Đưa hàng Việt tới người tiêu dùng ngoại
Các sản phẩm cùng doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã có những chia sẻ về việc xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua con đường thâm nhập vào mạng lưới của tập đoàn phân phối nước ngoài.
Thưa ông, tại hội nghị các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu vừa qua, giải pháp nêu trên đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Bộ Công Thương có hành động gì để hình thức xúc tiến xuất khẩu này đạt hiệu quả nhất?
Thực hiện Chiến lược xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, trong đó có đề án thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu ra thị trường nước ngoài thông qua hệ thống phân phối nước ngoài, là nội dung quan trọng đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2015.
Năm 2018, Bộ Công Thương phối hợp với các tập đoàn phân phối nước ngoài đã lên kế hoạch triển khai hoạt động với trọng tâm là tập trung nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp để đủ khả năng xuất khẩu vào các hệ thống phân phối hiện đại trên thế giới.
Tuy nhiên, việc triển khai có hiệu quả và đồng bộ cần có sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là các sở công thương, các tổ chức xúc tiến thương mại, các hãng phân phối nước ngoài và đặc biệt là các doanh nghiệp, hiệp hội xuất khẩu Việt Nam.
Từ nhiều năm nay, xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối hiện đại được coi là hình thức xuất khẩu hiệu quả, bền vững được nhiều doanh nghiệp theo đuổi. Bộ Công Thương đã phối hợp với các nhà phân phối ở nước ngoài tổ chức nhiều Tuần hàng Việt Nam trong các chuỗi phân phối trên thế giới.
Theo Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, cả nước hiện có hơn 170 cơ sở bán lẻ thuộc loại hình FDI. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng cho các sản phẩm Việt Nam khi tham gia các kênh bán lẻ này?
Con số từ Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cho thấy, đến nay hơn 60% người tiêu dùng Việt Nam đã quan tâm tới cuộc vận động và ưu tiên mua hàng Việt Nam.
Trong các siêu thị, kể cả siêu thị của các tập đoàn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam thì hàng Việt chiếm lĩnh phần lớn. Điều này góp phần tiêu thụ hàng hóa của các nhà sản xuất, nhà nông dân tại ngay thị trường trong nước. Đây thực sự là kênh tiêu thụ hiệu quả cho sản phẩm của Việt Nam.
Tại Big C, 90% sản phẩm là hàng Việt, bên cạnh đó gạo, trái cây Việt Nam cũng được Big C xuất khẩu sang Thái Lan. Ông nhìn nhận ra sao về cơ hội xuất khẩu hàng Việt thông qua hệ thống phân phối của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam?
Doanh nghiệp của chúng ta hiện rất yếu về kinh doanh quốc tế cũng như hạn chế về tiềm lực quảng bá sản phẩm. Để xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam áp dụng nhiều biện pháp như xuất khẩu thông qua 1 doanh nghiệp thương mại rồi họ bán lại cho các khách hàng khác hoặc vào siêu thị.
Tuy nhiên, nếu chúng ta xuất khẩu trực tiếp cho các đối tác này, ưu thế là khi sản phẩm đã vào được một siêu thị thì cũng sẽ được chấp nhận ở toàn bộ hệ thống siêu thị của doanh nghiệp đó trên toàn thế giới.
Thông qua hệ thống này, sản phẩm sẽ trực tiếp đến tay người tiêu dùng cuối cùng, khi đó giá thành và thị trường rất tốt.
Hơn nữa, khi sản phẩm Việt đã được bán trong kênh phân phối nước ngoài thì đồng nghĩa với việc sản phẩm được đảm bảo về mặt chất lượng cũng như thương hiệu. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp Việt dần dần khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế.
Cơ hội thì có nhưng liệu các sản phẩm Việt Nam từ các siêu thị FDI trong nước có mặt được tại hệ thống của họ ở thị trường nước ngoài, thưa ông?
Chúng ta cần hiểu, các tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam thiết lập các hệ thống phân phối nội địa phục vụ người tiêu dùng trong nước. Có nghĩa là các hàng hoá hiện đang bán tại Việt Nam có yêu cầu khác so với xuất khẩu thông qua hệ thống phân phối của các tập đoàn đó ở nước ngoài.
Vấn đề đặt ra, để vào được hệ thống phân phối nước ngoài thì sản phẩm phải có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhà bán lẻ. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp hàng hoá có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, phải xây dựng thương hiệu. Để làm được điều này, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn, đào tạo, hội thảo cho các doanh nghiệp về kiến thức thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng. Quan trọng là làm thế nào để đáp ứng các yêu cầu của từng thị trường mà chúng ta nhắm tới.
Bộ Công Thương kỳ vọng gì trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận hệ thống phân phối nước ngoài?
Chúng tôi đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo Aeon, Central Group và đã bàn luận về việc gia tăng sản lượng hàng hoá Việt xuất khẩu sang hệ thống phân phối của tập đoàn này. Với Aeon, năm 2017 họ đã đưa hàng Việt vào hệ thống Aeon trên toàn thế giới là 200 triệu USD. Chúng tôi đã đề nghị Aeon, năm 2018 con số này tối thiểu phải tăng gấp đôi.
Rõ ràng, thông qua tập huấn, hội thảo, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được trang bị nhiều kiến thức thiết thực để thâm nhập thị trường cũng như thị hiếu của người tiêu dùng ở đó. Đồng thời, có các các biện pháp nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm.