Du lịch Đà Lạt sắp có nhiều đổi mới
Có ý kiến cho rằng thành phố Đà Lạt không cần làm gì vẫn thu hút khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, đểcó thể sánh vai cùng các địa điểm du lịch nổi tiếng khác trên thế giới thì Đà Lạt cũng rất cần những sản phẩm du lịch độc đáo, ấn tượng…
Những năm gần đây, người trẻ tuổi đi du lịch Đà Lạt ngày càng nhiều với thị hiếu khám phá, trải nghiệm thực tế hơn là tới các điểm, khu du lịch để ngắm nhìn. Đối tượng du khách này rất “chịu chi” khi đi du lịch nên nguồn doanh thu từ các dịch vụ kèm theo tăng lên đáng kể. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp lữ hành tại TP Đà Lạt gần đây đang chuyển hướng tới đối tượng du khách trẻ tuổi.
Để đáp ứng thị hiếu của nhóm du khách này, các sản phẩm du lịch, dịch vụ cũng phải liên tục thay đổi, làm mới chính mình để hút khách. Điều này đã tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh của các địa điểm du lịch khiến chất lượng dịch vụ được cải thiện rõ nét. Điển hình, trong đợt nghỉ lễ 30/4 – 1/5 vừa qua, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Tuần lễ Vàng du lịch với nhiều hoạt động, sự kiện trải rộng, không chỉ ở khu vực TP Đà Lạt mà còn ở nhiều địa phương khác như huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đam Rông…
Ngày 5/7 mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch triển khai mô hình thí điểm phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Lạt. Theo kế hoạch này, các mô hình phát triển kinh tế đêm sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2022 – 2023, thành phố Đà Lạt sẽ phát triển 4 mô hình kinh tế đêm tại 4 địa điểm gồm:
Mô hình công viên nhạc nước tại Vườn hoa thành phố Đà Lạt với nhạc nước đa phương tiện, kết hợp giữa nước, nhạc và ánh sáng tạo nên những vũ điệu ấn tượng và đẹp mắt, tạo sức thu hút du khách, người dân; Lắp đặt sân khấu trên mặt nước, tổ chức biểu diễn nghệ thuật hằng đêm… Đây là mô hình tham quan có thu phí, được giao cho Công ty Cổ phần Dịch vụ Đô thị Đà Lạt thực hiện đầu tự từ nguồn vốn của đơn vị hoặc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Mô hình tuyến phố ẩm thực tại khu vực đường Trần Lê và hồ Hoàng Văn Thụ, phường 4, thành phố Đà Lạt với tổng chiều dài 900m với các món ăn đặc trưng của các vùng miền Việt Nam, trong đó chú trọng các món ăn truyền thống của địa phương. Với mô hình này, thành phố Đà Lạt sẽ phải xin ý kiến người dân tại khu vực. Nếu có trên 80% ý kiến đồng ý thì sẽ xây dựng phương án cụ thể.
Mô hình tuyến phố đêm tại các tuyến đường trong Khu Hòa Bình, đường Ba Tháng Hai, Trương Công Định, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Chí Thanh (Phường 1). Tại các tuyến phố này sẽ hình thành các cơ sở giải trí kết hợp ăn uống giải khát (club, bar, pub), trò chơi điện tử (game), cà phê, ẩm thực, mua sắm vào ban đêm. Mô hình này cũng sẽ được thực hiện nếu có trên 80% ý kiến người dân trong khu vực đồng ý.
Khu vực Quảng trường Lâm Viên (Phường 10) cũng sẽ được nâng cấp, tăng thời gian phục vụ và phát triển mới các dịch vụ mua sắm cao cấp, ẩm thực, vui chơi, giải trí hiện hữu… Tại khu vực giải trí công cộng sẽ là các hoạt động vui chơi, giải trí về đêm như đi bộ, chụp ảnh, trượt patin, văn nghệ đường phố…
Đặc biệt, trong giai đoạn 2024 – 2030, thành phố Đà Lạt sẽ phát triển mô hình khu phố đi bộ tại đường Trần Quốc Toản (đoạn từ giao lộ Đinh Tiên Hoàng - Trần Quốc Toản đến Vườn hoa thành phố) với chiều dài khoảng 1.600m. Tại đây sẽ tổ chức đa dạng các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, mua sắm, tham quan mặt hồ, chuyên chở khách bằng các thuyền trang trí đẹp từ khu vực Quảng trường Lâm Viên sang khu phố đi bộ (Từ cầu chữ Y đối diện Quảng trường Lâm Viên, cầu chữ Y đối diện Khách sạn Công đoàn sang các cầu chữ Y thuộc khu phố đi bộ)…
Mô hình Chợ đêm tại Khu vực Công viên Ánh Sáng cũng sẽ được phát triển ở giai đoạn này. Thành phố sẽ nghiên cứu quy hoạch, đầu tư, xây dựng hình thành chợ đêm mới với hình thức hiện đại, mỹ quan hơn, phương thức quản lý hiệu quả hơn thay thế cho mô hình chợ đêm hiện nay tại đường Nguyễn Thị Minh Khai. Khu vực Công viên mở - Nhà triển lãm - Đường sách tại Công viên Xuân Hương (Phường 3) sẽ được triển khai với việc xây dựng mới trung tâm triển lãm, dịch vụ văn hóa, giải trí; Xây dựng công trình đường sách dọc theo đường Hồ Tùng Mậu…
Ngoài ra, tổ hợp các khu, điểm du lịch như Thung lũng Tình yêu, Đồi Mộng mơ, Đồi Thống Nhất (Phường 8) cũng sẽ được lựa chọn để hình thành tổ hợp kinh tế đêm gồm các loại hình: Tham quan, vui chơi giải trí trong nhà và ngoài trời, dịch vụ ăn uống, mua sắm, biểu diễn nghệ thuật, vui chơi giải trí có thưởng... Công ty TNHH Du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng là đơn vị được giao thực hiện theo dự án được duyệt.
Lộ trình đặt ra là UBND TP Đà Lạt sẽ lập quy hoạch khu Công viên ánh sáng trình tỉnh xem xét, phê duyệt. Sau đó, địa phương sẽ xây dựng phương án đấu thầu theo hình thức cho thuê đất trả tiền 1 lần; tổ chức kêu gọi đầu tư, đấu thầu. Trong kế hoạch phát triển mô hình kinh tế đêm tương lai, Khu Trung tâm Hòa Bình sẽ hình thành khu trung tâm phức hợp đa chức năng với nhiều loại hình dịch vụ và giải trí hiện đại phục vụ cho người dân địa phương và khách du lịch theo quy hoạch Khu trung tâm Hòa Bình đã được phê duyệt.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, việc phát triển mô hình kinh tế ban đêm nhằm hình thành, phát triển các mô hình tham quan, mua sắm, giải trí mới lạ vào ban đêm nhằm khai thác, phát huy tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm của địa phương; qua đó góp phần tác động tích cực trong việc thay đổi diện mạo ban đêm của thành phố Đà Lạt, giảm tải áp lực giao thông cho khu vực trung tâm. Tỉnh này nêu quan điểm, phát triển kinh tế ban đêm nhưng phải hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045. Theo đó, TP. Đà Lạt là đô thị phát triển du lịch quốc gia và đô thị có đặc trưng về di sản. Đồng thời, những điều chỉnh đã được đưa ra để đáp ứng hiện tại và tương lai của thành phố; nhằm giải quyết những vấn đề hạn chế và ách tắc về giao thông, không gian đô thị đang bị phá vỡ đặc biệt là vùng lõi của Đà Lạt.
Theo Công ty nghiên cứu thị trường Outbox, 3 điểm du lịch nổi tiếng và ưa thích nhất cho du khách nghỉ dưỡng của giới trẻ Việt Nam hiện nay là Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng và Đà Lạt. Theo Vietnam Travel Market Tracker, Đà Lạt cũng là điểm du lịch được ưa thích thứ ba cho du lịch nghỉ dưỡng của giới trẻ Việt Nam vào quý 1/2023.