11:52 01/01/2012

Dự báo kinh tế 2012: “Dẫu sao cũng nhẹ nhàng hơn”

Nguyên Thảo

Không nhiều dự báo lạc quan cho nền kinh tế năm nay, dưới góc nhìn của các vị chuyên gia

Cho dù đã thấy không ít tín hiệu tích cực, song chỉ tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6% của năm nay vẫn là con số rất khó đạt được, theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế - Ảnh: Reuters.
Cho dù đã thấy không ít tín hiệu tích cực, song chỉ tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6% của năm nay vẫn là con số rất khó đạt được, theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế - Ảnh: Reuters.
Cho rằng âm hưởng chủ đạo của kinh tế 2012 là khó khăn, song đi kèm với những phân tích về cơ hội, dự báo (cũng là hy vọng) của nhiều chuyên gia về bức tranh kinh tế năm nay cũng phần nào nhẹ nhàng hơn, ở một số thách thức.

Có được cảm giác này cũng nhờ tài ăn nói dí dỏm và sinh động, vốn là thế mạnh của nhiều vị chuyên gia, dù những gì nền kinh tế đã trải qua trong năm 2011 vẫn để lại dấu ấn khá nặng nề.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia tâm tư với các doanh nghiệp phía nam rằng, khi bạn bè "đòi” câu đối năm nào ông cũng gửi tặng các doanh nghiệp, ông cứ suy nghĩ hoài, cuối cùng cũng có một câu.

Đó là: “Hàng ế chất chồng chờ Tết đến. Nợ đòi réo rắt đón xuân sang”.

"Mình không thích lắm nhưng mà nó đúng như thế, không thể hay hơn được", ông Nghĩa thanh minh về đôi câu đối mừng xuân không được lạc quan như mong đợi, khi kết quả khảo sát về nợ nần, rồi hàng tồn kho ứ đọng..., khiến ông khá nặng nề.

Vậy nên, qua thông điệp đã được người đứng đầu Chính phủ đưa ra tại một số diễn đàn về chính sách cho năm nay, ông Nghĩa hy vọng trong năm 2012, khó khăn của doanh nghiệp sẽ được giảm thiểu.

Đã có một vài dấu hiệu để phục hồi thị trường bất động sản và chứng khoán, chính sách tiền tệ chắc cũng sẽ có điều chỉnh nhất định..., để xử lý tổng thể khó khăn, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, ông Nghĩa nhìn nhận.

"Xuân này vẫn khó quá xuân qua", dù đã mượn thơ để nói, song dự báo của TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vẫn không mấy lạc quan.

Theo ông, thông điệp có thể nói là bất di bất dịch, một thông điệp mà không thể để thị trường lầm lẫn được, là năm tới chính sách vĩ mô của Việt Nam vẫn hết sức chặt chẽ, cả chính sách tài khóa và tiền tệ.

Bình luận là dù các chỉ tiêu kinh tế đã được đặt ra ở mức khiêm nhường, song theo ông Thành, tăng trưởng GDP 6% là mức mà rất nhiều nhà kinh tế không nghĩ là có thể đạt được.

Bên cạnh đó thì đầu tư nhà nước giảm, thu hút đầu tư nước ngoài sẽ khó khăn.

Cũng theo vị chuyên gia này thì tinh thần chung của 2012 không chỉ vật lộn với câu chuyện vĩ mô ngắn hạn, ổn định cho bằng được, đưa lạm phát về 8-9% mà còn phải tốn không ít tiền của và thời gian khi tiến hành tái cấu trúc ba lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng.

Cho rằng sự đồng thuận rất cao trong cả hệ thống chính trị về quyết tâm tái cấu trúc nền kinh tế là điểm sáng nhất của năm qua, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, đây là cơ hội để gia cố ngôi nhà kinh tế từ móng, chứ không chỉ là trang trí nội thất.

Cũng theo phân tích của vị chuyên gia này thì mức tăng trưởng tín dụng năm 2012 cao hơn dự kiến 12% của 2011 có thể sẽ gỡ dần một số tảng băng của nền kinh tế hiện nay, giảm dần khó khăn cho doanh nghiệp.

Dự báo và cũng là hy vọng của ông là, trong năm mới này, những tín hiệu tích cực từ điều hành của Chính phủ sẽ rõ hơn để doanh nghiệp nhìn chính sách nhà nước giống như con tàu theo tín hiệu của hoa tiêu.

Nhấn mạnh quan điểm cá nhân, đạt được mức tăng trưởng  6% là cực kỳ khó, song chuyên gia Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia lại khá tin tưởng vào khả năng kiềm chế lạm phát ở một con số ở năm nay.

Theo ông, hiện tại những dự báo về kinh tế thế giới 2012 cực kỳ bất định, thay đổi thường xuyên nhưng đều theo xu hướng phục hồi chậm, xấu đi chứ không lạc quan hơn.

Còn ở trong nước, chính sách tài khóa so với 2011 là thắt chặt, "tôi dùng chữ thắt chặt tài khóa", vị chuyên gia này nhấn mạnh, với bội chi 4,8% GDP và tổng đầu tư công chỉ khoảng 33,5% GDP.

Về độ "cực kỳ khó" của con số tăng trưởng, ông Tuyển nói rằng, lịch sử và logic đều nói một điều là khi kiềm chế lạm phát phải hy sinh tăng trưởng.

Theo ông, nếu không có sự điều chỉnh cơ cấu đầu tư, cơ cấu tín dụng theo hướng chuyển nguồn lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho khu vực xuất khẩu và có sức lan tỏa lớn mà vẫn tập trung cho doanh nghiệp nhà nước như hiện nay thì đạt được 6% là mục tiêu rất khó.

Với lạm phát 9%, niềm tin của vị chuyên gia này là có khả năng làm được. "Sau những cú vấp ngã, tôi tin là chúng ta có thể làm tốt hơn chính sách tài khóa, tiền tệ trong 2012 này", ông nói.

Lạm phát giảm sẽ kéo theo lãi suất giảm cũng được ông Tuyển nhìn nhận như là một điểm tích cực khiến cho các doanh nghiệp dễ thở” hơn trong năm mới.

Kết quả của một nghiên cứu cho thấy, nếu lạm phát ở mức 9% thì lãi suất huy động của 2012 khoảng 11%, lãi suất cho vay có thể 14 - 15%, ông nói tiếp.

Tuy lạm phát 9% vẫn còn là rất khó với doanh nghiệp, song "dẫu sao cũng nhẹ nhàng hơn 2011", vị chuyên gia này chia sẻ.

Bên cạnh lãi suất có thể giảm ở mức khá mạnh, ông Tuyển cũng nhấn mạnh thông điệp Chính phủ đã thể hiện rõ ràng thái độ sẽ giảm mức huy động vào ngân sách nhà nước để nuôi dưỡng nguồn thu và tăng sức đầu tư từ khu vực tư nhân, tư tưởng chung là giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, theo đề xuất của nhiều chuyên gia kinh tế.

Kinh tế thế giới phục hồi chậm, còn nhiều biến động bất thường phải đối phó, lãi suất còn cao, tái cấu trúc nền kinh tế vừa mang lại cơ hội nhưng trước mắt có thể cũng phải chấp nhận hy sinh... ông Tuyển "gói’ lại dự báo về cả thách thức và cơ hội của 2012.