Dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh chính, Garmex Sài Gòn sắp bị hủy niêm yết
Công ty không có phát sinh doanh thu và chi phí sản xuất đơn hàng, chỉ phát sinh một số chi phí không đáng kể cho nhân viên bộ phận trực tiếp và gián tiếp được giữ lại, chi phí duy trì, bảo dưỡng tài sàn cố định và hàng tồn kho.
Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh thông báo về việc sẽ xem xét hủy niêm yết bắt buộc đối với Công ty Cổ phần Garmex Sài Gòn (mã GMC-HOSE).
Theo HOSE cổ phiếu GMC hiện đang thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát theo Quyết định số 158/QĐ-SGDHCM ngày 04/04/2024 của HOSE do lợi nhuận sau thuế trên Báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán trong 02 năm gần nhất (2022-2023) của tổ chức niêm yết là số âm.
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra trường hợp: “Tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ 01 năm trở lên".
Căn cứ BCTC riêng và hợp nhất soát xét bán niên 2024 của GMC và văn bản số 735/CV-2024/AASCS ngày 16/12/2024 của Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán Phía Nam (AASCS) xác nhận thông tin như sau: "Công ty đã bị tạm ngưng sản xuất kinh doanh chính từ tháng 5 năm 2023 đến nay (đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán ngày 15 tháng 8 năm 2024)".
Cụ thể, công ty không có phát sinh doanh thu và chi phí sản xuất đơn hàng, chỉ phát sinh một số chi phí không đáng kể cho nhân viên bộ phận trực tiếp và gián tiếp được giữ lại, chi phí duy trì, bảo dưỡng tài sàn cố định và hàng tồn kho.
Do đó, HOSE thông báo về việc cổ phiếu này rơi vào trường hợp huỷ niêm yết bắt buộc và HOSE sẽ thực hiện huỷ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu GMC của Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn theo quy định.
Theo giới thiệu, được thành lập như một doanh nghiệp nhà nước, hay còn được biết đến là Liên hiệp Các Xí nghiệp May Thành phố Hồ Chí Minh, đến năm 2024, công ty cổ phần hóa với vốn Nhà nước tương đương 10% cổ phần, đến năm 2006, công ty niêm yết trên HoSE với mã chứng khoán là GMC. Năm 2019, công ty có 5 nhà máy có tổng diện tích hơn 10 héc ta với tổng số dây chuyền sản xuất là 70 chuyền và hơn 4.000 công nhân.
Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 của công ty, số lượng nhân viên của công ty tại ngày 31/12/2023 là 35 người, số lượng nhân viên tại ngày 31/12/2022 là 1.982 người và tại ngày 31/12/2021 là 3.810 người.
Được biết, ngày 5/12 vừa qua công ty đã có văn bản gửi HOSE thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh chính đến thời điểm hiện tại và kế hoạch khôi phục sản xuất kinh doanh chính của Công ty để HOSE và nhà đầu tư biết.
Cụ thể: công ty xác định ngành may mặc là ngành sản xuất kinh doanh chính của Công ty (May trang phục trừ trang phục từ da lông thú - Chi tiết: Công nghiệp may, sản phẩm chính: Quần áo may sẵn). Việc Công ty bị tạm ngừng sản xuất, kinh doanh chính (may mặc), không phát sinh doanh thu do thiếu đơn hàng để hoạt động từ tháng 05/2023 đến nay là nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, công ty vẫn phát sinh chi phí may mặc cụ thể như sau:
Năm 2023, do đơn giá thấp, không có đơn hàng nên Công ty chỉ tạm thời bị tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chính. Trong thời gian bị tạm ngừng sản xuất, công ty đã cơ cấu lại lao động, chi giữ lại một số nhân viên bộ phận gián tiếp và trực tiếp (Kinh doanh - Kế hoạch, Kỹ thuật, Kế toán, kho, cơ điện, máy móc thiết bị) để quản lý tài sản, hàng tồn kho và tiếp tục tìm kiếm đơn hàng, do đó Công ty vẫn phát sinh chi phí cho ngành may (bao gồm may mặc).
Trong quý 3 và quý 4/2024, công ty chưa có đơn hàng may mặc, nhưng có may mền và kinh doanh nhà thuốc nhưng doanh thu không đáng kể. Trong tương lai, nếu điều kiện thuận lợi Công ty sẽ khôi phục lại sản xuất kinh doanh chính. Hiện công ty cùng cổ đông lớn đang tìm đối tác Châu Âu, Mỹ để có đơn hàng khôi phục lại ngành may.
Về việc thanh lý tài sản: Năm 2020, do đại dịch Covid, công ty thiếu đơn hàng may mặc nên trong thời gian bị tạm ngừng sản xuất, Công ty đã rà soát lại tài sản và thanh lý một số ít tài sản cũ không có hiệu quả, không thanh lý hoàn toàn và sẵn sàng khôi phục sàn xuất khi điều kiện thuận lợi.
Mặt khác, công ty đang theo dõi, thúc đẩy Công ty cổ phần Phú Mỹ (Công ty liên kết) hoàn thành Dự án nhà ở Phú Mỹ để bán sản phẩm nhằm thu hồi vốn đầu tư đã góp vào Công ty cổ phần Phú Mỹ để thực hiện Dự án nhằm đem lại doanh thu và lợi nhuận cho Công ty.
Về kế hoạch khôi phục lại ngành may: Công ty đang tiếp xúc với khách hàng, nếu có đơn hàng, dự kiến sẽ triển khai may tại nhà máy Quảng Nam vào tháng 3/2025 và nếu thuận lợi thì dự kiến đến cuối năm 2025 sẽ khôi phục sản xuất tại nhà máy Quảng Nam với 1.200 lao động.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024, GMC ghi nhận lỗ quý 3 là 8,7 tỷ - cùng kỳ lỗ gần 11 tỷ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, GMC lỗ 7,95 tỷ - giảm mạnh so với số lỗ hơn 44 tỷ của quý 3/2023.
Tính đến ngày 30/9/2024, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm tăng từ 73,67 tỷ hồi đầu năm lên gần 82 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía công ty, trong quý 3/2024, doanh thu của công ty tăng so với cùng kỳ có là 42 triệu đồng do trong quý có phát sinh doanh thu may chăn từ nguyên phụ liệu tồn kho và kinh doanh nhà thuốc. Tuy nhiên doanh thu này không đáng kể.
Kết phiên 27/12, thị giá GMC dừng tại 7.400 đồng/cp, tương đương vùng giá 1 năm trước.