06:00 22/04/2022

Đưa dự án vào Chương trình Phục hồi, rút ngắn tiến độ cầu Đại Ngãi tới 22 tháng

Anh Tú

Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải, việc chuyển sang sử dụng nguồn vốn trong nước thay vì vay vốn ODA và đưa dự án xây cầu Đại Ngãi hơn 8.000 tỷ vào chương trình phục hồi, áp dụng chỉ định thầu có thể đẩy nhanh tiến độ lên đến 22 tháng, hoàn thành vào năm 2026...

Cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu nối hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh có thể hoàn thành vào năm 2026.
Cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu nối hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh có thể hoàn thành vào năm 2026.

Bộ Giao thông vận tải vừa có tờ trình số 3636 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.

Đáng chú ý, tại tờ trình lần này, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận không tiếp tục đề xuất sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản để xây dựng cầu Đại Ngãi và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho phía Nhật Bản. Đồng thời, chính thức đưa dự án này vào Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, quy mô đầu tư dự án giữ nguyên như phương án đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2019.

Dự kiến nhu cầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 cho dự án cầu Đại Ngãi cụ thể là: năm 2022 khoảng 320 tỷ đồng; năm 2023 khoảng 2.850 tỷ đồng; năm 2024 khoảng 1.150 tỷ đồng; năm 2025 khoảng 926 tỷ đồng. Nhu cầu vốn ngân sách nhà nước để chuyển tiếp thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 2.768,694 tỷ đồng.

Cũng tại tờ trình này, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Thủ tướng xem xét, phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Đại Ngãi để Bộ có cơ sở triển khai thực hiện công trình theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

 

Cầu Đại Ngãi là công trình hạ tầng giao thông quan trọng có quy mô lớn, cấp bách nên Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ cho phép dự án được áp dụng cơ chế đặc thù theo khoản 1, Điều 5, Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải, trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, việc chuyển sang sử dụng nguồn vốn trong nước và áp dụng cơ chế đặc thù có thể đẩy nhanh tiến độ dự án khoảng 11,5 tháng.

Đối với giai đoạn thực hiện dự án, khi chuyển từ đấu thầu quốc tế sang chỉ định thầu, thời gian lựa chọn nhà thầu tư vấn lập thiết kế kỹ thuật và dự toán theo phương án sử dụng vốn trong nước dự kiến rút ngắn khoảng 5,5 tháng; thời gian lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng dự kiến rút ngắn được khoảng 5 tháng.

Nếu triển khai quyết liệt, sử dụng vốn trong nước, dự án cầu Đại Ngãi hoàn toàn có thể hoàn thành vào năm 2026, tạo cú hích lớn về hạ tầng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước đó, từ năm 2017, Bộ Giao thông vận tải đề xuất Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cung cấp tài trợ nghiên cứu lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cầu Đại Ngãi.

Tháng 10/2019, dự án cầu Đại Ngãi được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt chủ trương đầu tư với vốn đầu tư giai đoạn 1 là 8.040,669 tỷ đồng (tương đương 39,405 tỷ yên), gồm vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản 7.054,64 tỷ đồng (34,573 tỷ yên); vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 986,035 tỷ đồng (4,832 tỷ yên). Thời gian chuẩn bị dự án từ năm 2018 đến năm 2021, thời gian thực hiện dự án là 5 năm kể từ khi hiệp định vay có hiệu lực.

Nhưng tới nay, JICA chưa cam kết tài trợ chính thức nguồn vốn đầu tư dự án, trong khi hình thức vốn vay theo Điều khoản đặc biệt dành cho đối tác kinh tế linh động vẫn còn nhiều nội dung cần thảo luận.

Theo phương án đầu tư bằng vốn ODA, ngay cả khi công tác đấu thầu, tổ chức thi công thuận lợi, dự kiến đến quý 2 năm 2025 mới khởi công và năm 2028 mới hoàn thành cầu Đại Ngãi.

Do tình hình xúc tiến đầu tư vốn ODA chậm nên thời gian vừa qua, cử tri, UBND và Tỉnh ủy tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng liên tục có văn bản gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị quan tâm sớm đầu tư dự án cầu Đại Ngãi.

Dự án cầu Đại Ngãi có điểm đầu giao với quốc lộ 54 tại huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Điểm cuối giao với đường Nam Sông Hậu, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Dự án sẽ xây dựng cầu Đại Ngãi 1, cầu Đại Ngãi 2 và đường dẫn, bao gồm một số cầu trung và cầu nhỏ trên tuyến. Tổng chiều dài toàn tuyến là 15,2km. Trong đó phần cầu dài 3,42km, bao gồm cầu Đại Ngãi 1 dài 2,56km, cầu Đại Ngãi 2 dài 860m; phần đường (bao gồm một số cầu trung và cầu nhỏ) dài 11,78km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h.

Để phù hợp với bố trí nguồn vốn, trước mắt phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đối với phần đường theo quy mô 2 làn xe, nền đường rộng 12m, các cầu trên tuyến có 2 làn xe, rộng 10,5m, không có dải phân cách giữa. Giai đoạn 2 sẽ mở rộng đường, cầu lên 4 làn xe, rộng 20,5m. Giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn thiện 4 làn xe thay vì chỉ giải phóng 2 làn xe như phương án đầu tư bằng vốn vay ODA.

Riêng cầu chính gồm cầu Đại Ngãi 1 và Đại Ngãi 2 trong giai đoạn 1 sẽ đầu tư hoàn chỉnh 4 làn xe, bề rộng cầu 17,5m.

Đây là dự án rất quan trọng đối với hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giúp rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải lưu thông hàng hóa, mở rộng giao thương và phân luồng, giảm tải cho Quốc lộ 1, rút ngắn khoảng cách 80 km so với sử dụng tuyến Quốc lộ 1 khi di chuyển từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về TP. Hồ Chí Minh, giảm thời gian di chuyển qua 2 phà vượt sông Hậu.