu Long.
PGS.TS Nghiêm Tiến Lam, Giảng viên Đại học Thủy Lợi, người trực tiếp triển khai, phát triển ứng dụng dự báo hạn mặn chia sẻ: Các mô phỏng trong phần mềm được tính toán, đánh giá thông qua mô hình Mike 11 HD + AD. Đây là một trong các module của phần mềm biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, giúp mô phỏng sự biến đổi lưu lượng, chất lượng nước và vận chuyển bùn cát ở cửa sông, hệ thống tưới, kênh dẫn và các hệ thống dẫn nước khác tại Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Để đảm bảo tính chính xác, phần mềm đã thu thập chuỗi thông tin, số liệu về mực nước, độ mặn thực đo từ năm 2016 đến năm 2020 tại gần 20 trạm khí tượng và kết hợp cùng các số liệu đo thực tế tại một số nhà máy nước Đồng Tâm (Tiền Giang) và nhà máy nước Nhị Thành (Long An) để làm cơ sở tham khảo và phân tích dữ liệu.
Phần mềm đã khắc phục được nhiều hạn chế của các bản tin dự báo trước đây về độ phân giải theo không gian và thời gian. Thay vì chỉ cho kết quả tại một số vị trí trọng yếu và chỉ cho giá trị lớn nhất theo tuần thì phần mềm này có thể dự báo chi tiết về mức nước, độ mặn lên tới từng giờ tại bất cứ khu vực nào tại Đồng Bằng Sông Cửu Long trong khoảng thời gian lên tới 30 ngày.
“Đặc biệt, phần mềm được tối ưu hóa đơn giản cho người dùng thông qua các hình ảnh và biến động trực quan nhằm phổ biến đến mọi đối tượng sử dụng, không chỉ bó hẹp trong các đơn vị nghiên cứu hoặc các cơ quan quản lý mà hướng tới để mỗi người dân, mỗi gia đình đều có thể theo dõi và chủ động trước các diễn biến của hạn mặn tại địa phương…”, PGS.TS Nghiêm Tiến Lam nhấn mạnh.
Chỉ tính riêng trong mùa khô năm 2019 - 2020 đã có tới 10 trong số 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long bị ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, hơn 80 nghìn ha cây ăn quả bị ảnh hưởng, gần 60 nghìn ha lúa bị thiệt hại.