Dự thảo Luật Trồng trọt: Phân bón nhập khẩu làm... quà tặng
Dự thảo Luật Trồng trọt có nhiều điểm kỳ lạ như giám định sức khỏe cho cây hay cho phân bón nhập khẩu làm quà tặng
Dự thảo Luật Trồng trọt được đưa ra thảo luận ở nghị trường với ý kiến của các đại biểu Quốc hội chỉ ra nhiều điểm kỳ lạ như giám định sức khỏe cho... cây, hay thể hiện rõ sự ưu tiên cho phân bón nhập khẩu để làm... quà tặng với số lượng không giới hạn.
"Tôi đọc quy định về canh tác gây hại tới sức khỏe con người, cây trồng, vật nuôi mà không hiểu ra làm sao", Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) băn khoăn, "cơ quan nào được giao nhiệm vụ giám định sức khỏe cho cây trồng sẽ phải nảy sinh thêm tổ chức biên chế và chờ Quốc hội ban hành Luật Sức khỏe cây trồng mới thực hiện được".
Thương doanh nghiệp vi phạm hơn thương dân
Vị Đại biểu này còn thắc mắc vì quy định đối với trường hợp đã có bằng chứng khoa học mới về phân bón có nguy cơ cao gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tổng hợp thông tin, đánh giá và xem xét hủy bỏ quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân được sản xuất, nhập khẩu phân bón này tối đa 6 tháng, được buôn bán sử dụng tối đa 12 tháng kể từ ngày quyết định công nhận phân bón lưu hành bị hủy bỏ có hiệu lực.
Theo ông Diến, nếu quy định như vậy thì chỉ mới quan tâm đến sức khỏe của doanh nghiệp vi phạm mà chưa thực sự quan tâm đến sức khỏe của người dân, sức khỏe của môi trường, thương doanh nghiệp vi phạm hơn là thương dân, thương cho môi trường.
Cũng liên quan đến phân bón, Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề cập đến quy định, phân bón nhập khẩu phải được Nhà nước kiểm tra về chất lượng, trừ các trường hợp phân bón để khảo nghiệm; phân bón làm quà tặng, hàng mẫu; phân bón tham gia hội chợ, triển lãm; phân bón phục vụ nghiên cứu khoa học là các loại phân bón không cần kiểm tra nhà nước về chất lượng khi nhập khẩu.
"Nếu với số lượng ít, vài kg để trưng bày thì không sao. Nhưng với số lượng lớn dùng để bón cho cây trồng mà không kiểm tra chất lượng trước khi sử dụng, bón nhầm phân kém chất lượng hay có yếu tố gây hại đến cây trồng, thiệt hại có thể không nhỏ", ông Quân nêu ý kiến và nhấn mạnh: "Với phân bón tham gia hội chợ, triển lãm là để giới thiệu, quảng bá sản phẩm bán cho người dân mua về sử dụng. Nếu không kiểm tra chất lượng, khi người dân mua về sử dụng phân bón không đạt chuẩn, kém chất lượng, gây ảnh hưởng thì rất khổ cho người dân. Đặc biệt là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, trình độ kiến thức có hạn nên rất khó phân biệt được phân chất lượng hay kém chất lượng".
Chưa thấy quy định trách nhiệm
Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) cho rằng, trong quản lý chất lượng nhãn, đặt tên, quảng cáo phân bón, dự thảo luật vẫn đặt nặng về quản lý cơ học trong cả đầu vào và đầu ra của sản xuất, nhập khẩu phân bón, song công tác hậu kiểm vẫn lơ là. Xuyên suốt dự thảo chưa thấy quy định trách nhiệm của cơ quan chức năng trong quản lý, sử dụng phân bón, chưa có quy định về cơ chế kiểm soát, phối hợp giữa các bộ, ban ngành địa phương trong quản lý phân bón. Nếu khâu tiền kiểm làm tốt nhưng hậu kiểm chưa sát sao liệu có thể quản lý được không?
"Tôi không rõ vì sao trong dự thảo luật lần này không đề cập đến chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất dưới các hình thức đa dạng, phù hợp với thực tiễn để phát triển sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, đồng thời cũng là điều kiện cơ bản để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn. Trong khi, đây là chính sách lớn, rất quan trọng, có tính tất yếu để nông nghiệp của nước ta nói chung và trồng trọt nói riêng phát triển hiệu quả, bền vững, tăng sức cạnh tranh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của nước ta", Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) phát biểu.
Ông Cảnh cũng bày tỏ nỗi lo, bức xúc về lương thực, thực phẩm tạo ra từ trồng trọt mà mọi người sử dụng hàng ngày chưa biết đâu là sạch, đâu là mất an toàn. Nhưng dự thảo luật đề cập vấn đề an toàn thực phẩm trong trồng trọt rất sơ sài, tản mạn.
Phân trần cùng các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong nông nghiệp, số đối tượng người dân tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp lĩnh vực trồng trọt rất đông. Đến nay, riêng GDP của khu vực trồng trọt chiếm 57% tỷ trọng nông nghiệp. Nếu năm nay xuất khẩu 40 tỷ USD về nông sản thì khoảng 20,5 tỷ là sản phẩm từ trồng trọt.
Đó là chưa kể gỗ và sản phẩm đồ gỗ. Ông Cường thông tin: "Cùng dự thảo luật này, chúng tôi có chuẩn bị 4 nghị định và 4 nghị định này đã chuyển cho cơ quan thẩm định để nay mai trình đại biểu Quốc hội. 4 nghị định đó gắn với 6 thông tư cùng một loạt tiêu chuẩn, quy chuẩn, sẽ giải quyết được những vấn đề một số đại biểu Quốc hội hỏi".