10:11 13/06/2019

Dự luật dẫn độ đẩy Hồng Kông vào thế bế tắc

Bình Minh

Các cuộc biểu tình mấy ngày qua là một lời cảnh báo với chính quyền Hồng Kông về dự luật dẫn độ gây tranh cãi

Người biểu tình Hồng Kông bị cảnh sát bắn hơi cay trong cuộc xuống đường ngày 12/6 - Ảnh: Reuters.
Người biểu tình Hồng Kông bị cảnh sát bắn hơi cay trong cuộc xuống đường ngày 12/6 - Ảnh: Reuters.

Chính quyền Hồng Kông sẽ đóng cửa các cơ quan công quyền đặt ở quận tài chính của thành phố cho tới hết tuần này, sau khi người dân biểu tình rầm rộ phản đối một dự luật lần đầu tiên cho phép dẫn độ tội phạm từ Hồng Kông sang Trung Quốc đại lục xét xử.

Việc thảo luận dự luật trên tại Hội đồng Lập pháp (LegCo), tức nghị viện Hồng Kông, có thể tiếp tục bị trì hoãn.

Trong cuộc biểu tình ngày thứ Tư, hàng nghìn người đã bao vây tòa nhà trụ sở LegCo để ngăn việc dự luật dẫn độ được đưa ra thảo luận và kêu gọi xóa bỏ dự luật này. Dòng người biểu tình cũng làm tê liệt các con đường chính ở khu vực trung tâm của Hồng Kông. Trong các cuộc đụng độ, cảnh sát đã bắn hơi cay, đạn cao su, và dùng dùi cui để trấn áp và giải tán đám đông.

Đêm ngày thứ Tư, rào chắn mà người biểu tình dựng lên trên đường đã bắt đầu bị lực lượng chức năng dỡ bỏ. Đến sáng sớm ngày thứ Năm, chỉ còn vài chục người biểu tình còn có mặt ở khu trụ sở LegCo, trong khi công tác dọn dẹp bắt đầu.

An ninh vẫn được thắt chặt ở khu vực này, với nhiều cảnh sát chống bạo động đội mũ bảo hiểm và cầm khiên đứng làm nhiệm vụ.

Đêm ngày thứ Tư là đêm bạo lực thứ ba ở Hồng Kông kể từ khi cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ bùng lên vào ngày Chủ nhật. Đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất ở Hồng Kông kể từ năm 1997, khi Hồng Kông được Anh trao trả lại cho Trung Quốc đại lục.

Đến 10h đêm ngày thứ Tư, cơ quan y tế Hồng Kông cho biết đã có 72 người phải nhập viện vì bị thương trong cuộc biểu tình cùng ngày.

Theo hãng tin Bloomberg, các cuộc biểu tình mấy ngày qua là một lời cảnh báo với chính quyền Hồng Kông rằng nếu dự luật dẫn độ không bị xóa bỏ, thì biểu tình và bạo lực có thể sẽ diễn ra ở mức độ tồi tệ hơn phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ hồi năm 2014.

Hiện chưa rõ các nhà tổ chức biểu tình Hồng Kông có kế hoạch như thế nào cho ngày thứ Năm.

Chủ tịch LegCo là ông Andrew Leung vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức về việc khi nào thì việc thảo luận dự luật dẫn độ sẽ bắt đầu, sau khi bị hoãn trong ngày thứ Tư. Ông Leung đã dự kiến dành 66 giờ đồng hồ cho việc thảo luận hàng chục sửa đổi mà các nghị sỹ đối lập đề xuất. Ban đầu, việc thảo luận dự luật được dự kiến hoàn tất vào ngày 20/6.

Một số nghị sỹ đã bày tỏ quan điểm lo ngại rằng nếu việc thảo luận dự luật dẫn độ diễn ra trong ngày thứ Năm, biểu tình quy mô lớn sẽ lặp lại.

Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam chỉ trích bạo lực xảy ra trong ngày thứ Tư và kêu gọi nhanh chóng lập lại trật tự.

Dù thừa nhận dự luật dẫn độ gây tranh cãi, bà Lam từ chối rút lại dự luật, cho rằng dự luật là cần thiết để đóng "những lỗ hổng" mà bà cho là biến Hồng Kông trở thành một "thiên đường" cho các phần tử phạm tội bị truy nã ở Trung Quốc đại lục.

Trong khi đó, những người phản đối dự luật cho rằng dự luật này sẽ làm mất đi sự độc lập về luật pháp của Hồng Kông, theo đó làm sứt mẻ uy tín của một trung tâm tài chính hàng đầu thế giới.