Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Tư vấn yêu cầu thêm hồ sơ, Tổng thầu Trung Quốc nói không có?
Vướng mắc 1% còn lại khiến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa thể đi vào vận hành do thiếu hồ sơ quản lý chất lượng
Như VnEconomy đề cập đến nguyên nhân đến nay dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể đưa vào khai thác dù đã hoàn thành đến 99%, Bộ Giao thông Vận tải cho biết do các thiết bị đã lắp đặt Tổng thầu Trung Quốc chưa cung cấp được đầy đủ các chứng chỉ, hồ sơ để hoàn tất đánh giá an toàn hệ thống.
Tổng thầu cũng chưa bổ sung đủ hồ sơ quản lý chất lượng nên Tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống là Tổng công ty Tư vấn ACT của Pháp chưa có đủ cơ sở xác định mức độ an toàn hệ thống và chưa đủ điều kiện để cấp chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định.
Như vậy, 1% tiến độ còn lại của đường sắt Cát Linh - Hà Đông khiến chưa thể vận hành con tàu này nằm ở vấn đề về hồ sơ.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng phải thừa nhận rằng, tồn tại lớn nhất hiện còn là tập hợp hồ sơ đi kèm như lắp đặt thiết bị, xuất xứ để nghiệm thu đưa vào vận hành tổng thể. Đến nay tư vấn độc lập đã có 6/14 báo cáo và hồ sơ sẽ tiếp tục được cung cấp tiếp để họ đánh giá tiếp. "Nguyên nhân chậm phần lớn do nhà thầu tập hợp, nếu làm đến đâu lưu đến đấy thì đã không chậm như thế", Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông nói tại cuộc họp báo quý 3 Bộ Giao thông Vận tải.
Điều đáng nói, trong khi Tư vấn độc lập, Bộ Giao thông Vận tải cần hồ sơ để đánh giá mức độ an toàn thì Tổng thầu Trung Quốc lại nói rằng không bổ sung được.
Tại buổi thị sát của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng sáng 1/10, ông Đường Hồng, Giám đốc điều hành dự án, Tổng thầu Trung Quốc nói: "Khi họ vào dự án và yêu cầu chúng tôi cung cấp một số hồ sơ, nhưng có những hồ sơ thời gian đã qua rồi nên hoặc là có hoặc không bổ sung được. Vướng ở đó, chủ yếu là về hồ sơ".
Đại diện Tổng thầu Trung Quốc còn cho rằng đơn vị đánh giá an toàn hệ thống tàu vào dự án hơi muộn. Theo quy định, đơn vị đánh giá phải vào dự án ngay từ khi xây dựng dự án, nhưng tư vấn vào dự án năm 2016 và lúc này tất cả các hạng mục dự án đã cơ bản hoàn thành.
Một bên Tư vấn độc lập, chủ đầu tư yêu cầu phải có hồ sơ đánh giá an toàn mới đồng ý đưa vào vận hành khai thác, một bên Tổng thầu nói không bổ sung được, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam vẫn ngày đêm mòn mỏi đợi chờ nhưng vẫn chưa biết bao giờ mới đến ngày cán đích?
Quá sốt ruột, Phó thủ tướng đặt câu hỏi: "Các ông hứa bao giờ làm xong?", Giám đốc dự án của tổng thầu trả lời: "Bao giờ đưa vào vận hành khai thác chính thức thì không phải do nhà thầu chúng tôi quyết định mà do chủ đầu tư quyết định".
Về vấn đề này, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: "Chúng tôi đã chờ đợi kiên trì và bây giờ đã quá mức kiên trì chờ đợi rồi. Phải nhanh, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Muốn vậy thì phải làm, không lý sự nhiều".
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, trách nhiệm của tổng thầu là rất lớn. "Tổng thầu phải tích cực hơn, trách nhiệm hơn nữa để cùng chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn khép lại hồ sơ theo đúng trình tự, đặc biệt phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trong trình đưa dự án vào hoạt động, khai thác.
"Để đưa dự án vào vận hành khai thác trong thời gian sớm nhất, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, tư vấn phải khẩn trương đẩy nhanh tiến độ dự án, đưa dự án vào khai thác trong thời gian ngắn nhất. Cố gắng cuối năm nay, đưa dự án vào vận hành, khai thác", Phó thủ tướng yêu cầu.