09:23 20/12/2007

Dự đoán giá dầu 2008

Quốc Trung

Thế giới vừa trải qua một năm giá dầu liên tục tăng vọt sát ngưỡng 100 USD/thùng, đẩy giá các mặt hàng tăng theo

Năm qua, các công ty dầu lửa đã thu được lợi nhuận lớn nhờ giá dầu cao, nhưng theo các chuyên gia, nguồn lợi này đang giảm đi do khoản lãi từ ngành lọc dầu đang giảm.
Năm qua, các công ty dầu lửa đã thu được lợi nhuận lớn nhờ giá dầu cao, nhưng theo các chuyên gia, nguồn lợi này đang giảm đi do khoản lãi từ ngành lọc dầu đang giảm.
Thế giới vừa trải qua một năm giá dầu liên tục tăng vọt sát ngưỡng 100 USD/thùng, đẩy giá các mặt hàng tăng theo.

Các nhà phân tích của tập đoàn Citigroup tại New Yorrk, Mỹ cho rằng, giá dầu thô sẽ không thể tuột dốc, trừ khi xảy ra tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Dự đoán giá dầu sẽ khoảng 70-75 USD/thùng và khi đó các nước OPEC sẽ cắt giảm sản lượng như đã làm trong năm 2006 để ngăn cản giá dầu xuống quá thấp.

Nhiều yếu tố khiến giá dầu không giảm nhiều

Các nhân tố khác giữ giá dầu ở mức cao là nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông sẽ lớn hơn; những biến động chính trị ở các nước sản xuất dầu lớn như Iran, Iraq, Nigeria, khiến nhiều người lo ngại nguy cơ nguồn cung bị gián đoạn. Những vấn đề này đã thúc đẩy các ngân hàng cũng như các quỹ bảo hiểm đầu tư vào dầu lửa, khiến cho dầu thô vẫn đứng ở mức cao.

Một số nhà phân tích đã dự đoán giá dầu năm tới, trong đó mức giá 75USD/ thùng là phổ biến. Nhiều người cũng dự đoán do công suất lọc dầu của Mỹ vào mùa xuân sẽ thấp hơn và có thể đẩy giá xăng vượt mức kỷ lục tháng 5/2007 là 0,85USD/lít.

Giới phân tích cho rằng, cuộc tranh đua năng lượng giữa hai cường quốc đang trỗi dậy là Trung Quốc và Ấn Độ sẽ gia tăng trong năm 2008 vì cả hai nước đều săn lùng các nguồn năng lượng trên thế giới để thỏa mãn nhu cầu của nền kinh tế trong nước đang phát triển bùng nổ.

Nhu cầu nhiên liệu ngày càng tăng của Trung Quốc bắt nguồn từ nền công nghiệp khổng lồ của nước này vốn rất cần nhiên liệu để sản xuất mọi hàng hóa từ phân bón cho tới điện thoại di động. Theo số liệu của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), Trung Quốc hiện nhập khẩu gần 50% nhu cầu dầu lửa và trong năm 2006 nước này đã tiêu thụ khoảng 7,16 triệu thùng dầu/ngày.

Ước tình nhu cầu năng lượng của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ sau năm 2010. Từ năm 2002 đến nay, nhu cầu dầu lửa của Trung Quốc tăng khoảng 5-10%/năm và điều này góp phần làm cho giá dầu tăng lên gần 100 USD/thùng.

Nhu cầu năng lượng của Ấn Độ cũng tăng nhanh nhưng hiện vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với Trung Quốc vì nền kinh tế Ấn Độ dựa nhiều hơn vào dịch vụ. Ấn Độ hiện nhập khẩu khoảng 70% nhu cầu dầu lửa và năm 2006 tiêu thụ khoảng 2,45 triệu thùng dầu/ngày.

Giá dầu trong năm nay đã tăng lên gần 100 USD/thùng khiến chi phí đi lại, giá lương thực, đồ dùng leo cao. Giá năng lượng tăng cao cũng đã làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Các nền kinh tế giảm tiêu thụ năng lượng

Năm qua, các công ty dầu lửa đã thu được lợi nhuận lớn nhờ giá dầu cao, nhưng theo các chuyên gia, nguồn lợi này đang giảm đi do khoản lãi từ ngành lọc dầu đang giảm. Trong năm qua, giá dầu đã tăng nhanh hơn so với giá xăng và diesel.

Mặc dù nhận định giá dầu năm tới ở mức cao, song giới phân tích cho biết, có nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu về dầu lửa sẽ giảm và các nền kinh tế cũng đang nỗ lực giảm nhu cầu sử dụng dầu. Gần đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã giảm mức dự báo của năm 2008 và cho rằng nhu cầu dầu của thế giới trong năm 2008 chỉ tăng 2,3% lên mức 87,7 triệu thùng dầu/ngày; giảm so với mức dự báo cũ là 88,2 triệu thùng.

Rút kinh nghiệm sau cuộc khủng hoảng năng lượng những năm đầu 1980, Mỹ đã giảm một nửa tỷ lệ tiêu thụ năng lượng tính theo GDP. Kinh tế Mỹ ít phụ thuộc hơn vào công nghiệp chế tạo, công nghệ động cơ ô tô, máy bay đã được cải tiến giúp người tiêu dùng và các doanh nghiệp ít tiêu thụ năng lượng hơn. Các lĩnh vực khác như hệ thống sưởi ấm gia đình cũng có hiệu suất cao hơn.

Nước Mỹ được đánh giá đã có một nền kinh tế sử dụng năng lượng hiệu quả hơn trước đây. Theo thống kê, chi phí năng lượng ở Mỹ hiện chiếm khoảng 5-7% thu nhập sau thuế, thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục 7,9% năm 1981. Đây chính là điều lý giải vì sao giá dầu thô leo cao gần 100 USD/thùng mà không gây suy thoái kinh tế ở Mỹ.

EU mới đây cũng công bố sẽ đưa ra một loạt biện pháp nhằm cắt giảm 20% tiêu thụ năng lượng của khối này vào năm 2020, trong bối cảnh nhu cầu dầu khí và điện đang gia tăng trên thế giới, và nếu đạt kết quả sẽ tiết kiệm trực tiếp cho các nền kinh tế trong khối tới trên 100 tỷ USD vào năm 2020. Theo kế hoạch, EU sẽ thúc đẩy việc xây dựng những toà nhà, ôtô, máy phát điện và các thiết bị điện có hiệu suất sử dụng năng lượng cao hơn.