12:01 19/02/2024

Dù chi trả mức lương hấp dẫn, doanh nghiệp vẫn khó tuyển lao động trình độ cao

Thu Hằng

Theo các chuyên gia, hiện nhóm lao động có trình độ cao vẫn rất thiếu hụt dù họ được chi trả mức lương hấp dẫn, khiến cho nhóm lao động thuộc phân khúc này ngày càng được săn đón…

Lao động có trình độ ngày càng được các doanh nghiệp ưu chuộng. Ảnh minh họa - N.Dương.
Lao động có trình độ ngày càng được các doanh nghiệp ưu chuộng. Ảnh minh họa - N.Dương.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thị trường lao động hiện tiếp tục được phục hồi, lực lượng lao động, số người có việc làm tiếp tục tăng so với năm trước.

LƯƠNG ĐẾN NGHÌN USD VẪN KHÓ TUYỂN NGƯỜI 

Tuy nhiên, số lao động kỹ năng còn thấp, lao động qua đào tạo bằng các hình thức khác nhau dù có tăng, song số có bằng cấp, chứng chỉ vẫn ở mức thấp, là thách thức trong việc hình thành đội ngũ lực lượng lao động chất lượng cao.

Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 70%, song tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt từ 27-27,5%. Trong khi đó, nhu cầu về nhóm lao động trình độ cao luôn được doanh nghiệp săn đón, bất chất sự sụt giảm lao động ở một số phân khúc trình độ khác.

Xu hướng tuyển dụng được đề cập trong bản tin thị trường lao động quý 4/2023 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố mới đây đã phần nào củng cố cho nhận định này.

Theo đó, yêu cầu tuyển dụng lao động có trình độ từ đại học trở lên chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong quý 4/2023, với 53,7%. Đồng thời, có sự cách biệt khá lớn so với các nhóm trình độ còn lại, như không yêu cầu chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm hơn 7% và yêu cầu trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp cũng chiếm chưa đến 40%.

Từ thực tiễn làm công tác cung ứng nhân lực trung gian cho các doanh nghiệp, ông Trịnh Quang Thiệu, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Phát triển nguồn nhân lực Thiên An, cho hay nhu cầu về lao động có trình độ cao vẫn rất lớn, nhất là trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin, cơ khí, điện, điện tử…

Với các vị trí này, doanh nghiệp thường được đối tác có nhu cầu đưa ra mức lương trung bình từ 800 USD đến trên 2.000 USD tùy theo năng lực. “Trình độ chuyên môn, bằng cấp và ngoại ngữ là ba yếu tố nếu người lao động đảm bảo được thì doanh nghiệp luôn sẵn sàng chi trả mức lương rất cao”, ông Trịnh Quang Thiệu cho hay.

Cũng thừa nhận Việt Nam đang rất thiếu lao động trình độ cao, ông Đỗ Đức Chí, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cung ứng nhân lực Nhân Kiệt cho rằng, điều này có một phần bắt nguồn từ khâu đào tạo trước đây.

Theo ông Chí, thực tế khi các doanh nghiệp FDI có nhu cầu đầu tư và mở các nhà máy tại Việt Nam, họ luôn quan tâm đến nguồn nhân lực, song khi thực hiện phỏng vấn, tuyển dụng các lực lượng lao động có chất lượng cao thì rất khó. “Rõ ràng, việc đào tạo hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp đang có nhu cầu về nhóm nhân lực thuộc phân khúc trình độ này”, ông Đỗ Đức Chí nói.

Và điều hiển nhiên khi không tìm kiếm được nguồn lao động chất lượng cao trong nước, các doanh nghiệp FDI bắt buộc phải tuyển dụng lao động nước ngoài vào để thực hiện các công việc có tính chất chất lượng cao, đáp ứng phục vụ nhu cầu sản xuất.

“Tôi được biết phần lớn ở các doanh nghiệp FDI khi tuyển dụng nhân sự mang tính chất trọng yếu, then chốt hầu hết đều là người nước ngoài, đây là thực trạng rất đáng buồn cho lực lượng chất lượng cao của Việt Nam hiện nay”, ông Chí lo ngại và cho rằng, đây là vấn đề cần dành sự quan tâm lớn, từ đó thực hiện đào tạo được lực lượng lao động đáp ứng được yêu cầu cao của doanh nghiệp.

CHÚ TRỌNG NGAY TỪ KHÂU ĐÀO TẠO BAN ĐẦU

Theo các chuyên gia, không chỉ thiếu về số lượng, mà chất lượng, hay tính kỷ luật để hình thành đội ngũ lao động có trình độ cao cũng sẽ là những vấn đề cần chú trọng. Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cung ứng nhân lực Nhân Kiệt Đỗ Đức Chí nhìn nhận, một trong những hạn chế của lao động Việt Nam là tính kỷ luật.

Người lao động tìm việc. Ảnh - N.Dương.
Người lao động tìm việc. Ảnh - N.Dương.

Là đơn vị trung gian cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp, bao gồm nhiều doanh nghiệp FDI, ông Chí cho hay, đơn vị đã nhận được các phản hồi từ doanh nghiệp đối tác về việc một số lao động của chúng ta khi vào làm việc tại các doanh nghiệp này thì tính kỷ luật chưa cao, hiệu suất công việc chưa lớn. Trong khi đó, đây là những yếu tố được doanh nghiệp đánh giá rất cao bên cạnh trình độ.

Bên cạnh đó, quá trình đào tạo và thực tiễn khiến nhiều lao động khi vào doanh nghiệp phải đào tạo lại các kiến thức chuyên môn, mà theo ông Chí đây cũng sẽ là những vấn đề cần cải thiện trong thời gian tới.

Với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong Kế hoạch về triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội, vấn đề đào tạo nhân lực chất lượng cao tiếp tục được nhấn mạnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Theo đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, công tác đào tạo sẽ gắn kết chặt chẽ hơn với thị trường lao động, phù hợp với các giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, chú trọng đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chủ động xây dựng các chương trình đào tạo nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho lao động đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Việc thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực sẽ tiếp tục được đẩy mạnh…