09:01 07/02/2015

Đưa mắc-ca vào Tây Nguyên: Họ đã nói...

An Thơ

Một hội thảo lớn về phát triển mắc-ca tại Tây Nguyên đã diễn ra ở Đà Lạt sáng 7/2

Cây mắc-ca ghép sau khi trồng 3 đến 4 năm đã cho quả, sau 5 đến 6 năm có năng suất đáng kể và được tính là năm bắt đầu đi vào sản xuất.
Cây mắc-ca ghép sau khi trồng 3 đến 4 năm đã cho quả, sau 5 đến 6 năm có năng suất đáng kể và được tính là năm bắt đầu đi vào sản xuất.
Chính thức có mặt tại Việt Nam khoảng 10 năm nay, cây mắc-ca đang cho thấy những ưu thế rõ rệt so với một số cây trồng chủ lực khác như cà phê, tiêu, điều, đặc biệt tại Tây Nguyên, vùng đất được cho là có lợi thế về khí hậu, tự nhiên để trồng mắc-ca so với nhiều nơi trên thế giới

Một hội thảo lớn về phát triển mắc-ca tại Tây Nguyên đã diễn ra ở Đà Lạt sáng 7/2, do Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì.

VnEconomy lược trích một số ý kiến đáng chú ý tại hội thảo.

Cơ hội cho nông dân Tây Nguyên, Tây Bắc

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây


Là người nhiều năm nghiên cứu và trồng thử nghiệm mắc-ca, tôi thấy loại cây này có những ưu thế đặc biệt so với các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, tiêu và điều.

Trước hết, chu kỳ kinh doanh của cây mắc-ca là 60 năm, trong khi cây cà phê chỉ 20 năm là già cỗi, cần phải thay thế.

Về hiệu quả, so với các loại cà phê, tiêu, điều thì mắc-ca có ưu thế hơn hẳn. Năng suất hạt bình quân 1 ha là 3 tấn, nhân với 3,5 USD/kg hạt, tương đương 10 nghìn USD.

Nếu chế biến từ hạt sang đóng gói nhân hạt mắc-ca với giá bán hiện nay khoảng 15 - 18 USD, thậm chí trên 30 USD/kg (tùy thuộc vào tiêu chuẩn chất lượng) thì không có loại cây nào hiệu quả bằng.

Còn nếu để chế biến thành các loại bánh kẹo, đồ hộp, giá trị sẽ cao gấp 3 lần giá trị hạt nhân và nếu chế biến sang hàng hóa mỹ phẩm thì giá bán tăng lên gấp 20 lần, tương đương 280 USD/kg.

Xét về triển vọng, nhân hạt mắc-ca ngon, nhiều dinh dưỡng nên nhu cầu hàng năm của thị trường thế giới và Việt Nam rất lớn, cung không đủ cầu, giá bán vẫn cao.

Cây mắc-ca ghép sau khi trồng 3 đến 4 năm đã cho quả, sau 5 đến 6 năm có năng suất đáng kể và được tính là năm bắt đầu đi vào sản xuất. Đến năm thứ 12-15 năng suất hạt khoảng 3 tấn/ha, năng suất nhân hạt đạt 1 tấn/ha, với giá bán khoảng 700 ngàn đồng/kg thì giá trị sản xuất rất lớn.

Đến thời kỳ định hình, năng suất hạt có thể đạt 5 tấn/ha, khi đó thì 1 ha mắc-ca có thể tạo ra giá trị trên 1 tỷ đồng /ha/năm, cao hơn hẳn giá trị của nhiều loại cây trồng khác. Thị trường tiêu dùng mắc-ca rất lớn, hiệu quả trồng cây mắc-ca rất cao, đây là cơ hội tốt cho bà con nông dân các tỉnh Tây Bắc và Tây Nguyên.

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp ở nước ta vẫn là mặt trận rộng lớn nhất và thu hút nhiều lực lượng lao động nhất. Vì vậy, việc phát triển cây mắc-ca sẽ tạo được nhiều công ăn việc làm cho nông dân, đặc biệt là cho đồng bào các dân tộc miền núi, nhất là ở các vùng còn nhiều khó khăn ở Tây Bắc và Tây Nguyên.

Cần chính sách quy hoạch và sản xuất quy mô lớn

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Him Lam

Sau hơn cả chục năm cây mắc-ca được đưa vào trồng trong nước, đến thời điểm này, có thể nói Việt Nam bắt đầu manh nha hình thành một ngành kinh tế mắc-ca.

Tuy nhiên, cùng với đó, cần phải khắc phục một số điểm yếu đang tồn tại trong ngành nông nghiệp Việt Nam.

Điểm yếu đầu tiên là, quy hoạch vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn. Trên thực tế, tâm lý người nông dân Việt Nam vẫn muốn “sở hữu đất đai trọn đời” nên rất khó cho chính quyền cũng như doanh nghiệp trong việc quy hoạch vùng đất. Khi muốn phát triển một nền nông nghiệp quy mô lớn nhưng tích điền không đủ thì rất khó vươn tới khả năng sản xuất theo quy mô hàng hóa.

Thứ hai, cùng với tích điền, đòi hỏi phải có công nghệ tiên tiến dẫn dắt. Muốn có công nghệ cao thì phải nhập khẩu công nghệ với chi phí rất lớn. Do đó, bài toán vốn cho chi phí công nghệ cũng là nhân tố quyết định cho việc cây mắc-ca có thể trở thành hàng hóa hay không.

Thứ ba, mặc dù đã có chủ trương của Chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nhưng việc cụ thể hóa vẫn chưa rõ ràng; thậm chí, nhiều nơi còn né tránh vấn đề này do tính chất phi lợi nhuận.

Thứ tư, trình độ quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn yếu, những chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ Việt Nam chưa nhiều và chưa được quan tâm thích đáng. Riêng đối với mắc-ca, hiện Việt Nam vẫn chưa có nhiều chuyên gia về cây mắc-ca, còn chuyên gia về sản phẩm mắc-ca thì gần như chưa có.

Từ thực tế này, tôi cho rằng, muốn phát triển cây mắc-ca theo hướng bền vững, cần có chính sách quy hoạch và sản xuất quy mô lớn, khép kín chuỗi giá trị từ nghiên cứu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ.

Đồng thời, phải có chính sách cổ phần hóa đặc thù đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; trong đó, quy định nông dân có thể góp cổ phần bằng ruộng đất. Trường hợp doanh nghiệp cổ phần thua lỗ hoặc phá sản, người nông dân không bị mất ruộng đất.

Ngoài ra, cần tăng cường hơn nữa thu hút đầu tư trong nước và khuyến khích các mô hình liên doanh nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp, bởi các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mang đến công nghệ mới, phương thức canh tác mới để cải tiến các yếu tố lạc hậu. Đó cũng là động lực tạo ra sức ép cạnh tranh cho sản phẩm.

Liên quan đến xây dựng chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ mới vào Việt Nam, Nhà nước nên miễn thuế, giảm thuế khi nhập khẩu... Đồng thời, cần quy định và xây dựng lộ trình rõ trong việc nhập khẩu công nghệ phải đi liền với chuyển giao công nghệ và ứng dụng phù hợp thực tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi đối với các ngân hàng có tỷ lệ dư nợ cho vay các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bởi yêu cầu của dự án ứng dụng công nghệ cao là vốn nhiều, quy mô lớn nhưng khả năng thu hồi vốn lâu, trong khi đó ngân hàng là kênh dẫn vốn chính của nền kinh tế hiện nay.

Một số chuyên gia cũng đã đặt ra tầm nhìn là 10 năm nữa, cây mắc-ca có thể mang lại thu nhập cả tỷ USD cho Việt Nam. Để tầm nhìn đó trở thành hiện thực, chúng ta phải xác định chiếc chìa khóa vàng là công nghệ.

Muốn đẩy mạnh cho vay, cần sớm có quy hoạch

Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước)

Huy động vốn trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên trong 3 năm gần đây duy trì mức tăng trưởng bình quân 21,3% (năm 2012 tăng 31,5%, năm 2013 tăng 11,7% và năm 2014 dự kiến tăng 20,7%).

Tuy nhiên nguồn huy động vốn tại chỗ chỉ đáp ứng được 60,3% nhu cầu cho vay trên địa bàn; như vậy, trên địa bàn Tây Nguyên gần 40% dư nợ còn lại được các ngân hàng điều hòa vốn từ các khu vực khác để cho vay. Tăng trưởng tín dụng trong 3 năm trở lại đây duy trì mức tăng 15,2% (năm 2012 tăng 12,8%, năm 2013 tăng 19,1% và năm 2014 tăng 13,7%).

Được du nhập vào Việt Nam từ những năm 2000, các nghiên cứu đã khẳng định cây mắc-ca thích hợp trồng ở vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. Hiện nay, diện tích trồng mắc-ca của cả nước khoảng 1.600 ha, đứng vị trí thứ 11 trong số những quốc gia trồng loại cây này.

So với cây cà phê, thì mắc-ca có tuổi đời dài hơn, trồng một lần có thể thu hoạch cả trăm năm, hạt mắc ca có hàm lượng dinh dưỡng cao, được sử dụng trong một số lĩnh vực, như thực phẩm, mỹ phẩm...

Theo tính toán của các nhà chuyên môn, mỗi ha trồng mắc-ca có thể cho 3 tấn hạt, với giá 3,5 USD/kg hạt thì người trồng có thể thu được 200 triệu đồng/ha, và Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành nước sản xuất mắc-ca hàng đầu trên thế giới trong tương lai.

Việc đầu tư tín dụng đối với cà phê và các cây công nghiệp dài ngày khác trên địa bàn phải gắn liền với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trọng tâm là công tác quy hoạch ngành, sản phẩm nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và thực hiện mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị của sản phẩm.

Gần đây, các ngân hàng đã thực hiện thí điểm cho vay phát triển cây mắc-ca trên địa bàn Tây Nguyên. Để các ngân hàng đẩy mạnh cho vay trồng, chế biến, tiêu thụ mắc-ca, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm nghiên cứu và công bố quy hoạch phát triển cây mắc-ca trên địa bàn Tây Nguyên và cả nước.

Bộ Công Thương cần xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, gắn việc trồng trọt với chế biến và tiêu thụ.