11:26 11/05/2008

Đừng cưỡng ép nhà đầu tư vàng

Nguyễn Đức Thành

Trong mấy ngày qua, có tin Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đề xuất một số chính sách liên quan đến vàng

Nhu cầu nhập vàng của người dân, đơn vị kinh doanh và thậm chí cơ quan tiền tệ là có thật và chính đáng. Điều này phản ánh sự dịch chuyển tài sản được nắm giữ từ USD và các tài sản khác sang vàng để tối đa hoá lợi ích - Ảnh: Reuters.
Nhu cầu nhập vàng của người dân, đơn vị kinh doanh và thậm chí cơ quan tiền tệ là có thật và chính đáng. Điều này phản ánh sự dịch chuyển tài sản được nắm giữ từ USD và các tài sản khác sang vàng để tối đa hoá lợi ích - Ảnh: Reuters.
Trong mấy ngày qua, có tin Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đề xuất một số chính sách liên quan đến vàng.

>>“Kiến nghị của VAFI là chủ quan” / VAFI kiến nghị tăng thuế nhập khẩu vàng

Theo nguồn tin của VnEconomy ngày 9/5/2008, nội dung đề xuất của VAFI có thể tóm tắt vào hai điểm chính như sau: nâng thuế nhập khẩu vàng lên cao và đóng cửa các sàn giao dịch vàng hiện hành.

Lối tư duy “khó hiểu”

Quan điểm trên của VAFI bộc lộ một lối tư duy “khó hiểu” (xin tạm gọi như vậy) và mối nguy hiểm tiềm tàng trong hậu quả chính sách, nếu nó có khả năng được thực thi, mặc dù khả năng này có lẽ rất nhỏ.

Theo VAFI, do trong bốn tháng đầu năm, lượng vàng nhập khẩu đã lên tới 43 tấn, bằng một nửa khối lượng nhập khẩu trong cả năm 2007, với trị giá ước tính khoảng 1,2 tỷ USD. VAFI cho rằng với tốc độ nhập khẩu vàng như vậy sẽ khiến nhập siêu càng trầm trọng. Do đó, cần phải nâng thuế vàng lên từ 10-20% để hạn chế nhập khẩu và tăng thu ngân sách.

Trên thực tế, mối lo ngại về nhập khẩu vàng quá mức của VAFI là không có cơ sở vì hiện nay nhập khẩu vàng vẫn được kiểm soát chặt chẽ về hạn ngạch (70 tấn cho năm nay). Trong thương mại quốc tế, hạn ngạch có vai trò điều tiết tương tự như thuế nhập khẩu, nên việc nâng thuế là trùng lặp và không cần thiết.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nằm trong bản chất kinh tế của vấn đề.

Thứ nhất, nhu cầu nhập vàng của người dân, đơn vị kinh doanh và thậm chí cơ quan tiền tệ là có thật và chính đáng. Điều này phản ánh sự dịch chuyển tài sản được nắm giữ từ USD và các tài sản khác sang vàng để tối đa hoá lợi ích. Việc dịch chuyển này rất có ý nghĩa trong bối cảnh đồng USD diễn biến khó lường, cổ phiếu và bất động sản trong nước mất giá. Ngay cả với Ngân hàng Nhà nước, việc dịch chuyển cơ cấu dự trữ ngoại hối theo hướng này cũng là tích cực.

Thứ hai, việc đánh đồng vàng nhập khẩu với hàng tiêu dùng, và do đó là một phần nguyên nhân làm xấu thêm cán cân thanh toán, có thể xem là một ngụy biện của VAFI. Thực chất vào thời điểm này, vàng đang hội tụ đủ cả hai yếu tố ưu việt là tài sản lưu giữ giá trị và ngoại tệ mạnh có tính thanh khoản cao.

Lưu ý rằng theo thông lệ quốc tế, dự trữ của Ngân hàng Nhà nước được tính bao gồm cả ngoại tệ và vàng. Do đó, việc nhập khẩu một lượng vàng lên tới hàng tỷ đô la đi chăng nữa cũng không hề làm cán cân thanh toán xấu đi, vì về bản chất, đó chỉ là hành động đổi USD thành vàng.

Về mặt kinh tế, thì việc này thậm chí còn cải thiện tính bền vững của cán cân thanh toán, vì việc chuyển đổi làm dự trữ của một nước (nằm trong dân và trong Ngân hàng Nhà nước) được tái cơ cấu theo hướng lành mạnh hơn (thoát dần khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD đang trở nên yếu và kém lành mạnh).

Thứ ba, việc đề xuất nâng thuế vàng lên cao đột ngột trong một khoảng thời gian ngắn (kết hợp với kiến nghị xoá bỏ các sàn giao dịch vàng), rõ ràng là không có thiện chí, nếu không muốn nói là “ác ý”, với thị trường vàng.

Một phản ứng chính sách độc đoán như vậy, nếu xảy ra, sẽ gây ra những méo mó tai hại mà hậu quả dây chuyền chưa thể lường được đối với thị trường tài sản nói chung, và thị trường tài chính nói riêng, nơi VAFI được coi là có trách nhiệm đại diện một phần nào đó.

Triệt tiêu thay vì xây dựng

Đề xuất cấm các sàn giao dịch vàng cũng đặc biệt phản ánh lối tư duy “khó hiểu” nói trên của nhóm tác giả đề xuất của VAFI.

Bởi thứ nhất, việc hình thành tự phát (chưa có tổ chức của Nhà nước) của các điểm giao dịch hàng hoá là việc bình thường, nếu không muốn nói là phổ biến của nền kinh tế thị trường.

Nếu nó tự tồn tại được và hoạt động sôi nổi, điều ấy phản ánh việc thành lập điểm giao dịch đã và đang thoả mãn đúng một nhu cầu xã hội. Nhà nước chỉ nên có vai trò giám sát nhằm bảo đảm các hoạt động diễn ra minh bạch và văn minh.

Thứ hai, nếu chỉ đơn giản coi các sàn giao dịch vàng hiện nay là một sòng bạc hay ổ đầu cơ, thì cũng với lập luận phiến diện này, chúng ta đã có đủ lý do để đóng cửa thị trường chứng khoán từ giữa năm ngoái.

Thứ ba, việc đề xuất xây dựng các quy chế quản lý hoạt động trên sàn giao dịch vàng là cần thiết và đúng đắn, nhưng nó phải có tác dụng giúp các giao dịch diễn ra ngày càng nhiều và ổn định hơn, chứ không phải là triệt tiêu luôn các giao dịch đó.

Nguyên nhân thực sự?

Nguyên nhân thực sự của những kiến nghị can thiệp vào thị trường vàng là gì? Liệu có thể đặt câu hỏi về những mong muốn phản ánh quyền lợi nhóm qua các kiến nghị này?

Có phải những người đề xuất mong muốn ngăn chặn dòng vốn tiếp tục chảy vào vàng, vì họ hy vọng nó sẽ chảy trở lại thị trường chứng khoán để vực giá cổ phiếu lên? Hay phải chăng họ đang thực sự âu lo cho cán cân vãng lai của tổ quốc?

Nếu vì lý do thứ hai, thì như người viết đã thảo luận trên kia, tạm thời họ có thể gác mối lo sang một bên.

Còn trong trường hợp vì lý do thứ nhất, như nhiều người đã dự đoán, thì đó quả là một mong muốn nguy hiểm, khi họ sẵn sàng bắt đa số dân chúng phải tốn tiền của hơn cho một mức giá vàng cao, chỉ vì muốn thu lại chút lợi ích từ giá cổ phiếu. Ngay cả khi chính sách này được thông qua, chính những thành viên của VAFI cũng có thể sẽ bị tổn thương, vì những hậu quả mới chưa có tiền lệ của dòng vốn thặng dư đang lồng lộn chảy trong một môi trường chưa bình ổn.

Việc lựa chọn nắm giữ loại tài sản nào là quyền tự do của các nhà đầu tư, dựa trên mức giá, độ rủi ro, khả năng sinh lời và kỳ vọng của họ. Vì thế, việc sử dụng các biện pháp chính sách nhằm cưỡng ép họ phải rời bỏ loại tài sản này và buộc phải chuyển sang nắm loại tài sản khác có thể xem là một việc làm kém văn minh, và sẽ không thể tồn tại dài lâu trên thị trường.