Du lịch nội địa Nhật Bản “thất thu” giữa mùa hoa anh đào
Theo dự báo mới nhất của Hiệp hội Thời tiết Nhật Bản (JWA), hoa anh đào ở thủ đô Tokyo sẽ nở từ ngày 21/3 và đạt đỉnh điểm một tuần sau đó. Như vậy, mùa hoa anh đào ở Nhật Bản năm nay nở sớm hơn bình thường vào ngày 24/3 hàng năm...
Hoa anh đào dự kiến sẽ nở vào ngày 20/3 tại Nagoya và Fukuoka, thời điểm hoa nở đẹp nhất tại đây lần lượt rơi vào ngày 29/3 và 30/3. Ngoài ra, tại Osaka, anh đào bắt đầu nở từ ngày 23/3 và nở rộ vào ngày 31/3. Nếu du lịch tại đây, du khách có thể ghé thăm khuôn viên thành Osaka với hơn 3.000 cây anh đào nở rộ.
Tại thành phố Sendai ở Đông Bắc Nhật Bản, hoa nở nụ vào ngày 31/3 và đẹp nhất là ngày 3/4. Bên cạnh đó, hoa anh đào sẽ nở muộn nhất ở Sapporo vào khoảng 27 đến 30/4, nở rộ ngày 3/5. Tại Sapporo, du khách có thể ngắm hoa ở đường Shizunai với khoảng 3.000 cây anh đào hai bên đường hay công viên Asahiyama với hơn 2.000 cây anh đào núi rực rỡ.
Toàn bộ Nhật Bản được cho là sẽ ấm hơn trong suốt cuối tuần do hệ thống áp suất cao tiến từ Biển Hoa Đông đến phía Nam Nhật Bản. Tuy nhiên, nhiệt độ được dự đoán sẽ giảm trở lại vào ngày 20/3, với mức cao nhất là 11 độ C. JWA cho biết: "Mặc dù nhiệt độ dự kiến sẽ giảm tạm thời nhưng điều này sẽ không đủ để ảnh hưởng đến thời điểm nở hoa của hoa anh đào."
Hanami là lễ hội truyền thống lớn nhất của Nhật Bản được diễn ra vào tháng 3 đến tháng 5 hàng năm, khi hoa anh đào nở rộ. Tuy nhiên năm nay, ngân sách trung bình dự kiến cho việc ngắm hoa anh đào vào mùa xuân này ở Nhật Bản đã giảm so với năm trước do ảnh hưởng của lạm phát, theo Japan Times. Những người dự định đi xem hoa anh đào có thể sẽ chi trung bình 6.872 Yên (hơn 1,1 triệu đồng) mỗi người, giảm 0,9%, mặc dù số lượng người dự kiến đi được cho là cao hơn so với năm ngoái, công ty marketing Intage có trụ sở tại Tokyo đã thực hiện khảo sát và cho biết.
Cuộc khảo sát trực tuyến đã diễn ra với 2.500 người trong độ tuổi từ 15 đến 79 vào tháng 2 cho thấy, khoảng 57,8% nói rằng giá cả tăng đã ảnh hưởng đến hành vi của họ, khiến họ buộc phải thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí, bao gồm giảm chi tiêu khi đi ngắm hoa anh đào hoặc hạn chế toàn bộ những chuyến đi như vậy. Số lượng những người dự định đi ngắm hoa anh đào đã tăng 3,2 điểm phần trăm lên 34,5%, nhưng công ty Intage cho biết mức tăng này vẫn “hơi chậm” vì mùa hoa anh đào năm nay sẽ là mùa đầu tiên sau khi nước này dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế về đại dịch Covid-19.
Cuộc khảo sát cũng chỉ ra khi được hỏi nơi họ dự định đi du lịch để ngắm hoa nở thì tỷ lệ lớn nhất là 73,1% đã lựa chọn các "địa điểm gần và vào ban ngày”. Thêm nữa, những người dự định thực hiện một chuyến đi trong ngày hoặc lái xe đến địa điểm ngắm hoa anh đào nổi tiếng đã giảm 1,4 điểm xuống 13,5%, trong khi những người lên kế hoạch cho chuyến đi qua đêm giảm 0,6 điểm xuống 3,7%.
Bù lại, trong bối cảnh du lịch nội địa có thể “thất thu” trong năm nay, số lượng khách nước ngoài đến Nhật Bản năm nay để thưởng thức vẻ đẹp của hoa anh đào có thể tăng 32%. Ông Katsuhiro Miyamoto, Giáo sư danh dự tại Đại học Kansai ở Osaka, ước tính năm nay, tác động kinh tế của hanami ước tính vào khoảng 1.140 tỷ Yên (7,7 tỷ USD), gần gấp đôi so với mức 616 tỷ Yên của năm ngoái.
“Hanami, truyền thống thưởng thức hoa anh đào, đã trở thành một sự kiện toàn quốc từ lâu ở Nhật Bản và giờ đây đã trở thành tài sản du lịch, thu hút du khách nước ngoài", vị giáo sư bình luận. Tác động kinh tế gia tăng một phần nhờ vào việc giới chức bãi bỏ các hạn chế như cấm tụ tập, tiệc tùng. Ông Miyamoto còn chỉ ra các yếu tố khác góp phần tăng lợi ích kinh tế của hoạt động Hanami là giá các sản phẩm tăng cao, bao gồm cả đồ lưu niệm. Chi tiêu bình quân đầu người hàng ngày của du khách nước ngoài ước tính là 30.286 Yên, tăng so với mức 28.580 Yên của năm ngoái, do đồng Yên yếu hơn.
Dựa trên ước tính của công ty du lịch JTB cho năm 2024, khoảng 3,73 triệu lượt khách du lịch nước ngoài dự kiến sẽ đến thăm Nhật Bản trong mùa hoa anh đào nở. All Japan Tours, một công ty có trụ sở tại California và chủ yếu phục vụ khách hàng từ châu Âu và Mỹ, báo cáo lợi nhuận tăng 300% so với mức trước đại dịch. “Các tour du lịch theo nhóm của chúng tôi đang có nhu cầu lớn hơn, trong khi lượng đặt tour riêng đã kín chỗ,” ông Kiyoshi Katsume, đại diện của All Japan Tours cho biết.
Tổng lượng khách đến Nhật Bản vào năm 2024 dự kiến sẽ đạt 33,1 triệu. Theo công ty du lịch JTB, lượng khách quốc tế đã đạt con số 2 triệu trong tháng thứ 8 liên tiếp vào tháng 1, khi có 2,69 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm đất nước này. Với số lượng khách quốc tế tăng vọt, một số địa điểm ở Nhật Bản đã quyết định áp dụng các khoản thuế bổ sung.
Tuần trước, chính quyền tỉnh Osaka tuyên bố sẽ áp dụng các loại thuế mới đối với du khách nước ngoài và số tiền thu được từ thuế sẽ được tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch của khu vực. Chuyên gia trong ngành du lịch cũng nhất trí rằng với khoản thuế nhỏ bổ sung hàng ngày sẽ không gây quá nhiều gánh nặng cho khách du lịch hay ảnh hưởng đến số lượng khách đến. Hơn thế nữa, khoản thuế thu được này sẽ tái đầu tư thêm vào lĩnh vực du lịch.
Theo trang SCMP, ông Hirofumi Yoshimura, Thống đốc tỉnh Osaka tuần trước đã tuyên bố sẽ thành lập hội đồng xem xét loại thuế mới vào tháng 4 và kiểm tra tính hiệu quả của việc áp dụng thuế đối với chỗ ở hiện tại. Chính quyền tỉnh Osaka hiện cũng áp dụng mức thuế 100 yên/người tại các khách sạn có giá từ 7.000 yên đến 15.000 yên mỗi đêm. Mức thuế cũng tăng lên 200 yên đối với các khách sạn có giá từ 15.000 yên đến 20.000 yên/đêm và lên tới 300 yên mỗi đêm đối với các phòng ốc đắt tiền hơn. Theo ông Yoshimura, các loại thuế mới có thể sẽ được áp dụng ngay trước khi thành phố Osaka (Nhật Bản) đăng cai Hội chợ triển lãm thế giới 2025.
Tương tự, Koyasan - thị trấn nằm bên sườn của ngọn núi thiêng Koya, thuộc Wakayama - vào tháng 3/2024 đã xác nhận hội đồng thị trấn đang xem xét áp dụng thuế vào cửa. Mới đây, Thống đốc tỉnh Yamanashi cũng đã tuyên bố rằng những người leo núi hướng tới đỉnh núi Phú Sĩ sẽ phải trả 2.000 yên khi bắt đầu mùa leo núi năm nay. Biện pháp này được đưa ra để giảm tắc nghẽn trên tuyến đường, là một trong ba tuyến đường lên đỉnh và để chi trả cho việc cải thiện nhà vệ sinh và nơi trú ẩn công cộng.
"Có khá nhiều bằng chứng từ châu Âu, đặc biệt là Ý cho thấy khi áp dụng thu phí ở những nơi được du khách ưa chuộng thì số lượng khách du lịch lưu trú ngắn ngày sẽ giảm. Điều đó sẽ giảm bớt tình trạng quá tải khách nước ngoài, vốn là chủ đề nóng và là giải pháp mà Nhật Bản hướng tới vào thời điểm hiện tại," ông Ashley Harvey, nhà phân tích tiếp thị du lịch đã làm việc trong lĩnh vực du lịch Nhật Bản hơn 15 năm cho biết.