16:23 10/08/2022

Du lịch Đông Nam Á bùng nổ xu hướng lưu trú hạng sang

Tường Bách

Du lịch là ngành tạo ra nguồn thu chính cho Đông Nam Á. Ngành công nghiệp này chiếm khoảng 10% tổng sản phẩm quốc nội ở Việt Nam, Singapore và Malaysia và từ 20% đến 25% GDP ở Thái Lan, Campuchia và Philippines, theo báo cáo tháng 5/2022 do Ngân hàng Phát triển châu Á công bố… 

Sau hơn hai năm đóng cửa và kiểm soát biên giới, du lịch Đông Nam Á cuối cùng cũng đang trở lại thời kỳ trước đại dịch. Theo công ty phân tích dữ liệu chuyến bay Cirium, các chuyến bay đang dần trở lại mức năm 2019 ở các nền kinh tế lớn trong khu vực, với Singapore, Thái Lan và Malaysia là những điểm đến phổ biến nhất vào năm 2022. Tại Singapore, quốc gia có nhiều đặt chỗ chuyến bay đến nhất trong khu vực vào năm 2022, lượng đặt chỗ đã tăng từ khoảng 30% của năm 2019 vào tháng 1 lên 48% vào giữa tháng 6 năm nay.

Tuy nhiên, để gia tăng mức chi tiêu của du khách quốc tế trong tình hình ngành du lịch cần phục hồi doanh thu, Thái Lan đang đặt mục tiêu hướng tới nhóm khách hàng giàu có. Theo SCMP, Thái Lan đã khởi động chương trình thị thực dài hạn cho người nước ngoài thu nhập cao. Có cùng mục tiêu tương tự, để hồi sinh lĩnh vực du lịch và khách sạn vốn bị đại dịch Covid-19 tàn phá, Malaysia, Indonessia, Phillipine… đều đang nỗ lực quảng bá và nhắm tới những du khách hạng sang với nhu cầu đặt phòng ở phần khúc 4 – 5 sao cũng như những dịch vụ, trải nghiệm thượng lưu.

THU HÚT ĐẦU TƯ KHÁCH SẠN CAO CẤP

Vào ngày 8/7 vừa qua, khách sạn Hyatt đã ra mắt một cơ sở kinh doanh dưới thương hiệu cao cấp hàng đầu của mình ở trung tâm Jakarta gần dinh thự chính thức của tổng thống Indonesia. Khách sạn nằm trên 17 tầng cao nhất của tòa nhà 37 tầng. Sự tham dự của các bộ trưởng nội các chủ chốt tại lễ khai mạc đã nhấn mạnh cách chính phủ Indonesia thúc đẩy việc ra mắt khách sạn hạng sang, bao gồm cả việc nới lỏng các quy định về chiều cao của tòa nhà.

Một nghiên cứu của Nikkei Asia cho thấy 13 khách sạn 4 sao trở lên dự kiến mở cửa ở Jakarta từ năm 2021 đến năm 2026. Trong khi đó, thủ đô Bangkok cũng đang dự đoán tốc độ mở khách sạn cao cấp ngày càng nhanh. Theo Tophotelnews của Đức, 28 khách sạn 4 sao và 13 khách sạn 5 sao sẽ ra mắt tại thủ đô Thái Lan từ năm 2021 đến 2024.

Standard Hotels of the US đã khai trương cơ sở kinh doanh thứ hai tại Bangkok vào tháng 7, sau khi ra mắt tại điểm đến nghỉ dưỡng phía nam Hua Hin vào cuối năm 2021. Công ty khách sạn Mỹ Marriott International cũng sẽ mở một cơ sở kinh doanh tại Bangkok với thương hiệu hàng đầu Ritz-Carlton vào năm 2023. Nằm bên trong khu phức hợp thương mại One Bangkok sắp khai trương, khách sạn là một trong những cơ sở được mong đợi nhất trong thành phố.

Khách sạn Park Hyatt Jakarta chính thức mở cửa giữa trung tâm Tranquil Menteng, Jakarta.
Khách sạn Park Hyatt Jakarta chính thức mở cửa giữa trung tâm Tranquil Menteng, Jakarta.

Jakarta và Bangkok đã thu hút các khách sạn sang trọng khi kỳ vọng tăng trưởng kinh tế phục hồi, tập trung vào đối tượng du khách đi công tác. Một quan chức MNC cho biết, khách doanh nhân lưu trú với chi phí của công ty nên họ có thể chi trả nhiều hơn khách du lịch, và họ tìm kiếm những khách sạn có thứ hạng cao hơn để có được sự an tâm và tiện nghi.

Ngành khách sạn cho rằng cả Jakarta và Bangkok đều hứa hẹn trở thành “điểm đến MICE": các cuộc họp, khuyến khích du lịch, hội nghị và triển lãm. Các hội nghị và triển lãm quốc tế có tác dụng kinh tế lớn, vì khách du lịch chi tiền trước và sau các sự kiện. Indonesia và Thái Lan đều là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, tổ chức các cuộc họp quanh năm. Indonesia là thành viên duy nhất của Đông Nam Á trong Nhóm 20 quốc gia và là chủ tịch của nhóm trong năm nay. Trong khi đó, Thái Lan có nam châm hút khách của riêng mình - triển lãm ô tô lớn nhất khu vực, được tổ chức hàng năm tại Bangkok.

NỞ RỘ TOUR DU THUYỀN

Tại Đông Nam Á, Singapore, Malaysia và Indonesia là các quốc gia Đông Nam Á đầu tiên nối lại các chuyến du thuyền cao cấp của năm nay. Nhân lực ngành du lịch của Singapore, Malaysia và Indonesia những tháng gần đây cảm thấy phấn chấn bởi lượng khách đặt tour lưu trú du thuyền gia tăng khi các đơn vị khai thác thông báo nhiều cảng biển hoạt động lại kể từ đầu tháng 6, theo The Straits Times.

 
13 khách sạn 4 sao trở lên dự kiến mở cửa ở Jakarta từ năm 2021 đến năm 2026. Trong khi đó, 28 khách sạn 4 sao và 13 khách sạn 5 sao sẽ ra mắt tại thủ đô Thái Lan từ năm 2021 đến 2024.

Công ty Royal Caribbean tuyên bố sẽ tiếp tục tour qua nhiều nước kể từ cuối tháng 6, Resorts World Cruises cũng đưa ra thông báo tương tự chỉ sau ít ngày. Đầu tháng 7, du thuyền Spectrum of the Seas của công ty Royal Caribbean đã cập cảng Port Klang (Malaysia), còn Genting Dream của Resorts World Cruises đã đến cảng Bintan và Batam (Indonesia) vào cùng thời điểm.

Michael Goh, Chủ tịch Resorts World Cruises, trả lời rằng lượng khách đặt chỗ cho các tour trên du thuyền đã tăng gấp đôi. Phần lớn hành khách là người địa phương và quốc tế từ 3 quốc gia kể trên. Bà Sarah Wan, Tổng giám đốc Klook tại Singapore, nói nền tảng đặt vé du lịch này cũng chứng kiến lượng đặt phòng và tìm kiếm về các chuyến du lịch trên du thuyền hạng sang cũng tăng gấp 7 lần chỉ trong vài tháng gần đây.

Singapore và Kuala Lumpur (Malaysia) đều có vị trí quan trọng về thương mại trên eo biển Mallacca, 2 nơi đều là sự kết hợp giữa văn hóa bản địa của người Malaysia, từng chịu sự đô hộ của các nước phương Tây và sự di cư của người Hoa, người Ấn. Và một “điểm nhấn” độc đáo cho chuyến du lịch đa quốc gia này chính là hành trình du thuyền Genting Dream đẳng cấp 5 sao xuất phát từ Singapore đến Kuala Lumpur. Tận hưởng các tiện nghi đẳng cấp quốc tế hay xem các show diễn trên du thuyền và thử vận may của minh tại các khu casino trên du thuyền… là những trải nghiệm sang chảnh rất hút khách trong nửa đầu năm nay.

Tại Singapore, lượng đặt phòng và tìm kiếm về các chuyến du lịch trên du thuyền hạng sang cũng tăng gấp 7 lần chỉ trong vài tháng gần đây.
Tại Singapore, lượng đặt phòng và tìm kiếm về các chuyến du lịch trên du thuyền hạng sang cũng tăng gấp 7 lần chỉ trong vài tháng gần đây.

Trong một tuyên bố mới đây, Tổng cục Du lịch Singapore (STB) hy vọng ngành du lịch du thuyền nước này sẽ phục hồi về mức trước đại dịch trong năm 2023 - 2024. Trước đại dịch, ngành công nghiệp du thuyền của đảo quốc sư tử đã ghi nhận 1,8 triệu hành khách vào năm 2019. Ông Christopher Khoo, Giám đốc điều hành công ty tư vấn du lịch quốc tế Master Consult Services, nói rằng xu hướng này sẽ đem tới nhiều việc làm hơn cho người dân ở Singapore. "Những công việc như tài xế đưa đón ở các điểm trung chuyển hoặc nhân sự trên thuyền sẽ có nhiều cơ hội tuyển dụng hơn", ông Khoo lưu ý.

Vài năm trở lại đây, Việt Nam cũng đã nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những điểm đến thu hút tàu du lịch biển trong khu vực châu Á với hơn 400 chuyến tàu mỗi năm, đứng thứ 6 trong danh sách các nước có lượng du thuyền cập bến nhiều nhất trong khu vực vào, sau Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia.

Ông Farriek Tawfik dẫn số liệu từ Hiệp hội Các hãng du lịch tàu biển quốc tế (Cruise Lines International Association) cho thấy, nhu cầu du lịch tàu nghỉ dưỡng tại Đông Nam Á tăng nhanh không kém nhu cầu lưu trú tại các khách sạn hạng sang trên đất liền. Theo đó, mỗi du thuyền sẽ đóng góp vào nền kinh tế địa phương bằng việc sắp xếp chương trình du lịch địa phương cho khách khám phá cảnh quan, thăm quan mua sắm, thưởng thức ẩm thực, cũng như nhập thêm nguồn thực phẩm địa phương tươi ngon làm phong phú thêm cho các bữa ăn trên tàu.