12:10 03/02/2023

Du lịch quốc tế năm 2023: Kỳ vọng xen lẫn thách thức

Tường Bách

Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, trong tháng 1 năm 2023, ngành du lịch đã đón và phục vụ 871.162 khách quốc tế, tăng 23,2% so với tháng 12/2022…

Ảnh: Saigontourist Travel
Ảnh: Saigontourist Travel

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đánh giá, đây là những tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động du lịch tiếp tục duy trì đà phục hồi và hoàn toàn vượt qua khó khăn sau hai năm dịch bệnh. Việc khách quốc tế bắt đầu quay trở lại Việt Nam cũng chứng tỏ hướng đi đúng đắn, kịp thời của ngành du lịch Việt Nam trong cơ cấu lại thị trường và chủ động làm mới sản phẩm của mình.

TÍN HIỆU TỐT TỪ ĐỊA PHƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP LỮ HÀNH

Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, dịp Tết Quý Mão, đơn vị đã đón và phục vụ đoàn khách quốc tế mang quốc tịch Pháp đầu tiên đến xông đất Việt Nam trong năm Quý Mão 2023 bằng đường hàng không. Cùng với đó, Saigontourist cũng đón hơn 200 khách mang quốc tịch Mỹ, Đức, Thụy Sỹ đến Việt Nam theo các hành trình liên tuyến 9 ngày trên sông từ TP.HCM đi Mỹ Tho - Cái Bè - Vĩnh Long - Sa Đéc - Châu Đốc và nối tuyến Campuchia…

Saigontourist cũng ghi nhận dấu hiệu phục hồi rõ nét của mảng du lịch quốc tế bằng đường biển khi chuẩn bị cung cấp dịch vụ lữ hành cho tàu biển Spectrum of the Seas với hơn 3.000 du khách và thuyền viên đa quốc tịch dự kiến cập cảng Nha Trang và Bà Rịa - Vũng Tàu từ ngày 26 - 27/2…

Tương tự, từ nay đến tháng 5/2023, các du thuyền của TUI Cruises như tàu Mein Schiff 5 liên tục ghé thăm Việt Nam với các điểm đến như TP.HCM, Vũng Tàu, Huế, Hạ Long. Bà Thủy Trần, Tổng Giám đốc Công ty Vivu Journeys Việt Nam cho biết mỗi tháng đơn vị này đón 2 chuyến tàu Mein Schiff 5 tại cảng Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu. Các đoàn khách có quy mô từ 1.500 - 2.000 người, phần lớn mang quốc tịch Đức. 

Đại diện Vivu Journeys tin tưởng rằng du lịch tàu biển sẽ bùng nổ tại Việt Nam: "Sau những chuyến tàu đầu tiên, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía hãng tàu. Bằng chứng là trong năm 2023 công ty sẽ đón thêm 3 con tàu quốc tế khác. Vivu Journeys sẽ chuẩn bị tốt nhất để du khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn và có những ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam".

Là một doanh nghiệp lữ hành có thị trường truyền thống tại Trung Quốc, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại du lịch Viettourist thì đặt kỳ vọng vào thị trường tỷ dân. “Với việc mở cửa của Trung Quốc, doanh nghiệp sẽ đạt được mục tiêu đón khoảng 4.000-5.000 lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam và đưa khách Việt Nam đi Trung Quốc. Đây là thị trường được chúng tôi đánh giá rất tiềm năng khi doanh số mang lại khá cao trong tổng thu nhập của doanh nghiệp trước Covid-19,” ông Hải nói.

Trong tháng 1/2023, ngành du lịch đã đón và phục vụ 871.162 khách quốc tế.
Trong tháng 1/2023, ngành du lịch đã đón và phục vụ 871.162 khách quốc tế.

Ngày 1/2, Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, trong dịp đầu năm Quý Mão 2023, Đà Nẵng chào đón hơn 1.200 khách MICE. Cụ thể có đoàn 33 khách công ty IndiaRF đến từ Ấn Độ của Lữ hành Sannatour vào ngày 17/1/2023; đoàn 81 khách của công ty SK Finance Limited của Ấn Độ tại Sandy Beach Resort ngày 18/1/2023; đoàn 44 khách của công ty Rockman Industries đến Đà Nẵng vào ngày 28/01/2023; đoàn 500 khách của Công ty Allybuild Việt Nam do Viettravel khai thác vào ngày 02/02/2023. Đặc biệt thành phố vừa chào đón gần 500 khách Ấn Độ tham dự đám cưới ngay trong những ngày đầu năm tết Âm lịch Quý Mão 2023.

Theo Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP. Đà Nẵng, thời gian đến thị trường khách MICE quốc tế đến Đà Nẵng có nhiều khởi sắc. Các đơn vị lữ hành, sự kiện đã đăng ký hơn 350 khách Malaysia vào tháng 03/2023; đoàn 2.000 khách Indonesia của Viking Travel đến Đà Nẵng vào tháng 4/2023 và nhiều đoàn khách nội địa và quốc tế khác. 

Để thúc đẩy phát triển thị trường khách MICE, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Chương trình hỗ trợ khách công vụ (MICE) năm 2023. Trong đó, các đoàn khách công vụ nội địa và quốc tế đến với Đà Nẵng được chào đón tại sân bay bằng mô hình checkin của MICE Đà Nẵng, băng rôn chào đón đoàn, hoa cho trưởng đoàn và quà đặc sản Đà Nẵng cho thành viên trong đoàn.

CẦN GỠ “NÚT THẮT” VISA

Tính chung, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1/2023 đạt trên 871.000 lượt người, tăng 23,2% so với tháng 12/2022.  Trong đó, Hàn Quốc vẫn dẫn đầu thị trường khách quốc tế tới Việt Nam với 258.946 lượt người, chiếm gần 1/3 lượng khách quốc đến Việt Nam trong tháng đầu năm. Đứng thứ 2 là khách đến từ Mỹ với ước đạt 77.897 lượt người. Nguồn khách từ thị trường này tăng vọt nhờ lượng kiều bào về quê ăn Tết đông đảo. 

Trong năm 2023, khi các điều kiện trao đổi khách thuận lợi hơn, không chỉ Hàn Quốc mà các thị trường trọng điểm khác của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản cũng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trở lại. Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp hàng không - du lịch - lữ hành đều đang nghiên cứu, xây dựng và tung ra những sản phẩm mới, độc đáo, cùng dịch vụ, tiện ích chất lượng đi kèm chi phí hấp dẫn, để sẵn sàng kịch bản đón số lượng lớn khách quốc tế tới Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Vietravel, trong năm 2023, mảng khách inbound vẫn còn nhiều thách thức. "Chúng tôi kỳ vọng nhiều chính sách mới được ban hành hỗ trợ ngành du lịch cất cánh sau nhiều năm gặp khó", bà Hoàng chia sẻ. Tương tự, ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt Tours nhận định du lịch inbound thế giới chưa nước nào vượt qua 50% lượng khách của năm 2019.

 
Năm 2022, Thái Lan đón hơn 10 triệu khách quốc tế, Việt Nam là 3,5 triệu, tron khi con số này của năm 2019 là gần 40 triệu và hơn 18 triệu. 

Vấn đề thị thực được xem là một trong những vấn đề lớn của du lịch Việt Nam, khiến nước ta chưa thu hút được nhiều khách quốc tế thời gian qua. Theo dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, Bộ Công an cần triển khai thực hiện chính sách tăng thời gian miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày. Dự thảo chỉ thị do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, vừa kết thúc lấy ý kiến các bộ, ngành.

Thay đổi chính sách visa theo hướng thông thoáng, tiện lợi cho du khách thì mới tăng được tính cạnh tranh điểm đến Việt Nam.
Thay đổi chính sách visa theo hướng thông thoáng, tiện lợi cho du khách thì mới tăng được tính cạnh tranh điểm đến Việt Nam.

Theo dự thảo, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chính sách thị thực điện tử với tất cả thị trường khách quốc tế, tăng thời gian miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày đối với các nước đã được áp dụng chính sách miễn thị thực. Ngoài ra, bộ này cần tăng cường giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình, thủ tục cấp thị thực điện tử. Đơn giản hóa quy trình kiểm soát thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, hải quan tại cửa khẩu đường không, đường bộ, đường biển, bảo đảm nhanh chóng và tiện lợi nhất cho khách quốc tế đến Việt Nam.

Các chuyên gia cũng cho rằng thay đổi chính sách visa theo hướng thông thoáng, tiện lợi cho du khách thì mới tăng được tính cạnh tranh điểm đến Việt Nam. Ngoài ra, các chương trình quảng bá điểm đến, xúc tiến thị trường cũng cần được thiết kế lại, hoàn thiện các sản phẩm du lịch, quản lý tốt các điểm du lịch. Đặc biệt những hình ảnh ở cửa ngõ sân bay, cửa khẩu cần phải cải thiện, thân thiện hơn.

Cùng chung các đề xuất để thu hút khách quốc tế, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) đề nghị hệ thống visa điện tử thực sự cần được quan tâm ngay trước mắt về những vấn đề như: việc cấp visa điện tử nên được mở rộng cho tất cả các quốc gia; tên miền nên được thay đổi để khách nước ngoài dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm trực tuyến; cần cắt giảm các đại lý dịch vụ có trang web giống như các kênh chính thức cấp visa... Việc truy cập trang web và giao diện thân thiện với người dùng cần được cải thiện. Hệ thống cần được xem xét lại để có thể làm đơn giản, dễ dàng hơn để có thể trả lời cho khách một cách nhất quán và nhanh chóng.