08:01 25/06/2015

Dự báo thời tiết sai, hậu quả nghiêm trọng, trách nhiệm thế nào?

Nguyễn Lê

Đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung quy định trách nhiệm của dự báo viên khi dự báo sai gây hậu quả nghiêm trọng

<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Đại biểu Đỗ Văn Vẻ đề nghị bổ sung quy định về bảo đảm chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo.</span>
<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Đại biểu Đỗ Văn Vẻ đề nghị bổ sung quy định về bảo đảm chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo.</span>
Chiều 24/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Khí tượng thủy văn trong lúc cơn bão số 1 chuẩn bị vào bờ.

Đăng đàn đẩu tiên là đại biểu Trần Văn Bản (Bình Định) – danh tính khá xa lạ trong các phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội - đã đề cập từ đường kính các sao cho đến Gia Cát Lượng trong Tam Quốc diễn nghĩa rồi cả các nhân vật lịch sử của Việt Nam để nói về mối tương tác của thiên, địa, nhân.

Theo bình luận của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì đây là các thông tin rất bổ ích về quy luật tự nhiên của vũ trụ cũng sẽ góp phần để chúng ta nghiên cứu xây dựng luật làm sao cho không trái với quy luật tự nhiên.

Với nhiều vị đại biểu khác, băn khoăn nằm ở chính chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ đề nghị cần bổ sung quy định về bảo đảm chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo, bởi đây là yêu cầu quan trọng nhất trong công tác phòng, chống thiên tai phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Hiện nay, trong xã hội đang có nhiều ý kiến về chất lượng dự báo, đặc biệt trong trường hợp dự báo sai, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, hoặc gây lãng phí trong công tác di dời dân ứng phó với bão, lụt, ông Vẻ nói.

Bởi vậy, đại biểu này cho rằng dự thảo luật nên xem xét, bổ sung quy định trách nhiệm của dự báo viên khi dự báo sai gây hậu quả nghiêm trọng.

Tất nhiên khi cán bộ công chức sai phạm thì đã được điều chỉnh bằng các quy định về Luật Công chức, viên chức, nhưng đây là một vấn đề rất nhạy cảm và xã hội hiện đang có nhiều ý kiến bức xúc về trách nhiệm khi dự báo sai, đại biểu Vẻ lập luận.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) cũng nêu thực tế trong những năm vừa qua có một số lần dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không chính xác dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng. Điển hình như năm 2006 dự báo sai cơn bão Chanchu đã gây hiệu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

Ông Luyến đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu để quy định cụ thể hơn việc dự báo. cảnh báo khí tượng thủy văn. Vị đại biểu này cũng cho rằng cần bổ sung một số quy định về trách nhiệm của cá nhân cơ quan, tổ chức trong trường hợp đưa tin hay cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không chính xác, gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến thiệt hại tính mạng, tài sản của nhân dân, của nhà nước và xã hội.

Đại biểu Luyến cũng nói rõ là đề nghị bổ sung trách nhiệm của dự báo viên đối với các trường hợp phát ra bản tin dự báo sai gây hậu quả nghiêm trọng và đề nghị không ghi trách nhiệm của hệ thống quốc gia dự báo vì trách nhiệm chỉ gắn với tổ chức, cá nhân chứ không gắn với hệ thống.

Bàn về các hành vi bị cấm, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) ủng hộ cấm các hành vi lợi dụng hoạt động khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu để xâm hại quốc phòng, an ninh quốc gia và cản trở phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, với quy định cấm các hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không có giấy phép như dự thảo đưa ra, đại biểu Minh cho là chưa có sức thuyết phục cao.

Vì trong các hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, vẫn có những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khác. Khi phát hiện được những nguy cơ liên quan đến sự không an toàn về thủy triều, về lưu lượng nước, về việc sạt, lở núi ..., dù không đăng ký hoạt động khí tượng thủy văn nhưng vì trách nhiệm với cộng đồng, họ có quyền cảnh báo, dự báo, cung cấp thông tin với các cơ quan có chức năng thì tại sao lại cấm họ.

Quy định như dự thảo luật sẽ làm hạn chế quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi phát hiện những nguy cơ, trong khi các trạm quan trắc về khí tượng thủy văn của nước ta hiện tại chưa thể phủ kín được ở tất cả các vùng, miền. Dù các cán bộ được giao nhiệm vụ có trách nhiệm đến đâu thì cũng không thể không dựa vào kinh nghiệm của nhân dân để có thể kịp thời phát hiện những nguy cơ, hoặc để ngăn ngừa các biến đổi khí hậu, ngăn ngừa thảm họa thiên tai, bà Minh góp ý.