Dự kiến chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2025-2027
Bộ Tài chính đề xuất mức chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp năm 2025 là 1,46%, năm 2026 là 1,39%, năm 2027 là 1,36% tính trên dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trừ số chi đóng bảo hiểm y tế của người hưởng...

Bộ Tài chính, cơ quan được giao xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2025-2027, cho biết mục đích ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm cơ sở pháp lý để Thủ tướng Chính phủ giao dự toán về chi phí quản lý (tổ chức và hoạt động) bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2025-2027.
Trên cơ sở đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Trên cơ sở thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hệ thống các đơn vị làm công tác bảo hiểm thất nghiệp thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội (nay là ngành Nội vụ), Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2025-2027 (bao gồm cả năm 2025) đảm bảo phù hợp với thực tế.
Bộ Tài chính đề xuất mức chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp năm 2025 là 1,46%, năm 2026 là 1,39%, năm 2027 là 1,36% tính trên dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trừ số chi đóng bảo hiểm y tế của người hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (trong đó kinh phí thực hiện chính sách, chế độ đối với viên chức, người lao động theo quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP năm 2025 là 0,16%, năm 2026 là 0,01%, năm 2027 là 0,01%).
Bình quân giai đoạn (có bao gồm kinh phí thực hiện Nghị định số 178/2024/NĐ-CP) là 1,4%, giảm 0,14% so với giai đoạn 2022-2024 theo Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15.
Theo Bộ Tài chính, trường hợp số thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và số thu bảo hiểm y tế trong năm không đạt hoặc vượt dự toán, kinh phí tổ chức và hoạt động được tính trên số thực thu, thực chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và thực thu bảo hiểm y tế, phần chênh lệch tăng thêm so với dự toán được trích bổ sung vào quỹ bổ sung thu nhập, quỹ khen thưởng phúc lợi không vượt quá mức trích tối đa theo quy định về cơ chế tài chính bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Về chi tiền lương cho viên chức, người lao động: Mức chi tiền lương đối với viên chức và người lao động làm việc trong các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân, người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ngành Nội vụ giai đoạn 2025-2027, tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15 cho đến khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Theo quy định, chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp được xác định theo khối lượng công việc và giá dịch vụ tư vấn giới thiệu việc làm, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
Trong khi chưa có giá dịch vụ tư vấn giới thiệu việc làm, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, từ năm 2011 đến năm 2024, chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội (nay là ngành Nội vụ) được tính trên cơ sở 1.290 định suất lao động thực hiện bảo hiểm thất nghiệp và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên như đối với cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Năm 2023, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành đơn giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm sử dụng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (Quyết định số 1412 ngày 27/9/2023), chưa ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Do đó, chưa có cơ sở xác định đầy đủ chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp gắn với việc thực hiện nhiệm vụ (theo số lượng, khối lượng công việc, hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, số người được giới thiệu việc làm và giá dịch vụ sự nghiệp công về bảo hiểm thất nghiệp, giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm).