14:20 09/11/2022

Du lịch Thanh Hóa hướng đến mục tiêu thu hút hơn 11 triệu lượt du khách

Thiên Anh - Mạnh Linh

2022 là năm phát triển đột phá của ngành du lịch Thanh Hóa. Theo thống kê của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Thanh Hóa đang đứng thứ 3 cả nước về khả năng thu hút khách du lịch, xếp sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội...

Bà Vương Hải Yến, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa
Bà Vương Hải Yến, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa

Để hiểu hơn về chiến lược thúc đẩy "công nghiệp không khói" tại địa phương này, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với bà Vương Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.

Năm 2022, Du lịch Thanh Hóa đón hơn 10 triệu lượt du khách, tổng doanh thu xấp xỉ 20.000 tỷ đồng. Theo bà đâu là nguyên nhân dẫn đến bước phát triển đột phá này?

Theo số liệu thống kê, 10 tháng đầu năm 2022, khách du lịch đến Thanh Hoá đạt 10.557.700 lượt khách, tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021, đạt 105,6% kế hoạch năm 2022; Tổng thu du lịch đạt: 19.340 tỷ đồng, tăng gấp 4,1 lần so với cùng kỳ 2021, đạt 107,9% kế hoạch 2022.

Dự kiến năm 2022, Thanh Hoá ước đón 11.011.000 lượt khách, tăng gấp 3,22 lần so với năm 2021, đạt 110,1% kế hoạch; Tổng thu du lịch ước đạt 20.038 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2021, đạt 111,8% kế hoạch.

Đạt được kết quả trên, có nhưng nguyên nhân cơ bản sau:

Về khách quan, nhu cầu đi du lịch của người dân tăng cao sau 2 năm bị gián đoạn bởi ảnh hưởng của Covid-19; thời tiết thuận lợi cho du lịch biển - loại hình du lịch có thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa.

Về chủ quan, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tích cực, chủ động, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư; chuẩn bị tốt các điều kiện về an ninh, an toàn, nhân lực, vật lực để sẵn sàng đón và phục vụ khách du lịch ngay sau khi "mở cửa" trở lại; tổ chức thành công trên 50 sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm, đặc biệt là các dịp nghỉ lễ 30/4-01/5 và 02/9; các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh chủ động, tích cực đầu tư, làm mới sản phẩm, dịch vụ, thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách du lịch.

Để giữ đà tăng trưởng bền vững, theo chiến lược phát triển du lịch Thanh Hóa trong thời gian tới có gì mới?

Để giữ đà tăng trưởng bền vững, chiến lược trong thời gian của Thanh Hoá bao gồm 2 yếu tố. 

Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh.

Tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Lượng du khách đến Thanh Hóa tuy đông nhưng thời gian lưu trú và mức chi tiêu bình quân của du khách còn thấp, ngành du lịch có biện pháp gì để giúp du khách sử dụng nhiều hơn các dịch vụ, trải nghiệm?

Để kéo dài thời gian, tăng khả năng chi tiêu của khách du lịch, trong thời gian tới, ngành du lịch Thanh Hóa tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể sau đây:

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch, nhất là các dự án quy mô lớn đã và sẽ khởi công tại Thanh Hóa của Sun group, Flamingo, T&T, BRG, TNR, Sao Mai… đi vào hoạt động nhằm đem sản phẩm dịch vụ du lịch đẳng cấp, chất lượng cao.

Tiếp tục thực hiện đa dạng các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, tập trung vào các các thị trường khách có khả năng chi trả cao và khách quốc tế.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng được tiêu chuẩn chuyên môn cao và khả năng hội nhập quốc tế.

Ngành du lịch Thanh Hóa đang tích cực chuyển đổi số, ra mắt nhiều sản phẩm du lịch thông minh. Thanh Hóa đã chuẩn bị như thế nào cho thời đại du lịch 4.0?

Chúng tôi đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhằm nâng cao năng lực quản lý, hình thành những kỹ năng cơ bản, trở thành là những người tiên phong trong cuộc cách mạng này.

Tăng cường ứng dụng công nghệ nhằm đáp ứng xu hướng nhu cầu du lịch, sẵn sàng tiếp cận du khách, đảm bảo sự xuất hiện của du lịch Thanh Hóa trên các nền tảng du lịch trực tuyến, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo nên những trải nghiệm mới cho du khách.

Tích cực chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước. Dự án du lịch thông minh tại Thanh Hóa được triển khai trong 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 tập trung xây dựng ứng dụng du lịch thông minh và thực hiện thành công số hóa nhiều địa điểm du lịch của Thanh Hóa với các tính năng: Trải nghiệm du lịch VR 360; trải nghiệm du lịch nội khu bằng công nghệ thực tế ảo tăng cường AR; tìm kiếm và tra cứu thông tin du lịch… Hiện tại tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với Mobifone thực hiện số hoá du lịch tại các địa danh nổi tiếng như: Khu di tích Lam Kinh, Pù Luông, Thành nhà Hồ, Đền Nưa - Am Tiên. Giai đoạn 2 sẽ tập trung phát triển các tính năng nâng cao về kết nối các đơn vị kinh doanh lưu trú, lữ hành, nhà hàng, giải trí.

Hiện nay, du khách quốc tế đến Thanh Hóa còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những nguyên nhân là công tác xúc tiến, tiếp thị, quảng bá du lịch Thanh Hóa ra thế giới còn hạn chế. Ngành du lịch Thanh Hóa có kế hoạch quảng bá như thế nào về tiềm năng, vẻ đẹp của Xứ Thanh đến với du khách quốc tế?

Để tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến với Thanh Hoá trong thời gian tới, ngành du lịch Thanh Hoá sẽ triển khai một số nhiệm vụ quảng bá, xúc tiến du lịch sau:

Đăng cai tổ chức các sự kiện, Hội nghị liên kết, hợp tác du lịch Việt Nam, du lịch Thanh Hoá với các nước có thị trường gửi khách lớn. Dự kiến, năm 2023, tỉnh Thanh Hoá sẽ phối hợp với Tổng cục Du lịch đăng cai tổ chức Hội nghị hợp tác du lịch Việt Nam - Đài Loan lần thứ 10 tại Thanh Hoá.

Tham gia gian hàng và các sự kiện giới thiệu du lịch Thanh Hoá tại các Hội chợ Du lịch quốc tế (như Hội chợ du lịch Quốc tế ITE HCMC, Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hanoi, Hội chợ du lịch quốc tế Đà Nẵng…)

Tổ chức đón các Đoàn Famtrip, Presstrip quốc tế đến khảo sát các khu, điểm du lịch và xây dựng, khai thác, chào bán cho du khách quốc tế các tour, tuyến du lịch đến Thanh Hoá.

Tham gia các chương trình xúc tiến du lịch cùng Tổng cục Du lịch tại các thị trường khách trọng điểm như: Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, Bắc Mỹ.

Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông du lịch Thanh Hóa với chủ đề “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” trên các nền tảng số như (Youtube, Facbook, Tiktok…) và quảng bá hình ảnh du lịch Thanh Hoá tại các cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng…); ứng dụng chuyển đổi số và du lịch thông minh tại các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, qua đó thu hút ngày càng nhiều khách du lịch quốc tế đến Thanh Hoá.

Xúc tiến mở các đường bay charter nối Thanh Hoá với các nước có thị trường gửi khách lớn (như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…) nhằm tăng lượng khách du lịch quốc tế đến Thanh Hoá.